Thành tích là kết quả tốt đẹp do
sự cố gắng, nỗ lực mà đạt được. Thành tích đi liền với biểu dương, khen thưởng
sẽ là động lực cho sự phát triển. Đáng tiếc hiện nay, “thành tích” (những yếu
kém, tồn tại được che giấu ở những bản thành tích không thật thà) đã và đang bị
một bộ phận cán bộ, đảng viên biến nó trở nên méo mó. Có thể thấy,
họ ham thích đến mức sính thành tích, trở thành một căn bệnh của xã hội-bệnh
sính thành tích. Những người này làm việc gì cũng chỉ vì thành tích, sẵn sàng
làm gian dối, thích được ca ngợi, thích được tung hô, vì vậy, họ cố tình “báo
cáo khống”, có một báo mười, thậm chí hàng trăm, hàng nghìn để thổi phồng thành
tích. Một số khác (thường là những cá nhân có chức, có quyền) lại sử dụng công
quỹ và nhân danh tập thể để rùm beng, biến thành tích của đơn vị, địa phương
thành thành tích cá nhân.
Nguy hại hơn, vì thành tích mà họ cố tình che giấu khuyết điểm bằng cách tự “nặn
ra thành tích”, không được thì họ “chạy thành tích”, cậy cục, gõ cửa cấp trên,
lo lót cho một số cán bộ có chức quyền để báo cáo gian dối, xuyên tạc kết quả,
thậm chí sẵn sàng dùng những mánh khóe để đánh lừa cấp trên và dư luận… Vì
thành tích mà họ thù ghét những ai vạch mặt, chỉ tên những hạn chế, khuyết điểm
của mình. Họ nâng sự che giấu khuyết điểm lên tầm “nghệ thuật”, gọi là “nghệ
thuật” che giấu khuyết điểm. Sính thành tích và che giấu khuyết điểm luôn gắn
liền với nhau, là hệ lụy của nhau. Họ dùng thành tích để che giấu khuyết điểm,
đánh bóng tên tuổi, tạo sự vững mạnh giả tạo, làm bình phong che chắn cho mình,
để mở cánh cửa thăng tiến, củng cố vị trí, quyền lực.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ những biểu hiện của những kẻ sính
thành tích, đó là: “… ham chuộng hình thức, làm việc không xét đến kết quả thiết
thực, cần kíp, chỉ chăm về hình thức bên ngoài, chỉ muốn phô trương cho oai;
làm được ít suýt ra nhiều…; tự cao, tự đại, ham địa vị, hay lên mặt. Ưa người
ta tâng bốc mình, khen ngợi mình. Ưa sai khiến người khác. Hễ làm được việc gì
hơi thành công thì khoe khoang vênh váo, cho ai cũng không bằng mình; báo cáo dối,
giấu cái dở, cái xấu, chỉ nêu cái tốt, cái hay…”. Thực tế thời gian qua, nhiều
cán bộ, đảng viên, có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cao bị kỷ luật, thậm chí
ra hầu tòa, nhưng trước đó đều được xếp loại hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc
nhiệm vụ, được biểu dương, khen thưởng…
Căn bệnh này đã được Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII chỉ ra là một trong những
biểu hiện của tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống: Mắc bệnh thành tích, háo
danh, phô trương, che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, đánh bóng tên tuổi;
thích được đề cao, ca ngợi; “chạy thành tích”, “chạy khen thưởng”, “chạy danh
hiệu”… Bệnh sính thành tích và che giấu khuyết điểm đã và đang gây ra những hệ
lụy nghiêm trọng, gây mất đoàn kết nội bộ, mất niềm tin dẫn đến hủy hoại uy
tín, danh dự của cá nhân và sức mạnh của tổ chức, xa hơn, nó còn làm tổn hại đến
Đảng, Nhà nước và chế độ.
Nhận diện căn bệnh này không quá khó, nhưng khá phức tạp vì nó thường được che
giấu bởi vẻ bề ngoài hào nhoáng, bóng bẩy. Nếu không nhìn nhận thấu đáo, soi
vào bản chất, logic của vấn đề thì khó đoán biết, phải qua kiểm tra, giám sát của
tổ chức, cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân mới phát hiện được chính xác. Bệnh
sính thành tích và “nghệ thuật” che giấu khuyết điểm xuất phát từ nhiều nguyên
nhân, cả khách quan và chủ quan.
Thứ nhất, xuất phát từ tâm lý háo danh, ưa chuộng hình thức, tư tưởng kèn cựa,
đố kỵ “con gà tức nhau tiếng gáy” còn tồn tại trong suy nghĩ, nhận thức của
không ít cán bộ, đảng viên. Một bộ phận cán bộ, đảng viên coi thành tích không
chỉ là phương tiện nhằm thỏa mãn tâm lý thích được đề cao, ca ngợi mà mục đích
sâu xa hơn, họ còn dùng để ngụy trang, bưng bít khuyết điểm. Tâm lý thích khen
hơn chê, sĩ diện, thích phô trương theo kiểu “đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại”;
tâm lý không muốn “vạch áo cho người xem lưng”; tâm lý nể nang, né tránh, ngại
va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh hoặc lợi dụng phê
bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau.
Thứ hai, vì mang nặng chủ nghĩa cá nhân mà mắc bệnh sính thành tích, nhất là
trong những cán bộ, đảng viên có chức, có quyền, chỉ biết chăm lo, vun vén cho
lợi ích cá nhân, quên lợi ích tập thể, lợi ích cộng đồng, đặt cái riêng lên
trên cái chung mà bao che, giấu giếm khuyết điểm, khuếch trương thành tích. Nghị
quyết số 847-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ,
kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới đã chỉ ra một trong những
biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân đó là: “Thổi phồng thành tích, đánh bóng tên tuổi;
sợ trách nhiệm, tranh công, đổ lỗi; giấu giếm, bao che và không trung thực về
những khuyết điểm, sai phạm”.
Thứ ba, do tính chiến đấu của các tổ chức nói chung, tổ chức cơ sở đảng nói
riêng chưa được phát huy đúng mức, tự phê bình và phê bình yếu. Cán bộ cấp dưới,
đảng viên thì sợ khuyết điểm, không dám chịu trách nhiệm, không đủ dũng cảm để
nhìn thẳng vào sự thật, báo cáo đúng sự thật. Thấy cái xấu, cái sai của người
có vị trí cao hơn mình chẳng ai dám nói ra. Ai can đảm nói ra thì những người
có quyền lợi liên quan hoặc có thể bị ảnh hưởng sẽ cùng nhau cho người đó ra
rìa, bị cười nhạo hoặc ghét bỏ.
Việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở kém hiệu quả, vai trò của quần chúng không
được phát huy. Quần chúng không nói không phải không biết hay không có gì để
nói mà họ nghĩ nói ra cấp trên sẽ không nghe, thậm chí có khi còn bị trù dập
theo kiểu “đấu tranh-tránh đâu”. Họ sợ sẽ bị quy kết làm mất uy tín cán bộ, làm
ảnh hưởng đến thành tích của cơ quan, đơn vị, làm mất đoàn kết nội bộ, làm giảm
ý chí chiến đấu của tập thể.
Ngoài ra, công tác thi đua, khen thưởng ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương
chưa thực chất, nặng về hình thức. Việc tổ chức đánh giá, kiểm soát về chất lượng
không kỹ càng đã tạo kẽ hở và điều kiện cho hành vi “làm láo, báo cáo hay”, “chạy
thành tích”, “chạy danh hiệu”… đang là một trong những lý do dẫn đến bệnh sính
thành tích và “nghệ thuật” che giấu khuyết điểm của cán bộ, đảng viên hiện nay.
Để khắc phục căn bệnh sính thành tích và che giấu khuyết điểm cần tập trung giải
quyết dứt điểm căn nguyên của nó.
Một là, khắc phục tâm lý sùng bái thành tích, quá coi trọng hình thức, phô
trương; giấu giếm khuyết điểm của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Cũng
cần nhìn nhận rằng, giấu giếm khuyết điểm và thích khen hơn chê là bản tính của
con người, là yếu tố tâm lý khách quan. Do đó, muốn chữa bệnh phải điều trị từ
gốc. Trước hết, chủ quan của những người này phải muốn chữa và quyết tâm chữa (ở
đây bao gồm cả những người mắc bệnh sính thành tích, che giấu khuyết điểm và những
người đứng đầu tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị các cấp trong hệ thống chính trị,
từng cán bộ, đảng viên). Nhưng thực tiễn đang tồn tại nghịch lý là rất nhiều
cán bộ, đảng viên không muốn “chữa bệnh”.
Lý do thật đơn giản: Tự nhận khuyết điểm thì sẽ thiệt nhiều thứ, như mất thành
tích, bị trừ điểm thi đua, ảnh hưởng tới những quyền lợi cá nhân. Thậm chí, việc
tự nhận khuyết điểm còn bị nhiều người cho là dại dột “chưa khảo đã xưng”, “tự
bôi mỡ vào người cho kiến đốt”… không ít trường hợp còn bị cán bộ cấp trên lấy
làm ví dụ nhắc đi nhắc lại mãi. Vì thế, nhiều người đã rút ra “bài học” chẳng dại
gì “lạy ông tôi ở bụi này”.
Bởi vậy, thay đổi cách nhìn nhận đối với khuyết điểm theo quan điểm “nhân vô thập
toàn” và thái độ tích cực khắc phục, sửa chữa khuyết điểm của mỗi cá nhân cán bộ,
đảng viên; sự nhìn nhận, đánh giá của cấp ủy, người đứng đầu theo hướng trân trọng
đức tính thẳng thắn, trung thực, tự giác nhận khuyết điểm là yếu tố tiên quyết
để tuyên chiến với “căn bệnh” và khắc phục nghịch lý không muốn “chữa bệnh” nêu
trên.
Hai là, đổi mới phương pháp kiểm tra, giám sát của cấp ủy, người đứng đầu và
các cơ quan cấp trên đối với cơ sở. Duy trì nghiêm nền nếp chế độ sinh hoạt Đảng,
chấn chỉnh nền nếp sinh hoạt chi bộ. Đổi mới công tác kiểm điểm, đánh giá, xếp
loại chất lượng hằng năm đối với tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên theo đúng Quy
định số 132-QĐ/TW ngày 8-3-2018 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 21-HD/BTCTW
ngày 18-10-2019 của Ban Tổ chức Trung ương.
Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, huy động quần chúng nhân dân tham gia
phòng, chống, ngăn chặn và đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối
sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên. Đảng ta đang khuyến
khích và đã có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm,
dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong
hành động vì lợi ích chung.
Đặc biệt, Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28-7-2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa
XIII về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng đã xác định rõ nguyên tắc:
Công tác kiểm tra, giám sát phải kịp thời phát hiện nhân tố mới, tích cực để
phát huy, phải bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám
chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung; phải chủ động phát hiện sớm để
phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và đảng
viên ngay từ khi mới manh nha, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn,
kéo dài và lan rộng.
Ba là, chỉnh sửa, bổ sung quy chế thi đua, khen thưởng cho phù hợp với thực tiễn.
Đây chính là liều thuốc đặc hiệu để chữa từ nguyên nhân gốc, trị dứt điểm bệnh
sính thành tích và che giấu khuyết điểm nguy hại. Hiện nay cũng có quan điểm
cho rằng, để tránh bệnh sính thành tích và che giấu khuyết điểm, nên bỏ các
phong trào, chỉ tiêu thi đua, các danh hiệu thi đua… Chúng ta không thể đồng
tình với quan điểm này, bởi vì thi đua là động lực của sự phát triển. Bác Hồ từng
nói: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là
những người yêu nước nhất”. Điều quan trọng là phải xây dựng được chỉ tiêu thi
đua sao cho phù hợp với tình hình thực tế của từng cơ quan, đơn vị, địa phương,
tránh bệnh sính thành tích.
Cũng không nên bóp méo, làm sai lệch bản chất, ý nghĩa tích cực của việc thi
đua, để rồi biến chỉ tiêu thi đua thành “vũ khí” để hù dọa, trù dập của lãnh đạo,
quản lý đối với cấp dưới hoặc là “sản phẩm” để đánh bóng tên tuổi cho lãnh đạo,
quản lý và những kẻ cơ hội, thực dụng. Việc đăng ký các danh hiệu, hình thức
thi đua, khen thưởng cũng cần thực hiện dân chủ và linh hoạt. Cần động viên,
khuyến khích mọi người đăng ký theo nguyện vọng chứ không nên ép buộc, áp đặt.
Mặt khác, cũng không nên khống chế, giới hạn số lượng, tỷ lệ đăng ký thi đua để
tránh tình trạng bình xét thi đua thiếu công bằng, dân chủ.
Bốn là, phát huy vai trò, tính tiền phong gương mẫu của người đứng đầu và sự tự
giác tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, đối với đảng viên là
cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất thiết
phải trung thực với Đảng, phải coi việc nói dối Đảng, nói dối cấp trên, báo cáo
sai sự thật, che giấu khuyết điểm là có tội với Đảng, vi phạm tư cách đảng
viên, tổ chức đảng ở đó cần xem xét xử lý kỷ luật, thậm chí sẵn sàng đưa ra khỏi
Đảng nếu có những vi phạm nghiêm trọng.
Làm tốt công tác bồi dưỡng tạo nguồn, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ “đúng người, được
việc, được tổ chức” theo tinh thần, tư tưởng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng:
Phải trong sáng, công tâm, khách quan, đặc biệt là phải rất tỉnh táo, tinh tường
trong lựa chọn cán bộ, “đừng thấy đỏ tưởng là chín”, đừng chỉ thấy “cái mã bên
ngoài, nó che đậy cái sơ sài bên trong” bằng những tấm bằng khen của các cấp
nhưng lại làm mờ dần đi tính trung thực, đưa lối suy nghĩ, làm việc dối trá lên
hàng đầu mà quên đi cái hiện thực không mấy tốt đẹp bên ngoài bản báo
cáo….
Khắc phục bệnh sính thành tích và che giấu khuyết điểm là công việc đòi hỏi phải
có sự thống nhất về tư tưởng, hành động, được tiến hành kiên trì và đồng bộ ở tất
cả các cấp với nhiều giải pháp tích cực và chủ động. Trong đó phải thật sự coi
trọng biện pháp trọng tâm: Khắc phục tâm lý sùng bái thành tích, phô trương, giấu
giếm khuyết điểm của cán bộ, đảng viên; phát huy quyền làm chủ tập thể của đảng
viên và quần chúng trong mỗi tổ chức đảng trên cơ sở nâng cao trình độ hiểu biết
của đảng viên, quần chúng về mọi mặt; khắc phục sự hình thức trong thi đua…
chính là biện pháp cơ bản nhất để chống bệnh sính thành tích và che giấu khuyết
điểm.
| 3.10.23
0 nhận xét: