11/6/23

TIẾT KIỆM ĐIỆN NHƯNG KHÔNG PHẢI BẰNG CÁCH NÀY

 

Nguy cơ về một mùa hè nóng nực và thiếu điện đang dần trở nên hiện hữu khi trên địa bàn các tỉnh miền Bắc, việc cắt điện luân phiên cũng đã diễn ra. Một giải pháp cho tình trạng này đó là kêu gọi người dân sử dụng tiết kiệm điện nhằm chia sẽ khó khăn với ngành điện trong giai đoạn hiện nay. Tại Hà Nội, nhân viên điện lực cũng đã phải dùng loa, đi từng phố để kêu gọi người dân tiết kiệm điện.

Tuy nhiên, báo chí thời gian qua cũng phản ánh hiện tượng người dân mua và sử dụng các thiết bị được quảng cáo là “tiết kiệm điện”, có thể tiết kiệm lên tới 40% tiền điện một tháng. Nghe qua thì mọi người đều thấy đây là một sự vô lý nhưng sự vô lý này lại được khá nhiều người tin theo.

Vừa qua, phóng viên VTV cũng đã tiến hành thử nghiệm trực quan với thiết bị “tiết kiệm điện” trên. Kết quả, khi thử nghiệm đun nước: Trước cắm thiết bị “tiết kiệm điện”, công suất điện tiêu thụ là 1,9 kw/h. Sau khi cắm thiết bị “tiết kiệm điện”, công suất điện tiêu thụ là 2 kw/h. Tức là cắm thiết bị tiết kiệm điện này vào thì tốn điện hơn. Và thực chất bên trong thiết bị “tiết kiệm điện” này với mạch điện hết sức sơ sài và công năng chính là làm sáng 1 đèn led cho người sử dụng xem. Như vậy, người tiêu dùng vừa mất tiền mua thiết bị, vừa vẫn mất thêm tiền điện trong khi họ đối diện với nguy cơ cháy nổ do đây là thiết bị trôi nổi, không được kiểm định về chất lượng.

Tiết kiệm điện vừa là chủ trương, vừa là giải pháp trong tình hình thiếu điện hiện nay. Tuy nhiên, tiết kiệm điện phải vừa được thể hiện trong nhận thức vừa thể hiện trong hành động thực tế hàng ngày của chúng ta chứ không phải bằng các thiết bị trôi nổi, quảng cáo quá đà trên mạng như vậy. Hãy tiết kiệm điện bằng hành động thực chất chứ đừng bằng những thiết bị “tiết kiệm điện” gian dối nêu trên.

0 nhận xét: