Câu chuyện dù đã quen thuộc trong đời sống xã hội nhưng rất ít người đề cập thẳng thắn. Ấy là việc nhiều cá nhân thiếu niềm tin một cách mù quáng vào người tốt, cái tốt đang hiện hữu trong đời sống xã hội, rồi sinh ra tâm lý tiêu cực, bất mãn, thiếu trách nhiệm với tổ chức, cộng đồng, thậm chí là với chính mình. Đây là căn bệnh khá phổ biến ở một bộ phận cán bộ, đảng viên, quần chúng; rất cần được cơ quan chức năng sớm nhận diện, dập tắt.
1. Trên
trang Facebook cá
nhân, một cán bộ hưu trí ở phía Nam bỗng dưng đăng bài viết bày tỏ bức xúc, quy
chụp và lớn tiếng phê bình lối sống của một số cán bộ cấp cao. Chủ tài khoản mạng
xã hội này cho rằng cán bộ tốt bây giờ không còn nữa nên bản thân thật sự mất
niềm tin. Biết anh từ khá lâu nên chúng tôi gặng hỏi, sao anh lại quy chụp kiểu
“vơ đũa cả nắm” như thế. Anh bực dọc: “Bây giờ cán bộ ai chả thế. Những người
tưởng chừng là tốt, là hay rồi cũng đã “nhúng chàm”. Thế thì còn biết tin ai,
tin vào đâu”.
Không đồng tình
với quan điểm đó, chúng tôi đấu lý rồi kể tên hàng loạt cán bộ cấp cao liêm
chính, giản dị, sống vì dân. Bảo rằng cán bộ tha hóa, biến chất trong xã hội
bây giờ không hiếm, nhưng đó không phải là tất cả. Đó chỉ là những “con sâu làm
rầu nồi canh”. Thuyết phục mãi anh mới chịu hạ giọng, nhưng vẫn chua thêm một
câu qua điện thoại, đại thể: Nói chung, không thể tin được cán bộ bây giờ!
Một câu chuyện
khác, khi báo chí đăng tải một bài viết về tấm gương cán bộ dám nghĩ, dám làm,
dám chịu trách nhiệm ở miền Trung, dù không biết cán bộ đó là ai, không rõ thực
hư thành quả cá nhân đó đạt được như thế nào nhưng nhiều người đọc ở ngoài Bắc
vẫn bình luận bày tỏ sự hoài nghi, thậm chí dị nghị: Lại “bôi trơn”, tung hô
nhau đây. Đúng là “đài nói láo, báo nói thêm”…
Rõ ràng, tâm lý
xã hội đang thật sự có vấn đề. Đó không chỉ là tâm lý của những người dân bình
dị mà còn là lối nghĩ của không ít trí thức, người có vị trí xã hội, kể cả những
người có chức trách, nhiệm vụ đi tuyên truyền, giáo dục. Công bằng mà nói, lâu
lắm rồi, báo chí và các phương tiện truyền thông chưa quan tâm thỏa đáng, đúng
tầm mức việc tuyên truyền về người tốt-việc tốt, cán bộ tiêu biểu, điển hình,
mô hình…
Minh chứng là
khi thử thao tác tra cứu Google với cụm từ “gương cán bộ cấp tỉnh, thành phố”…
thì kết quả thu được thật khó tin: Gần như chỉ đếm được trên đầu ngón tay số
cán bộ cấp tỉnh, thành phố, cán bộ công chức ở các ban, bộ, ngành Trung ương, địa
phương được báo chí truyền thông viết thành gương điển hình.
Thực tế cho thấy,
không phải không có điển hình, mà chính những người trong cuộc lại ngại được
tuyên truyền, vì tâm lý sợ “lợi bất cập hại”… Mặt khác, ngay cả cơ quan báo chí
cũng chưa dành nhiều thời gian, đầu tư công sức để mở chuyên trang, chuyên mục
ngợi ca, tôn vinh các điển hình, mô hình, cái hay, cái đẹp một cách hệ thống,
thường xuyên, hiệu quả. Cũng bởi thế mà trong dòng chảy thông tin xã hội, thông
tin mạng xã hội lấn át thông tin báo chí chính thống; thông tin tiêu cực bao
trùm lên thông tin tích cực một cách khó kiểm soát.
Kết quả khảo sát
tại một số cơ quan báo chí cho thấy, những bài viết về cái hay, cái đẹp, gương
người tốt-việc tốt thời gian qua nhận được rất ít sự quan tâm của bạn đọc, lượng
chia sẻ, tương tác khá khiêm tốn; số lượng bình luận bày tỏ thái độ tiêu cực,
thiếu niềm tin nhiều hơn sự ghi nhận, khen ngợi nhân vật điển hình.
Thậm chí trong
không ít năm, các giải thưởng báo chí ở nhiều cấp, ngành, địa phương thường ưu
tiên giải thưởng cho các tác phẩm đề cập đến nội dung đấu tranh chống tiêu cực,
dám bóc trần những hạn chế, yếu khuyết của đời sống xã hội. Hơn thế, trên báo
chí, mạng xã hội hiện nay, người ta nói nhiều đến sự vô cảm và dễ dàng bắt gặp
những tin tức tội phạm, câu chuyện tiêu cực, hành vi ứng xử kém văn hóa… Những
thứ ấy được đào xới, lan truyền một cách bừa bãi, nhận sự ủng hộ của cộng đồng
mạng theo lối a dua, ăn theo; nhưng lại có quá ít người sẻ chia, ủng hộ những tấm
gương tốt, việc làm thiện, cách sống hay.
2. Ông cha
ta đã dạy “… mất niềm tin là mất tất cả”. Những người không tin tưởng vào chính
mình, không có niềm tin vào cuộc sống, nhất là những điều tốt đẹp sẽ không biết
bản thân nên làm gì, hành động thế nào. Từ đó, họ sinh ra tâm lý chán nản,
không muốn làm việc tốt, không có động lực dấn thân, cống hiến. Khi một cá nhân
không có niềm tin sẽ không tin vào phẩm chất, năng lực của chính mình; không
còn khả năng đương đầu với khó khăn, thử thách, dễ dàng buông xuôi. Tổ chức, cơ
quan, địa phương có những cá nhân mất niềm tin thì công việc sẽ đình trệ, nội bộ
mất đoàn kết.
Vì thiếu niềm
tin vào người tốt, cái tốt của xã hội nên không ít cá nhân nhìn nhận xã hội này
bằng những gam màu xám xịt. Nhiều người sinh ra bất mãn, tự ti, cực đoan. Khi
đó, họ so sánh xã hội này với xã hội khác, xã hội hiện nay với xã hội ngày xưa…
Điều này tiềm ẩn nguy cơ lớn của việc đòi hỏi thay đổi chế độ, đòi hỏi dân chủ
quá trớn, tự do quá đà. Trong xã hội có những cá nhân mất niềm tin như vậy như
những đốm lửa nhỏ cháy âm ỉ, từng ngày lan truyền tạo thành đám lửa lớn, sinh
ra những xung đột kiểu “đại dịch… thiếu niềm tin”.
Điều đáng nói là
các thế lực thù địch, phản động luôn tung ra những luận điệu xuyên tạc, quy chụp
về các hiện tượng tiêu cực, cá nhân sai phạm, từ đó hướng lái dư luận xã hội mất
niềm tin vào đội ngũ cán bộ, đảng viên, vào sự lãnh đạo của Đảng, đòi thay đổi
chế độ.
Trong thời đại của
“xã hội ảo”, lợi dụng internet, mạng xã hội, những kẻ hiềm khích, chống phá dựng
nên nhiều “tấm gương tốt” ở bên kia chiến tuyến, dựng nên cuộc chiến tranh tâm
lý, tạo ra sự nghi ngờ bao trùm trong xã hội, thật-giả, tốt-xấu lẫn lộn khiến
người dân hoang mang, mất niềm tin. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định:
“Ta làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Nếu làm cái gì
trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả”. Đó là nguy cơ của mọi nguy cơ,
vì mất niềm tin là mất tất cả!
3. Thật ra,
người tốt, cái tốt luôn hiện hữu quanh ta. Vấn đề là mỗi người cần tĩnh tâm
nhìn nhận để phát hiện ra điều đó, bởi người tốt thì không bao giờ lộ thiên, điều
tốt thì thiêng liêng, cao quý, rất khó để cảm nhận đủ đầy giá trị của nó. Những
người tốt thường khiêm tốn, không thích khoe khoang thành tích cá nhân, không thích
được vinh danh, xướng tên trên truyền thông, báo chí. Lòng tốt đôi khi chỉ là
những cử chỉ, lời nói động viên rất nhỏ, có khi chỉ thoảng qua
khiến chúng ta khó nhận ra, ví dụ như việc giúp một người già
qua đường, nhường ghế cho một người yếu thế trên xe buýt… Đừng
nghĩ rằng việc tốt phải là những việc to tát, lớn lao.
Ngày nay, trong
cuộc sống náo nhiệt với sự đa dạng về văn hóa, ứng xử… chắc hẳn
không ít người từng bắt gặp những con người, hành vi chưa tốt, để rồi
chép miệng “xã hội tốt-xấu lẫn lộn, chẳng thể tin ai”. Cũng không phải tự nhiên
mà người ta nghi ngại như vậy. Bởi đôi khi, sự giả tạo vẫn tồn tại
trong cuộc sống và trong nhiều trường hợp có phần lấn át cái hay, cái đẹp, khiến
chúng ta khó nhận ra cái tốt trước mắt. Đặc biệt, khi người ta đánh giá con người
qua “xã hội ảo” nhiều hơn xã hội thực thì việc kiểm chứng thông tin càng trở
nên khó khăn gấp bội.
Cái đẹp,
cái thiện vẫn âm thầm, lặng lẽ tồn tại xung quanh chúng ta. Người tốt là
người biết lo nghĩ cho người khác, sẵn sàng cống hiến cho cộng đồng,
quê hương, đất nước. Tuy nhiên, để phát hiện người tốt-việc tốt, để
“cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp” thì công tác tuyên truyền có ý nghĩa đặc biệt
quan trọng. Không ít cơ quan truyền thông, báo chí vẫn xem đó là nhiệm vụ chính
trị thường xuyên, cũng là việc cần kíp để nhân lên niềm tin tốt đẹp trong xã hội.
Ví như ở Báo
Quân đội nhân dân, với trách nhiệm vinh danh, nhân lên phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ và
những giá trị cao đẹp chân-thiện-mỹ trong đời sống xã hội, liên tục hơn 14 năm
qua, tờ báo chiến sĩ đã duy trì hiệu quả Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị
mà cao quý”, phát hiện hàng nghìn tấm gương sáng, học tập và làm theo tư tưởng,
đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, để cán bộ, quần chúng soi chiếu, học tập, làm
theo.
Như vậy, để khắc
phục, khống chế “đại dịch… thiếu niềm tin” đang lan tràn rộng khắp thì giải
pháp cần kíp và lâu dài vẫn là quan tâm kiếm tìm, tôn vinh, nhân lên những tấm
gương sáng, hành động đẹp trong đời sống xã hội. Phần việc này đòi hỏi phải có
sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, mà trước hết cần phải thay đổi tư duy,
quan niệm về sự ghi nhận, đón nhận, tán dương cái hay, cái tốt, cái đẹp bằng sự
lạc quan, tin tưởng tuyệt đối của cả cộng đồng xã hội.
0 nhận xét: