Vừa qua, tổ
chức Phóng viên không biên giới (tiếng Pháp: Reporters sans frontières, viết tắt
là RSF) – một trong những tổ chức phi chính phủ luôn có cái nhìn định kiến đối
với Việt Nam – đã đưa ra báo cáo “Chỉ số tự do báo chí thế giới”.
Như thường lệ,
RSF tiếp tục có những nhận định sai trái, vô căn cứ về tình hình báo chí tại Việt
Nam, cho rằng ở Việt Nam không có tự do báo chí, người dân không được thực hiện
quyền tự do ngôn luận…
Mưu đồ chống
phá
Khi bàn về đấu
tranh tư tưởng, nguyên Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã tuyên bố: “Mặt trận tư tưởng
là mặt trận quyết định nhất”, “toàn bộ vũ khí của Mỹ, các hoạt động mậu dịch,
viện trợ, quan hệ kinh tế sẽ không đi đến đâu nếu chúng ta thất bại trên mặt trận
tư tưởng”.
Một số nhà tư
tưởng của các nước phương Tây cũng nhận định: “Một đài phát thanh cũng có thể
bình định xong một đất nước”, “một đô la chi cho tuyên truyền có tác dụng ngang
với 5 đô la chi cho quốc phòng”… Chính bởi vậy, các thế lực thù địch đã tìm
cách lợi dụng vỏ bọc “dân chủ”, “nhân quyền” để tạo cớ tấn công, chống phá mặt
trận tư tưởng của ta. Hiện nay, ngoài các cơ quan báo, đài đang duy trì hoạt động,
các tổ chức, cá nhân thù địch còn lập ra hàng ngàn trang web để lan truyền những
thông tin sai trái, độc hại.
Thông qua vỏ
bọc tự do ngôn luận, tự do báo chí, các thế lực xấu đang triệt để sử dụng chiêu
trò “nội công, ngoại kích”. Một mặt, chúng tuyển lựa, đào tạo, hỗ trợ các “con
buôn dân chủ” trong nước tiến hành những hoạt động công kích Đảng, Nhà nước,
các cơ quan chính quyền dưới vỏ bọc “nhà báo tự do”, “phóng viên tự do”.
Mặt khác, các
thế lực bên ngoài thường xuyên rêu rao về tính tuyệt đối của quyền tự do ngôn
luận, tự do báo chí, kích động các giá trị dân chủ quá đà “nhân quyền cao hơn
chủ quyền” và đồng thời gây sức ép, đưa ra các bản báo cáo, phúc trình, xếp hạng
có nội dung sai sự thật về tình hình tự do báo chí tại Việt Nam; vu khống Đảng,
Nhà nước Việt Nam “đàn áp” báo chí, cho rằng Việt Nam không có tự do báo chí,
không có tự do ngôn luận!
Việc xuyên tạc
tình hình dân chủ, nhân quyền của Việt Nam nói chung và việc thực hiện quyền tự
do báo chí, tự do ngôn luận nói riêng không phải là mới. Đây là kịch bản cũ thường
xuyên được các cá nhân, tổ chức chống đối thực hiện. Thông qua việc vu cáo Việt
Nam không có tự do ngôn luận, tự do báo chí, các thế lực thù địch đã tìm cách
hòng thò tay can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Thực chất, đây là một
thủ đoạn trong cuộc chiến trên mặt trận tư tưởng mà các thế lực thù địch triệt
để lợi dụng, nhất là trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay.
Thực tiễn
sinh động phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Tại Việt Nam,
báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan
ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức
chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp;
là diễn đàn của nhân dân. Đảng, Nhà nước ta luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để
quyền tự do báo chí được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên,
các đối tượng xấu lại luôn lợi dụng chống phá, đưa ra những thông tin sai trái,
vu khống Việt Nam không có tự do báo chí, tự do ngôn luận.
Quan điểm xuyên
suốt và nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền tự
do ngôn luận, tự do báo chí của công dân. Điều 25, Hiến pháp năm 2013 ghi rõ:
“Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp,
lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
Để thúc đẩy sự
phát triển của báo chí và bảo đảm quyền tự do ngôn luận của người dân, Đại hội
XIII của Đảng đề ra chủ trương “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp,
nhân văn và hiện đại”. Hiện nay, các cơ quan chức năng đang tích cực thực hiện
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí
toàn quốc đến năm 2025 và Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định
hướng đến năm 2030. Việc đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho lĩnh vực báo chí được
quan tâm đầu tư.
Đồng thời,
Nhà nước đã có chính sách đặt hàng báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, an ninh,
quốc phòng, thông tin đối ngoại, phục vụ thiếu niên, nhi đồng, người khiếm
thính, khiếm thị, đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế –
xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo và
các nhiệm vụ trọng yếu khác.
Số liệu thống
kê đến cuối năm 2022 cho thấy, nước ta có 127 cơ quan báo, 670 cơ quan tạp chí
(trong đó có 327 tạp chí lý luận chính trị, khoa học và 72 tạp chí văn học nghệ
thuật); 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình. Số người đang làm việc trong
lĩnh vực báo chí là 41.000 người, với 19.356 cán bộ đã được cấp thẻ nhà báo.
Cùng với các
cơ quan báo chí trong nước, nhiều hãng truyền thông, thông tấn quốc tế đã có mặt
tại Việt Nam như CNN, Reuters, AP, AFP, Kyodo, Hãng thông tấn Asia (Hàn Quốc),
Nhật báo kinh tế Aju (Hàn Quốc) và Rossiya Segodnya (Nga)… Với lực lượng làm
báo hùng hậu như trên, đời sống báo chí ở Việt Nam đã diễn ra hết sức nhộn nhịp,
phản ánh mọi mặt của đời sống xã hội. Đây là nền tảng quan trọng để bảo đảm quyền
tự do ngôn luận, tự do báo chí cho mỗi người dân.
Theo quy định
của pháp luật nước ta, công dân có quyền sáng tạo tác phẩm báo chí; cung cấp
thông tin cho báo chí; phản hồi thông tin trên báo chí; tiếp cận thông tin báo
chí; liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí; phát biểu ý kiến
về tình hình đất nước và thế giới; tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường
lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp ý kiến, phê
bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng,
cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề
nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân
khác…
Với những quy
định này, mọi người dân đều dễ dàng tham gia vào hoạt động báo chí, trở thành một
nhà báo tự do tìm kiếm, phát hiện đề tài và đưa ra sản phẩm báo chí, đảm bảo
quyền tự do hoạt động theo quy định của Luật Báo chí và các luật liên quan.
Trong thời gian qua, báo chí đã có những đóng góp vô cùng quan trọng trong việc
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong công tác phòng chống tham nhũng, nhiều
vụ việc tiêu cực, vi phạm đã được báo chí phản ánh và đưa ra ánh sáng, góp phần
làm trong sạch bộ máy.
Tự do ngôn luận,
tự do báo chí chân chính chỉ có thể tồn tại trong một quốc gia có chủ quyền,
không bị lệ thuộc vào bất kỳ thế lực nào. Bởi vậy, đi liền với việc thực hiện
các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, mỗi người dân cũng phải chấp hành
nghiêm các quy định về nghĩa vụ của công dân để bảo đảm lợi ích của quốc gia,
dân tộc.
Mọi hành vi lạm
dụng, lợi dụng quyền tự do báo chí, tự do ngôn để xâm phạm lợi ích của Nhà nước,
quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân đều bị nghiêm cấm và có chế
tài nghiêm khắc. Không chỉ riêng tại Việt Nam, ở tất cả các quốc gia khác trên
thế giới đều quy định tương tự.
Đơn cử, Tuyên
ngôn về Nhân quyền và Dân quyền Pháp năm 1789 ghi nhận: “Bất kỳ công dân nào
cũng có thể nói, viết và công bố tự do; tuy nhiên, họ sẽ phải chịu trách nhiệm
nếu lạm dụng quyền tự do này theo quy định của pháp luật”. Hay như Công ước quốc
tế về các quyền dân sự và chính trị (1966) cũng quy định mọi người có quyền tự
do ngôn luận nhưng việc thực hiện quyền này phải kèm theo những nghĩa vụ và
trách nhiệm đặc biệt để tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; bảo vệ
an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức của xã hội.
Quyền tự do
ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam luôn được tôn trọng và bảo đảm theo đúng
quy định của pháp luật. Việc đưa ra bảng xếp hạng từ những con số, dữ liệu sai
lệch rồi cho rằng Việt Nam không có tự do ngôn luận, tự do báo chí là những luận
điệu xuyên tạc, đi ngược lại lợi ích của Việt Nam và cách làm sai trái đó khiến
bức tranh tự do báo chí trên thế giới nói chung bị bóp méo, biến dạng.
0 nhận xét: