23/5/23

“Không phải cái gì lấp lánh cũng là vàng…”

 

Cuộc bầu cử tại Thái Lan diễn ra ngày 14-5 là sự kiện chính trị quan trọng, thu hút sự quan tâm theo dõi của cộng đồng khu vực và quốc tế. Lợi dụng những biến động trên chính trường Thái Lan, không ít đối tượng xấu, chống đối, cơ hội chính trị đã tìm cách móc ngoặc, so sánh thông tin một cách thô kệch để tạo cớ tấn công chế độ.

Ngày 14-5, khoảng 52 triệu cử tri Thái Lan đã đi bỏ phiếu để bầu ra 500 đại biểu hạ viện. Đây là cuộc bầu cử lần thứ hai được tổ chức ở quốc gia này sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014. Kết thúc bầu cử, phe đối lập đã giành được thắng lợi trước các đảng liên minh với quân đội. Trong đó, 2 đảng dẫn đầu là Move Forward với 151/500 ghế hạ viện và Pheu Thai với 141 ghế hạ viện. 

Lợi dụng việc bầu cử tại Thái Lan, không ít “chính trị gia online”, “nhà dân chủ mạng” đã tiến hành móc ngoặc thông tin, thao túng dư luận bằng cách tung ra vô số luận điệu độc hại, sai trái để tấn công Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Chúng cho rằng, bầu cử ở Thái Lan là dân chủ, tự do và vì dân, còn bầu cử ở Việt Nam thì thiếu dân chủ do “đảng cử, dân bầu, đè bẹp ứng cử viên độc lập bằng mọi thủ đoạn, triệt tiêu tiếng nói đối lập, bắt giam người bất đồng chính kiến”. Chúng vu khống trắng trợn rằng “Đảng đã sử dụng tuyên truyền mị dân và tổ chức bầu cử trong dối trá”, “mục đích cuối cùng chỉ là để tăng tính chính danh trong mắt dư luận trong và ngoài nước cho chế độ độc tài đảng trị mà thôi”. Chúng kích động người Việt trẻ bằng luận điệu: “Nếu lớp trẻ Việt Nam còn mải u mê, sống đời im lặng trong dối trá như hiện nay thì còn lâu dân Việt mới có tiếng nói đại diện cho thế hệ mình trên chính trường như người dân Thái đang thực thi trên đất nước của họ”… (?!) Với những luận điệu sai trái, độc hại này, các đối tượng chống đối đang tạo ra một bức tranh đen tối về đời sống chính trị tại Việt Nam, gây tác động tiêu cực đến dư luận.

Đời sống chính trị của mỗi quốc gia là khác nhau, phụ thuộc vào nhiều yếu tố cả khách quan lẫn chủ quan, như lịch sử văn hóa, tập quán – truyền thống chính trị, định hướng phát triển đất nước, mong muốn của nhân dân… Chính vì vậy, hành động tấn công thể chế chính trị, kích động mâu thuẫn, bất tuân ở mọi quốc gia đều là bất hợp pháp và không thể chấp nhận. Việc Thái Lan chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập là quyền tự quyết của Thái Lan. Ngược lại, Việt Nam lựa chọn phát triển theo con đường nhất nguyên chính trị, một đảng lãnh đạo cũng hoàn toàn phù hợp với lợi ích của quốc gia, dân tộc. Mọi hành động so sánh cho rằng đa nguyên, đa đảng mới có dân chủ, còn nhất nguyên chính trị, một đảng lãnh đạo thì thiếu dân chủ đều là khiên cưỡng, mang tính chất quy chụp và không phản ánh đúng thực tiễn.

Với câu chuyện bầu cử tại Thái Lan, nên nhớ, kết quả bầu cử mới chỉ là bước đầu trong quá trình thành lập Chính phủ mới. Hiện nay, Quốc hội Thái Lan thực hiện chế độ Hạ viện và Thượng viện. Hạ viện có 500 thành viên với nhiệm kỳ 4 năm được bầu theo hệ thống bầu cử hỗn hợp. Thượng viện Thái Lan được Hiến pháp năm 2017 của nước này quy định là một cơ quan phi đảng phái với 250 thành viên có nhiệm kỳ 5 năm. Các thượng nghị sĩ được tuyển chọn bởi Hội đồng Hòa bình và Trật tự quốc gia (NCPO – chính quyền quân sự Thái Lan được thành lập để điều hành đất nước sau cuộc đảo chính năm 2014). Do phần lớn các thượng nghị sĩ đều thân quân đội nên các đảng liên minh với quân đội luôn nhận được nhiều lợi thế hơn. Như vậy, rõ ràng cử tri không hề có “quyền tuyệt đối” trong việc bầu ra nghị viện. Trong khi đó, ở Việt Nam, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của đất nước. Quốc hội Việt Nam được bầu ra theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Mọi công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội nếu đáp ứng các yêu cầu được pháp luật quy định. Vậy hà cớ gì các “nhà dân chủ” lại cho rằng Việt Nam không có dân chủ?

Việc Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước và xã hội là hoàn toàn chính danh, hợp pháp và đã được thử thách bởi thực tiễn. Quốc hội Việt Nam được bầu ra cũng hoàn toàn khách quan, dân chủ, thể hiện rõ ý chí, nguyện vọng và mong muốn của quần chúng nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự làm chủ của nhân dân, đất nước ta đã đạt những thành tựu to lớn trên tất cả phương diện. Về kinh tế, Việt Nam từ một quốc gia nông nghiệp lạc hậu, chịu nhiều hậu quả do chiến tranh để lại đã vươn mình trở thành một trong những nước đang phát triển mạnh mẽ, năng động trên thế giới. Trên lĩnh vực đối ngoại, xuất phát điểm từ vị thế bị bao vây, cấm vận, đến nay chúng ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 192 quốc gia trên thế giới (bao gồm 190/193 nước thành viên Liên hợp quốc) và là thành viên có trách nhiệm của nhiều tổ chức khu vực và thế giới. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, tạo tiền đề quan trọng cho việc phát triển kinh tế, xã hội… Với một vài nét phác họa nêu trên, có thể thấy Việt Nam đang phát triển đúng hướng, bảo đảm lợi ích cho toàn thể người dân. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Những minh chứng thực tế này đã bác bỏ luận điệu độc hại, sai trái, xuyên tạc của các đối tượng xấu khi nói về chế độ chính trị của Việt Nam.

Thành ngữ nước ngoài có câu “All that glitters is not gold” (không phải cái gì lấp lánh cũng là vàng) để khuyên răn mọi người phải luôn luôn tinh tường, nhận thức được đâu là điều thực sự giá trị, có lợi cho bản thân mình. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi không ít “con buôn dân chủ” đang cố tình đưa ra những luận điệu lập lòe, bóng bẩy, rực rỡ về cái gọi là “đa nguyên, đa đảng” để mị hoặc lừa lọc người dân thì việc nhận thức chính trị đúng đắn là điều vô cùng quan trọng.

Anh Tú

 

0 nhận xét: