Những năm gần đây, để thực hiện
chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch
thường sử dụng một thủ đoạn mới mang tên “bất tuân dân sự”. “Bất tuân dân sự”
thể hiện tư tưởng cực đoan, vô chính phủ, đang được lợi dụng gắn với cái gọi là
xã hội dân sự để chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN ở Việt Nam.
Thủ đoạn chống phá dưới chiêu bài
“bất tuân dân sự” là nguồn gốc thai nghén các cuộc “cách mạng màu”, “cách mạng
đường phố”, bạo loạn lật đổ chính quyền… tạo ra những hệ quả vô cùng nghiêm trọng,
khôn lường, tác động đến sự ổn định và tình hình an ninh, trật tự của đất nước.
“Bất tuân dân sự” – một phong
trào không mới
“Bất tuân dân sự” (thực chất là
chống đối chính phủ dân sự) được nêu ra lần đầu tiên trong tập tiểu luận nhan đề
“Dân sự bất hợp tác” của Henry David Thoreau – một phạm nhân phải ngồi tù ở
bang Massachusetts (Mỹ) vì tội không đóng thuế. Thế nên, nội dung chủ đạo trong
tập tiểu luận là quan điểm cực đoan, vô chính phủ và được khoác ngôn từ hoa mỹ
là “bất tuân dân sự”. Mặc dù ở thời điểm mới xuất hiện, tiểu luận “Dân sự bất hợp
tác” không gây được sự ảnh hưởng nào,
song sang thế kỷ XX, tư tưởng về
một cuộc “cách mạng hòa bình” của Henry David Thoreau được một số kẻ lợi dụng
phát triển thành phương pháp đấu tranh. Theo thời gian, “bất tuân dân sự” đã bị
các thế lực biến tướng, lợi dụng vào các mục đích khác nhau, đặc biệt là để chống
phá các nước XHCN, các quốc gia, vùng lãnh thổ không phù hợp với lợi ích của họ.
Theo giải thích của từ điển mở Wikipedia thì: “Bất tuân dân sự là các hoạt động,
công khai từ chối tuân theo một số luật lệ nhất định, yêu cầu và lệnh của chính
phủ, hoặc của một quyền lực quốc tế chiếm đóng… Bất tuân dân sự đôi khi được định
nghĩa như là phản kháng bất bạo động”.
Cũng theo từ điển này, những vụ bất
tuân dân sự lớn, sớm nhất được thực hành bởi người Ai Cập chống lại sự chiếm
đóng của Anh trong cuộc cách mạng Ai Cập năm 1919. Nó đã được sử dụng trong nhiều
phong trào phản kháng bất bạo động tại nhiều quốc gia, như chiến dịch của
Gandhi để giành độc lập từ đế quốc Anh ở Ấn Độ; cuộc chiến chống phân biệt chủng
tộc của Mandela ở Nam Phi. Phương thức hoạt động này được áp dụng trong cuộc
“cách mạng màu”, “cách mạng đường phố” ở Đông Âu và Liên Xô vào những năm cuối
thế kỷ XX, làn sóng “Mùa xuân Ả Rập” ở các nước Trung Đông và Bắc Phi đầu những
năm 2010, phong trào biểu tình nhằm lật đổ chính phủ ở Venezuela (từ năm 2017 đến
nay); phong trào chống sửa đổi dự luật dẫn độ tại Hồng Kông (Trung Quốc) năm
2019…
Hiện nay, có nhiều quan niệm khác
nhau về “bất tuân dân sự” nhưng thực chất đó là các hoạt động vi phạm cố ý đối
với một số đạo luật nhằm cản trở quá trình thực thi chính sách, luật pháp của
nhà nước; là hình thức gây áp lực buộc nhà nước phải thay đổi chính sách, luật
pháp, thậm chí lật đổ chính quyền. Vì thế, bản chất đây là hành vi vi phạm pháp
luật nếu chiểu theo pháp luật của bất kỳ quốc gia nào.
Điều này khác hẳn với nguyên tắc
phổ biến mà hầu hết các nhà nước pháp quyền trên thế giới đều thực hiện, đó là
thiểu số phục tùng đa số, lợi ích riêng phải nằm trong lợi ích chung, lợi ích
cá nhân, nhóm người phải phục tùng lợi ích cộng đồng, xã hội, dân tộc. Vì vậy,
“bất tuân dân sự” về cơ bản thể hiện tư tưởng cực đoan, vô chính phủ, hầu như
không được nhà nước pháp quyền nào chấp nhận (ngoại trừ những thế lực muốn lợi
dụng nó để chống lại nhà nước pháp quyền).
Phong trào này không có gì mới mẻ
bởi nó đã xuất hiện từ giữa thế kỷ XIX. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, các
quốc gia phương Tây ráo riết thực thi chiến lược “diễn biến hòa bình” với tư tưởng
chủ đạo là chuyển cuộc đấu tranh vào bên trong các nước XHCN. Từ đó, “bất tuân
dân sự” dần trở thành một phương thức, thủ đoạn nằm trong chiến lược “diễn biến
hòa bình”.
Hiện nay thủ đoạn nói trên đã được
đẩy lên cấp độ mới trắng trợn, ráo riết hơn rất nhiều để chống phá những quốc
gia vẫn lựa chọn đi theo con đường XHCN hoặc các quốc gia có chế độ “nghịch mắt”
với phương Tây. Hậu quả của “bất tuân dân sự” để lại luôn rất nặng nề, kéo dài,
gây bất ổn, chia rẽ sâu sắc trong lòng xã hội, giữa người dân trong một quốc
gia, vùng lãnh thổ. Thực tế, các cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, kéo dài tại một
số quốc gia đã minh chứng rõ điều này.
Thủ đoạn kích động “bất tuân
dân sự” trên không gian mạng
Lợi dụng không gian mạng, các thế
lực thù địch đẩy mạnh các hoạt động chống phá cách mạng Việt Nam. Hoạt động của
các tổ chức chống phá có mục tiêu tôn chỉ được tổ chức khá chặt chẽ, bài bản. Mục
tiêu xuyên suốt của chúng là tuyên truyền chống phá, lôi kéo kêu gọi tụ tập, biểu
tình, bạo loạn, gây rối trật tự công cộng, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa
bình” phá hoại sự ổn định phát triển đất nước.
Những năm qua, các thế lực phản động,
thù địch đã triệt để lợi dụng không gian mạng để tiến hành nhiều hoạt động lợi
dụng danh nghĩa dân chủ, phát động cái gọi là “bất tuân dân sự” để chống đối
chính quyền như lợi dụng việc Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng, thảo luận dự
án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt tại một số tỉnh, thành phố trong cả
nước, các đối tượng xấu đã kích động, lôi kéo người dân tham gia tuần hành, biểu
tình, chống người thi hành công vụ, đập phá tài sản các trụ sở chính quyền, gây
thiệt hại lớn về tài sản, kinh tế, gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn
xã hội.
Vụ đình công phản đối Điều 60, Luật
Bảo hiểm xã hội năm 2014 diễn ra tại một số tỉnh, thành phố; vụ lợi dụng phản đối
trạm BOT Cai Lậy ở tỉnh Tiền Giang năm 2017. Một số vụ việc mang bóng dáng “bất
tuân dân sự” như: Bất tuân cưỡng chế của một số đối tượng khi giải phóng mặt bằng
ở Bắc Giang, Hải Phòng, Hà Nội, Đắk Nông, Gia Lai…; bất tuân quy định về thành
lập hội (nhóm), đòi lập các tổ chức xã hội dân sự (thực chất là phản động trá
hình) như “Hội anh em dân chủ”, “Hội phụ nữ nhân quyền Việt Nam”, “Hội cựu tù
nhân lương tâm Việt Nam”, “Hội văn đoàn độc lập Việt Nam”, “Hội nhà báo độc lập
Việt Nam”, “Mạng lưới Blogger Việt Nam”…
Đặc biệt, hiện nay các đối tượng
đẩy mạnh các hành vi “bất tuân dân sự” vào các lực lượng như Cảnh sát đang làm
nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ tại các trụ sở tiếp công dân, sau đó quay video tung
lên mạng xã hội nhằm xuyên tạc và tuyên truyền kích động người dân thực hiện
các hành vi chống đối tương tự.
Qua thực tiễn tình hình có thể nhận
thấy âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị
trên không gian mạng cơ bản vẫn tập trung vào một số nội dung, như: Xuyên tạc
phá hoại nền tảng tư tưởng, xuyên tạc đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước;
gây mâu thuẫn nội bộ, công kích, bôi nhọ và hạ uy tín các đồng chí lãnh đạo cấp
cao của Đảng, Nhà nước, thông qua truyền thông mạng xã hội để kêu gọi, kích động
biểu tình, gây mất an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Hoạt động kích động “Bất tuân dân
sự” trên không gian mạng được tổ chức ngày càng chặt chẽ, các tổ chức phản động
lưu vong như Việt Tân, Voice công khai giật dây. Chúng lợi dụng các vấn đề dân
sinh xã hội còn có hạn chế, khuyết điểm khiến người dân bức xúc để kích động chống
phá, làm suy giảm niềm tin, tích tụ thêm mâu thuẫn của người dân đối với chính
quyền, với Đảng, Nhà nước. Chúng lợi dụng thông qua đó để tập hợp, xây dựng,
phát triển lực lượng, hợp thức hóa, công khai hóa việc chống đối chính quyền. Đồng
thời, gắn kết chặt chẽ giữa “bất tuân dân sự” với “xã hội dân sự”, sử dụng các
tổ chức “xã hội dân sự” để chỉ đạo, điều hành “bất tuân dân sự”.
Thủ đoạn chủ yếu là tiếp tục sử dụng
các chiêu bài tự do, dân chủ, nhân quyền, triệt để lợi dụng các vấn đề nhạy cảm
về dân tộc, tôn giáo, các sự kiện, vụ việc, những sơ hở, bất cập của ta trong
quá trình triển khai các quyết sách phát triển kinh tế-xã hội, đối ngoại… để đẩy
mạnh tuyên truyền chống phá; lôi kéo, kích động nhân dân tụ tập, tuần hành, biểu
tình, tạo dựng phong trào phản kháng trong quần chúng; phát triển lực lượng cốt
cán, xây dựng “ngọn cờ”; tiến hành tập dượt các kịch bản đấu tranh chuẩn bị cho
mục tiêu cao hơn…
Nhìn vào thực tế những gì đã diễn
ra ở các nước Đông Âu, Liên Xô (cũ), Trung Đông, Bắc Phi… có thể thấy rất rõ “bất
tuân dân sự” luôn có xu hướng leo thang thành bạo lực, bạo động, gây ra bất ổn
xã hội, thậm chí khủng hoảng nghiêm trọng. Các hành vi của cái gọi là “bất tuân
dân sự” nhằm chống đối, không phục tùng những điều luật, quy định đã được ban
hành, thi hành và thừa nhận trên thực tế tại các quốc gia, vùng lãnh thổ chính
là coi thường kỷ cương pháp luật, đi ngược hoàn toàn với các nguyên tắc của nhà
nước pháp quyền trong một xã hội văn minh.
Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn nhận
thức rất rõ vai trò quan trọng, thiết yếu của các quyền tự do, dân chủ của người
dân với ý nghĩa là một quyền thiết thân của con người, là động lực phát triển của
đất nước. Tuy nhiên, không một quốc gia nào trên thế giới lại dung thứ các hành
vi lợi dụng dân chủ, cổ xúy cho các hành vi vi phạm pháp luật, gây tổn hại đến
trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước và của người dân.
0 nhận xét: