19/2/23

Trục lợi từ sách giáo khoa: Tội ác và di chứng khôn lường

         Dù câu chuyện trục lợi từ sách giáo khoa đã lùm xùm từ vài năm trước nhưng khi cựu Chủ tịch NXB Giáo dục Việt Nam bị bắt, không ít người vẫn thấy choáng váng.

Mới đây, ông Nguyễn Đức Thái, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Một thành viên NXB Giáo dục Việt Nam thuộc Bộ GD-ĐT cùng 3 đồng phạm bị bắt tạm giam để điều tra về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Dù câu chuyện trục lợi từ sách giáo khoa đã lùm xùm từ vài năm trước nhưng khi “sâu to” lộ diện, không ít người vẫn thấy choáng váng.

Trục lợi từ học sinh, di chứng còn dài

Theo kết quả điều tra, ông Nguyễn Đức Thái, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên, đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao trong việc mua sắm giấy in phục vụ in ấn sách giáo dục, cùng bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, nguyên Trưởng ban Kế hoạch Marketing, và ông Đinh Quốc Khánh, nguyên Phó Trưởng ban Kế hoạch Marketing đã thông đồng với bà Tô Mỹ Ngọc, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cổ phần Giấy Phùng Vĩnh Hưng, vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu cung cấp giấy in, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước.

Sau khi trúng thầu, ông Nguyễn Đức Thái, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy được nhận lợi ích vật chất từ bà Tô Mỹ Ngọc.

Thực tế, sách giáo khoa vô cùng hệ trọng đối với sự phát triển của nhiều thế hệ học trò. Để vun trồng thế hệ tương lai của đất nước đòi hỏi trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, trong đó có cả những người công tác tại NXB Giáo dục Việt Nam.

Ấy vậy mà, có kẻ núp sau chiêu bài “phục vụ là mục đích, kinh doanh là phương tiện” để vun vén lợi ích. Trong khi đó, không ít gia đình phải mua sách giáo khoa giá cao hơn, đồng nghĩa với việc những người nghèo khó rơi vào cảnh khốn cùng hơn. Bao nhiêu học sinh phải bỏ học, cuộc đời rẽ sang một hướng khác khi gia đình không đủ sức lo cho con ăn học? Thế nên trục lợi từ sách giáo khoa là tội ác và di chứng của việc này còn dài.

Những “con sâu” trục lợi đâu chỉ “làm rầu một nồi canh” mà vô hình trung, họ tạo điểm “hung” làm chao đảo giá trị “lễ – văn”, nhạt nhòa hình ảnh người thầy, nứt toác thành trì giáo dục.

Những câu hỏi còn bỏ ngỏ

NXB Giáo dục Việt Nam hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu 100%, cơ quan chủ quản là Bộ Giáo dục và Đào tạo. Dư luận đặt câu hỏi hằng năm, việc giám sát, kiểm tra, thanh tra được tiến hành thế nào, kết luận ra sao mà hàng trăm tỷ đồng chênh lệch từ việc nâng giá giấy in đã không được phát hiện?

Không ít người tin rằng hàng trăm tỷ đồng ấy chỉ là phần nổi của tảng băng trôi mang tên sách giáo khoa. Đấu tranh với tham nhũng không có vùng cấm, do đó, việc truy tận gốc rễ những sai phạm “chằng chịt” tại NXB Giáo dục Việt Nam là yêu cầu bức thiết.

Sai phạm tại NXB Giáo dục Việt Nam được xác định trong giai đoạn 2014-2019 nhưng góc tối sách giáo khoa liệu có phải chỉ trong giai đoạn đó? Câu trả lời còn bỏ ngỏ khi mà trước năm 2014, đã có tình trạng “rầm rộ” thay sách giáo khoa, rồi sách giáo khoa thí điểm phân ban, đại trà, sách dùng cho giáo viên, sách bài tập…

Mới đây, dư luận tiếp tục nóng lên chuyện sách giáo khoa trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Bức xúc vì giá sách giáo khoa cao, cử tri thắc mắc có hay không lợi ích nhóm. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã trả lời rằng sở dĩ bộ sách giáo khoa mới đắt gấp 2-3 lần sách cũ là do sách mới có khổ lớn hơn, giấy tốt hơn sách cũ. Thế nhưng, nhiều người vẫn còn hoài nghi nguyên nhân khiến sách giáo khoa đội giá.

Hơn nữa, xin hãy dành thời gian đọc sách giáo khoa mới. Tuy sách có nhiều màu sắc nhưng nội dung quá giản đơn, nhan nhản trên các nguồn học liệu điện tử. Liệu có tình trạng “thừa giấy vẽ voi” hay không?

Vậy thì, “thà một lần đau” để giáo dục ngay ngắn trở lại, mong lắm thay!

 

0 nhận xét: