21/5/23

Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược

 

Khi tham gia thảo luận, trao đổi, đối thoại, hội thoại, đàm phán, hội đàm hay cao hơn nữa là trong mối bang giao giữa các quốc gia thì bắt buộc đại diện của những chủ thể phải tuân thủ 5 phương châm, gồm: lượng, chất, quan hệ, cách thức và lịch sự. Trong đó, phương châm quan hệ là khi giao tiếp cần phải nói đúng vào vấn đề hay đề tài giao tiếp, không nên lạc đề và lạc hướng trong khi nói chuyện hay trao đổi. Đây là điều vô cùng đơn giản và ai cũng biết. Tuy nhiên, vì động cơ không trong sáng hoặc có mưu đồ xấu nên ngày nay không ít tổ chức, cá nhân có địa vị và thậm chí là người đại diện cho một chính thể, một quốc gia, nhưng lại thực hiện không thống nhất giữa lời nói với nội dung và hành động. Với những trường hợp này, dân gian có câu nói quả không hề sai, đó là: “Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.

Ý nghĩa của câu thành ngữ này là dù chỉ có một sự việc, sự kiện hay vấn đề, nhưng hai hoặc nhiều người hiểu rồi làm theo cách riêng, thiếu sự phối hợp nên không có tính thống nhất. Nói cách khác, hai người đối thoại với nhau, nhưng mỗi người lại nói về chủ đề hoàn toàn khác nhau nên không ăn khớp, thiếu sự hòa nhập, thậm chí trái ngược nhau cả từ trong suy nghĩ đến hành động. Ở góc độ khác, câu thành ngữ này hoàn toàn đúng với trường hợp “trên nói một đằng, dưới làm một nẻo”. Và nếu ai đó bị coi là người “nói một đằng, làm một nẻo”, cũng có nghĩa là người đó không những có tư duy mà cả hành động đều thuộc loại kém cỏi và hậu quả dẫn đến là sự thất tín. Mà ở đời, nếu ai đó đã một lần thất tín thì ắt sẽ vạn lần mất tin. Trong khi đó, niềm tin là một giá trị tinh thần vô hình nhưng có sức mạnh rất to lớn, vì có niềm tin là có tất cả. 

Và trong thời đại hội nhập toàn cầu hiện nay, cuộc sống luôn đặt ra cho từng cá nhân cũng như mỗi quốc gia vô vàn khó khăn, thử thách, nhưng thành công hay thất bại là do niềm tin mà cá nhân hoặc quốc gia đó tạo dựng nên. Điều triết lý đơn giản này ai cũng biết và tất cả đều hiểu, nhưng không phải ai và đất nước nào cũng tạo dựng được. Bởi thế mới có chuyện những vị đại diện cho quốc gia hôm nay nói thế này, nhưng ngày mai cấp dưới ở trong nước lại làm khác, tức là “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” hay “trên nói một đằng, dưới làm một nẻo”. Bằng chứng là ngày 15-4-2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang ở thăm Việt Nam. Trong buổi tiếp, ông Antony Blinken đã khẳng định: Hoa Kỳ coi trọng quan hệ với Việt Nam, trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thể chế chính trị của nhau; ủng hộ Việt Nam “mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng”. 

Như vậy, chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Antony Blinken cho thấy phía Mỹ coi trọng quan hệ Đối tác toàn diện với Việt Nam. Đồng thời, thể hiện rõ sự cam kết mạnh mẽ của Mỹ trong việc tiếp tục thúc đẩy quan hệ hai nước ngày càng sâu rộng, ổn định và vững chắc hơn ở tầm cao mới trong thời gian tới. Thế nhưng ngay sau khi ông Blinken về nước và đúng vào dịp nhân dân Việt Nam vui mừng kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thì bà Gretchen Whitmer, Thống đốc bang Michigan đã tuyên bố đăng trên trang web rằng: “30-4-1975 là “ngày tháng 4 đen” và chúng tôi công nhận thời khắc đặc biệt này để người dân Michigan tôn vinh thảm kịch đau khổ và sự mất mát của vô số sinh mạng trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam, đồng thời tỏ lòng thành kính đối với những người đã hy sinh vì nhân quyền và tự do cho người dân Việt Nam”.

Trong khi đó, gần 28 năm trước, ngày 11-7-1995, Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Võ Văn Kiệt đã tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước, với chủ trương gác lại quá khứ hướng tới tương lai để mở ra một chương mới trong lịch sử hai nước. Vậy tại sao đến nay, Thống đốc bang Michigan lại cố tình khoét sâu vào nỗi đau của hàng triệu người dân Việt Nam, đồng thời kích động lòng thù hận của những kẻ điên cuồng chống cộng đang sống lưu vong tại Mỹ. Đó cũng là những kẻ quyết liệt chống đối việc dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế của Mỹ đối với Việt Nam. Chính vì thế, cựu Tổng thống Bill Clinton đã nói: “Họ đã bỏ chạy khỏi quê hương của họ vì sự hèn nhát. Giờ đây họ lại muốn trả thù kẻ chiến thắng bằng cách hy sinh lợi ích của Mỹ? Có vẻ họ không tự nhận thức được thân phận của họ”.

Chưa hết, ngày 27-4-2023, Thượng viện bang California đã thông qua cái gọi là nghị quyết rằng, ấn định ngày 11-5 hằng năm là Ngày nhân quyền Việt Nam, với mục đích là để “ủng hộ cho các nỗ lực nhằm đạt được tự do và nhân quyền cho người dân Việt Nam”.  Mục đích của việc làm này là nhằm tạo cơ hội cho các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị cùng một số tổ chức phi chính phủ được sự hậu thuẫn của phương Tây đã và đang tìm mọi cách thực hiện những động cơ, mưu đồ đen tối để chống phá Việt Nam. Tuy nhiên, không nói ra thì mọi người dân Việt Nam cũng hiểu rõ, đây là chiêu trò “rung cây dọa khỉ” của phương Tây trước khi thực thi “chính sách ngoại giao thân thiện”. Cụ thể, đối với Việt Nam, dân chủ hay nhân quyền chỉ là cái cớ, mục đích chính của họ là yêu cầu Việt Nam phải “cải cách để Nhà nước tồn tại độc lập, không có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản”.

Vào hùa với những việc làm sai trái nêu trên, với lý do kỷ niệm 50 năm ngày Australia  rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, Công ty Royal Australia Mint và Bưu chính Australia vừa phát hành hai loại vật phẩm có hình “cờ vàng”, cờ của một chế độ đã không còn tồn tại. Cụ thể, mẫu đồng xu loại 2 đô la có in hình trực thăng ở chính giữa, xung quanh là các họa tiết, trong đó có hình ảnh “cờ vàng” và một số loại tem cũng có hình “cờ vàng”. Ngày 4-5-2023, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết, Việt Nam “lấy làm tiếc và kiên quyết phản đối” hành động của Công ty Royal Australia Mint và Bưu chính Úc. Việc này hoàn toàn không phù hợp với xu thế phát triển tốt đẹp của quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Úc”. Hơn nữa, trong chuyến thăm Việt Nam vào đầu tháng 4-2023, Toàn quyền Australia David Hurley đã khẳng định: Australia tự hào có người bạn, đối tác tin cậy và thân thiết như Việt Nam… Hai bên cũng nhất trí trao đổi về việc nâng cấp quan hệ lên thành đối tác chiến lược toàn diện vào thời điểm phù hợp.

Và vấn đề ở đây là nếu Mỹ thực sự “coi trọng quan hệ với Việt Nam, trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thể chế chính trị của nhau…”, như lời ông Antony Blinken, hay khẳng định của Toàn quyền Australia rằng, “Australia tự hào có người bạn, đối tác tin cậy và thân thiết như Việt Nam…”, thì tại sao lại để những chuyện nêu trên xảy ra ngay trên đất nước mình. Đây chẳng phải là “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, “nói một đằng, làm một nẻo” hay sao? Và trong thời đại ngày nay, lòng tin là sự khởi đầu và là nền tảng quan trọng trong quan hệ quốc tế. Việt Nam sẵn sàng làm bạn, đối tác tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, nhưng chắc chắn sẽ không bao giờ là bạn, là đối tác với những ai “nói vậy mà không phải vậy”.

 

0 nhận xét: