26/11/23

LÀ NGƯỜI VIỆT NAM, HÃY BIẾT CÁCH GIỮ GÌN VĂN HOÁ CỦA DÂN TỘC MÌNH!



Nếu không nhìn kĩ, không ít người sẽ lầm tưởng rằng những bức ảnh này được chụp tại một địa điểm nào đó của Trung Quốc, bởi những trang phục mặc trên người những cá nhân này chính là trang phục Mông Cổ - Miêu. Trên thực tế, đây lại chính là những du khách nội địa đến thăm quan tại một địa điểm khá nổi tiếng dạo gần đây của núi rừng Tây Bắc có tên là bản Cát Cát được mệnh danh là ngôi làng cổ đẹp nhất núi rừng Tây Bắc. Thay vì du khách đến đây và trải nghiệm không gian hoang sơ cùng những nét văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc Mông, họ lại chọn cho mình những bộ trang phục Mông Cổ, check-in sống ảo cùng với bạn bè. Có rất nhiều vấn đề xung quanh câu chuyện này, nổi lên chính là nguy cơ xâm lăng văn hoá.

Bản Cát Cát nổi lên như một hiện tượng, nơi đây lưu giữ những nét hoang sơ cùng thiên nhiên đặc trưng của vùng cao miền núi. Nơi đây đã phát triển du lịch thu hút nhiều khách du lịch đến thăm quan. Đi cùng với đó là hoạt đọng cho thuê trang phục để chụp ảnh. Thay vì chọn những trang phục của các dân tộc Việt để quảng bá văn hoá nước mình, nhiều người Việt Nam lại chọn những trang phục Mông Cổ sặc sỡ mà họ cho là “lạ mắt”, cuốn hút. Chính trong suy nghĩ đơn giản ấy vô tình khiến cho những bức ảnh của họ nhìn như đang chụp tại một cảnh sắc thiên nhiên của nước ngoài. Tâm lí sính ngoại, chạy theo “trend” này tiềm ẩn nguy cơ xâm lăng văn hoá từ chính những nhận định mơ hồ, thói quen của người dân.

Việc nảy sinh tâm lí sùng ngoại, lai căng cũng chính do ý thức của các chủ cửa hàng cho thuê, vì chạy theo lợi nhuận mà bất chấp suy nghĩ đánh đổi giữ gìn nét văn hoá của mình. Thay vì cho thuê những trang phục nước ngoài, tại sao không hướng đến những trang phục của người dân tộc thiểu số nơi đây? Những bộ trang phục truyền thống của người dân tộc Mông có lẽ sẽ phù hợp hơn rất nhiều so với việc khách du lịch chọn mặc trang phục Mông Cổ, chụp ảnh ở Việt Nam chẳng khác gì đang “quảng bá” cho văn hoá nước ngoài.

Văn hóa là nền tảng tinh thần của dân tộc, nó được coi là “tấm thẻ căn cước” để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác. Và thực tế đã chứng minh, một dân tộc bị các thế lực xâm lược vẫn có thể giữ được văn hóa của nước mình, nhưng ngược lại, một dân tộc mà bị lũng đoạn về văn hóa thì dân tộc đó sẽ mất tất cả.
<Nguyễn Anh> 


 

0 nhận xét: