Lấy phiếu tín nhiệm là việc Quốc
hội thực hiện quyền giám sát, đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức
vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn để làm cơ sở cho việc xem xét đánh giá cán bộ.
Thực hiện chương trình kỳ họp thứ 6, chiều 25-10, Quốc hội khóa XV đã thông qua
Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do
Quốc hội bầu, phê chuẩn với 95,14% đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Lợi
dụng việc lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội, không ít cá nhân, tổ chức chống đối
đã tiến hành xuyên tạc, đưa ra những thông tin sai trái, thiếu chính xác để gây
nhiễu loạn dư luận.
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa
XV đã lấy phiếu tín nhiệm với 44 người, bao gồm: 1 người khối Chủ tịch nước, 17
người khối Quốc hội, 23 thành viên Chính phủ, 3 người khối tòa án, viện kiểm
sát, kiểm toán. Xung quanh việc lấy phiếu tín nhiệm này, các đối tượng xấu đã
ra sức công kích, xuyên tạc, đánh lận bản chất vấn đề. Chúng cho rằng “việc lấy
phiếu tín nhiệm chỉ mang tính hình thức mà không giải quyết được vấn đề gì”,
“Quốc hội đang cố tình diễn kịch cho người dân xem”, “lấy phiếu tín nhiệm thực
chất là cuộc đấu đá giữa các phe phái”, “phe Quốc hội đang đánh phe Chính phủ”…
Ngoài ra, lợi dụng việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần
Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi
trường Đặng Quốc Khánh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Lê
Quang Mạnh chưa được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm, các đối tượng xấu cũng triệt để
suy diễn, quy chụp, tô vẽ ra các “thuyết âm mưu” tiêu cực, cho rằng những trường
hợp này là “ngoại lệ”, “do thuộc phe ta nên không bị lấy phiếu”… Đây là những
luận điệu hoàn toàn vô căn cứ, mang tính chất suy diễn tiêu cực nhằm gây chia rẽ
nội bộ.
Lấy phiếu tín nhiệm là một hình
thức để Quốc hội thực hiện quyền giám sát, đánh giá mức độ uy tín của người được
lấy phiếu tín nhiệm. Mục đích của việc làm này nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả
hoạt động giám sát của Quốc hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ
máy nhà nước và đồng thời thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm góp phần đánh giá
uy tín, kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của người được lấy phiếu
tín nhiệm.
Kết quả của việc lấy phiếu tín
nhiệm là một cơ sở quan trọng để người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ
tín nhiệm của Quốc hội đối với mình, từ đó tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng
cao chất lượng và hiệu quả công tác. Cùng với đó, kết quả lấy phiếu tín nhiệm
cũng là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền đánh giá, xem xét, quyết định các nội
dung khác về công tác cán bộ. Với người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến
dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức; trường
hợp không xin từ chức, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội tiến hành bỏ
phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất. Đối với người được lấy phiếu
tín nhiệm có từ 2/3 tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” trở lên thì sẽ bị
tiến hành miễn nhiệm chức vụ. Do đó, những luận điệu cho rằng lấy phiếu tín nhiệm
“mang tính hình thức”, “không giải quyết được vấn đề gì” chỉ là luận điệu của
những kẻ “ếch ngồi đáy giếng”.
Quá trình lấy phiếu tín nhiệm được
Quốc hội thực hiện một cách bài bản, công khai, minh bạch, khách quan, dân chủ
theo đúng quy định của pháp luật. Các căn cứ để đánh giá mức độ tín nhiệm đối với
người được lấy phiếu tín nhiệm đã được Quốc hội quy định rõ ràng. Cùng với việc
xem xét kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, khi lấy phiếu tín nhiệm,
Quốc hội cũng đánh giá về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, việc chấp
hành Hiến pháp và pháp luật của người được lấy phiếu. Đồng thời, Quốc hội cũng
quy định rõ về việc nghiêm cấm các hành vi: vận động hoặc có hành vi trái pháp
luật tác động đến đại biểu Quốc hội trong quá trình lấy phiếu tín nhiệm; sử dụng
hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích
phi vật chất để vận động, lôi kéo, mua chuộc nhằm tác động đến đại biểu Quốc hội
trong quá trình lấy phiếu tín nhiệm; làm sai lệch kết quả lấy phiếu tín nhiệm,
mức độ tín nhiệm hoặc lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm để làm giảm uy tín của người
khác, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ. Đây là căn cứ rõ ràng phản bác các luận
điệu xuyên tạc bản chất của việc lấy phiếu tín nhiệm, cho rằng lấy phiếu tín
nhiệm là “đấu đá nội bộ”.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được
công bố chiều 25-10 đã phản ánh đúng thực chất về mức độ tín nhiệm đối với người
được lấy phiếu. Với các bộ, ngành còn nhiều vụ việc, vấn đề chưa giải quyết dứt
điểm, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân, như Bộ Giáo dục và Đào tạo,
Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương…, tỷ lệ phiếu “tín nhiệm thấp” đối với
các “tư lệnh ngành” ở mức cao. Ngược lại, với những cán bộ có năng lực, đạt kết
quả tốt trong công tác lãnh đạo, tham mưu, tổ chức thực hiện chủ trương, đường
lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực, phạm vi phụ
trách như Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp… được Quốc hội đánh giá
cao. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm là “tấm gương phản chiếu” để các “tư lệnh
ngành” tự soi, tự sửa trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Liên quan đến một số trường hợp
chưa được lấy phiếu tín nhiệm, theo quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị quyết số
96/2023/QH15 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội không lấy phiếu
tín nhiệm đối với những người đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc
được bầu, bổ nhiệm trong năm lấy phiếu tín nhiệm. Quy định là rõ ràng, vì vậy,
không có lý do gì để các “nhà dân chủ” cố tình tô vẽ.
Mọi hoạt động của Quốc hội đều nhằm
mục đích giữ vững ổn định chính trị, xây dựng đất nước giàu đẹp, văn minh, mang
lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân. Vì vậy, việc chống phá Quốc hội
nói chung, xuyên tạc việc lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội nói riêng là hành động
hết sức thâm độc của các thế lực xấu, cần phải nhanh chóng vạch trần, xóa bỏ.
0 nhận xét: