20/4/23

Mạng xã hội nói về chuyến thăm Việt Nam của ông Blinken

         Nhân chuyến thăm của ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Việt Nam (14-16/4/2023) trên MXH lại xuất hiện nhiều tranh luận về quan hệ của  Việt Nam với các nước lớn, đặc biệt là với Mỹ và Trung Quốc.

Như thường lệ những kẻ chống đối, thiếu thiện chí, thiếu hiểu biết về Việt Nam lại cất lên những luận điệu cũ rích, đại loại như: “Cộng sản Việt Nam tiếp tục đu dây để giữ chế độ và ngửa tay nhận viện trợ”, “Khổ cho Việt Nam cứ phải đu dây mãi. Theo Mỹ thì mất đảng, theo Tàu Cộng thì mất nước”, “Đây bảo cho mà biết: Đu dây không an toàn đâu nhé. Đừng vội mừng”, “Muốn nâng quan hệ với Mỹ nhưng anh bạn phương Bắc lại không cho phép”, “Nhất Tàu, nhì Nga, còn xa mới đến Mỹ nhé”, “Cứ tiếp đón Mỹ linh đình thế này thì nông sản của Việt Nam lại bị chặn ở cửa khẩu mất thôi”, “Kinh tế của Việt Nam lịm đi, nên mới vội cầu cứu Mỹ đây mà”…

Đã từ lâu, những người sử dụng MXH không còn lạ gì những bình luận xỏ xiên kiểu như vậy. Cộng đồng mạng chân chính đánh giá cao mối quan hệ giữa hai nước, ủng hộ việc nâng cấp quan hệ ngoại giao Việt – Mỹ, phản đối những thông tin, bình luận xuyên tạc về đường lối đối ngoại của Việt Nam. “Xin chúc mừng chuyến thăm thành công của ông Blinken. Nhân dân Việt Nam chúng tôi luôn mong quan hệ hai nước phát triển bền vững”, “Quan hệ Việt Nam – Mỹ rất tốt đẹp. Hòa bình , tôn trọng lẫn nhau là điều người dân hai nước luôn mong muốn”, “Hy vọng hai nước sớm trở thành đối tác chiến lược”, “Cứ chơi với cả hai ông, đừng ngả hẳn vào bên nào là được”, “Chơi với Mỹ không có nghĩa là phải thoát Trung. Ở cạnh đất nước 1,5 tỉ dân lại rất mạnh, tại sao không chơi”, “Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với các nước lớn, nhưng Việt Nam sẽ không như Ucraina đâu”, “Việt Nam sẵn sàng chơi với cả Mỹ và Trung Quốc, nhưng Việt Nam không để cho ai lôi kéo, đi với nước này để chống lại nước khác đâu”…

Đã từ lâu, thế giới đều biết rõ đường lối đối ngoại của Việt Nam, nhất là trong quan hệ với các nước lớn trên thế giới. Các nguyên thủ quốc gia đều khẳng định tôn trọng đường lối đó. Trong cuộc gặp với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo của Việt Nam trong chuyến thăm vừa kết thúc, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố: “Mỹ coi trọng quan hệ với Việt Nam trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thể chế chính trị của nhau, ủng hộ một nước Việt Nam độc lập, tự cường và thịnh vượng”.

Việt Nam và Mỹ đã từng là kẻ thù của nhau trong mấy thập kỷ, nhưng với tinh thần “Gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”, hai bên đã bình thường hóa quan hệ năm 1995, trở thành đối tác toàn diện cách đây đúng 10 năm và khẳng định mong muốn đưa quan hệ Việt –Mỹ lên tầm cao mới trong thời gian tới.

Thực tế là Mỹ và các nước trên thế giới đều hiểu rõ vì sao Việt Nam lại kiên trì chính sách ngoại giao cây tre và tại sao Việt Nam liên tục bỏ phiếu trắng đối với các nghị quyết của Đại hội đồng LHQ về cuộc xung đột đang diễn ra tại Ucraina. Họ hiểu rằng đó là bài học xương máu mà Việt Nam đã rút ra từ lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc mình. Chính nhờ có đường lối đối ngoại này mà Việt Nam đã bảo đảm được sự ổn định chính trị, môi trường hòa bình để phát triển đất nước trong suốt nhiều năm qua và tạo được uy tín và vị thế quốc tế như hiện nay. 

Nhân kỷ niệm 10 năm Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, phía Mỹ đã hơn một lần tỏ ý muốn nâng cấp quan hệ ngoại giao giữa hai nước lên thành đối tác chiến lược. Tại buổi tiếp ông Blinken, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, những kết quả tích cực trong quan hệ Việt Nam – Mỹ trong thời gian qua là cơ sở để tiếp tục nâng quan hệ hai nước lên tầm cao mới, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Chưa biết khi nào Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mới thăm Mỹ và Tổng thống Mỹ Joe Biden mới thăm Việt Nam và liệu hai nước có nâng cấp quan hệ ngoại giao lên thành đối tác chiến lược trong thời gian tới hay không, nhưng có điều chắc chắn là Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ cả với Mỹ cũng như với Trung Quốc, Nga, EU và các nước khác trên thế giới.

Tất nhiên, sẽ có những khó khăn nhất định đối với Việt Nam trong việc thực hiện đường lối độc lập tự chủ, giữ thế cân bằng động trong quan hệ với các nước lớn trong bối cảnh quan hệ căng thẳng Mỹ – Trung Quốc tiếp tục gia tăng, một trật tự thế giới mới đang hình thành với nhiều diễn biến khó dự đoán, nhưng sẽ không có chuyện Việt Nam lại rơi vào vòng xoáy của cuộc chơi giữa các nước lớn, trở thành một Ucraina thứ hai. Đó là điều chắc chắn./. 

 Thanh Trung

0 nhận xét: