Ngay sau khi Liên Xô sụp đổ, các thế lực chống cộng đã không ngớt rêu rao rằng chủ nghĩa xã hội chỉ là ảo tưởng, rằng chủ nghĩa tư bản là “tận cùng của lịch sử”, rằng Cách mạng Tháng Mười là cuộc cách mạng cướp chính quyền của giai cấp tư sản Nga, rằng đây là cuộc cách mạng bạo lực và những nước nào đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười Nga là đi theo con đường “say mê bạo lực”, gây chết chóc, khổ đau(?).
1. Đánh giá về Cách mạng
Tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Giống như mặt trời
chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu
người bị áp bức, bóc lột trên Trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có
cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”.
Ngày 7/11/1917, giai cấp công
nhân và nhân dân lao động Nga dưới sự lãnh đạo của Đảng Bolshevik do Lênin lãnh
đạo đã đứng lên làm cuộc cách mạng vĩ đại: Cách mạng Tháng Mười Nga. Cuộc
cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới thành công. Từ thành công của cuộc cách
mạng này đã ra đời nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, cổ vũ các
dân tộc đứng lên đấu tranh giành độc lập. Năm 1991, sau 74 năm tồn tại, phát
triển và tạo ra một hệ thống xã hội chủ nghĩa trên thế giới, nhà nước Liên Xô,
nhà nước ra đời từ cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại sụp đổ.
Sự sụp đổ của Liên Xô, thành trì
của chủ nghĩa xã hội có nhiều nguyên nhân, song một trong những nguyên nhân cơ
bản đó là Đảng Cộng sản Liên Xô khi ấy đã xa rời những nguyên tắc xây dựng Đảng
kiểu mới của Lênin, bỏ điều quy định về vai trò của Đảng trong Hiến pháp Liên
Xô, để cho những phần tử thoái hoá, biến chất chui sâu, leo cao vào trong tổ chức,
bộ máy và đặc biệt là một bộ phận lớn cán bộ, đảng viên của Đảng Cộng sản Liên
Xô thoái hoá, biến chất, xa rời Nhân dân.
Sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ
nghĩa ở Liên Xô, các nước Đông Âu không phải sự sụp đổ của một hệ tư tưởng mà
chỉ là sự sụp đổ của một mô hình trong thực tế, một mô hình máy móc, rập khuôn,
không phù hợp thực tiễn, xa rời những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác –
Lênin. Ngay từ lúc sinh thời, các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác đã nhiều lần khẳng
định rằng học thuyết của các ông không phải là cái gì bất biến mà là một học
thuyết mở. Là một học thuyết mở nên những người đi sau không thể bê nguyên xi
nó để áp dụng vào thực tiễn mà phải luôn luôn phát triển sáng tạo, bổ sung để
phù hợp với thực tiễn. Trong bức thư gửi cho một nữ văn sỹ người Mỹ là
Kvinhetskai năm 1887, Ph.Ăngghen đã nói rõ: “Lý luận của chúng tôi là lý luận của
sự phát triển, chứ không phải là một giáo điều mà người ta phải học thuộc lòng
và lắp lại một cách máy móc ”. Lênin cũng khẳng định nếu chúng ta quên điều này
“thì chúng ta sẽ làm cho chủ nghĩa Mác trở thành phiến diện, quái dị, chết cứng,
sẽ vứt bỏ linh hồn sống của nó, sẽ phá hủy cơ sở lý luận cơ bản của nó – tức là
phép biện chứng”.
2. Nước Nga đầu thế kỷ
XX là một nhà nước phong kiến lạc hậu. Kể từ sau khi thất bại trước Nhật Bản
trong cuộc chiến tranh Nga – Nhật (1904-1905), nước Nga Sa hoàng đi vào giai đoạn
thoái hoá, sụp đổ. Giai cấp địa chủ, phong kiến Nga tăng cường đàn áp, bóc lột
nông dân, nông nô Nga đẩy họ tới bước đường cùng. Tháng 2/1917, dưới áp lực của
giai cấp tư sản, Sa hoàng tuyên bố thoái vị và nước Nga bước vào thời kỳ rối
ren với 2 chính quyền song song tồn tại: Xô viết Đại biểu công nhân và binh
lính Petrograd (nay là Saint Petersburg) của giai cấp vô sản và Chính phủ
lâm thời của giai cấp tư sản.
Trước nguy cơ thành quả cách mạng
rơi vào tay giai cấp tư sản phản động, Lênin và Đảng Bolshevik đã thông qua Luận
cương Tháng Tư (1917), quyết định chuyển từ cách mạng dân tộc dân chủ tư sản
sang cách mạng xã hội chủ nghĩa bằng khởi nghĩa vũ trang với khẩu hiệu “Tất cả
chính quyền về tay Xô viết”. Luận cương tháng Tư (Апрельские тезисы), tên
nguyên thủy là “Nhiệm vụ của giai cấp vô sản trong cuộc cách mạng hiện nay”, là
một văn kiện có tính cương lĩnh do Lênin soạn thảo và trình bày vào ngày
4/4/1917 ở Petrograd. Luận cương tháng tư là một trong những tuyên ngôn mang
tính quyết định nhất của cuộc cách mạng Nga năm 1917.
Luận cương Tháng Tư xác định chiến
lược và sách lược của Đảng về đấu tranh chuyển từ cách mạng dân chủ tư sản sang
cách mạng xã hội chủ nghĩa. Khi ấy, dù Nga hoàng đã thoái vị song Chính phủ lâm
thời do giai cấp tư sản Nga cầm quyền chỉ bảo vệ quyền lợi của tư sản, địa chủ;
vẫn tỏ ra hiếu chiến khi vẫn có ý định tham gia các cuộc chiến tranh mang tính
chất xâm lược và ăn cướp… Trước tình hình ấy, Lênin đã nêu ra khẩu hiệu
hành động: “Tuyệt đối không ủng hộ Chính phủ lâm thời”, “Toàn bộ chính quyền về
tay các Xô-viết”. Lênin giải thích rằng, chỉ có chính quyền Xô-viết mới đem lại
hòa bình cho nhân dân, ruộng đất cho nông dân và bánh mì cho người đói. Lênin
cũng nhận định rằng tình hình khi ấy chưa thể kêu gọi lật đổ Chính phủ lâm thời
bằng bạo lực mà phải tiến hành bằng con đường hoà bình bằng cách kiên trì, lôi
kéo những người lao động về phía mình. Theo Lênin khi thực hiện như vậy, chính
quyền có thể chuyển sang tay công nhân và nông dân bằng con đường hòa bình.
Như vậy, ngay từ lúc đầu, Lênin
đã chủ trương giành chính quyền bằng con đường hoà bình chứ không phải bằng bạo
lực cách mạng. Thế nhưng, đến đầu tháng 7/1917, khi chính quyền đã chuyển sang
tay các phần tử độc tài quân phiệt thì khẩu hiệu ấy không còn đúng nữa và Lênin
thay bằng khẩu hiệu “Chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang!”. Tháng 9/1917, trước bối cảnh
tình hình mới, những người Bolshevik lại trở lại với khẩu hiệu “Toàn bộ
chính quyền về tay các xô viết”, nghĩa là trở lại khả năng hòa bình phát triển
cách mạng. Tuy nhiên, Các giai cấp tư sản, địa chủ không tự nguyện rời bỏ địa vị
thống trị, đã điên cuồng dùng bạo lực chống lại nhân dân, trong điều kiện đó,
không có bạo lực cách mạng của quần chúng thì cách mạng không thể thành công. Để
bảo vệ thành quả cách mạng, quần chúng công – nông Nga đã đáp lại một cách kiên
quyết nhất đối với bạo lực phản cách mạng của bọn địa chủ, tư bản và bọn đế quốc
can thiệp.
3. Ngày 7/11/1917, lần
đầu tiên, công nhân, nông dân quần chúng lao động bị áp bức bóc lột, dưới sự
lãnh đạo của chính đảng kiểu mới của giai cấp công nhân, đã đứng lên dùng bạo lực
cách mạng đập tan ách thống trị của bọn địa chủ và tư bản, tự mình nắm lấy
chính quyền, tự mình bắt tay xây dựng xã hội mới. Cách mạng Tháng Mười Nga
đã giải phóng nhân dân lao động khỏi mọi chế độ áp bức bóc lột, đưa họ từ thân
phận người nô lệ làm thuê lên địa vị người chủ của xã hội.
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Mười Nga
thành công, Đại hội các Xô-viết toàn Nga lần thứ II đã thông qua hai sắc lệnh
do Lênin soạn thảo là “Sắc lệnh hòa bình”, kêu gọi các nước ngừng chiến để đàm
phán và “Sắc lệnh ruộng đất”, tuyên bố thủ tiêu quyền tư hữu ruộng đất của địa
chủ, chia ruộng đất cho nông dân. Nhắc lại sự kiện này, năm 2007, nhân kỷ niệm
100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, ngài Mirônov, Chủ tịch Thượng viện Nga
viết trên báo Nga: “Đại thi hào Nga Puskin trong thư gửi Chadayep (một nhà tư
tưởng và chính luận Nga) từng viết: dẫu trong đời sống nước Nga có nhiều vấn đề
làm nhà thơ đau buồn, thậm chí bị xúc phạm, nhưng không vì bất kỳ điều gì trên
thế giới này mà nhà thơ “muốn thay đổi Tổ quốc, hay muốn có những trang sử khác
với lịch sử của tổ tiên”. Nên chăng, chúng ta cần có một thái độ như vậy đối với
Cách mạng Tháng Mười 1917 và toàn bộ thời kỳ Xô viết sau đó. Ngài X.Mironop
cũng cho rằng “Hoà bình cho các dân tộc”, “Ruộng đất cho nông dân”, “Bánh mỳ
cho người đói”, “Tự do cho người nô lệ”… Ai có thể nói tự thân những câu khẩu
hiệu phản ánh nhu cầu của đại đa số quần chúng này lại không đúng và thấu đạo
lý? Không thể không nói thêm: Người Nga hôm nay vẫn luôn bày tỏ, vẫn tin vào
CNXH, họ đồng loạt ký vào lời kêu gọi giữ thi hài Lênin trong Quảng trường Đỏ,
để chiến hạm Rạng Đông tiếp tục neo đậu trên sông Neva, để những ngôi sao đỏ vẫn
sáng trên những ngọn tháp Điện Cremli, biểu tượng Búa liềm còn mãi trên ngọn cờ
Chiến thắng…”.
Lênin khẳng định cần phải sử dụng
một cách linh hoạt phương pháp đấu tranh cách mạng bằng bạo lực và phương pháp
hòa bình. Đấu tranh giành và giữ chính quyền bằng phương pháp hòa bình là quý
và hiếm. Như vậy, có thể khẳng định rằng việc sử dụng bạo lực cách mạng của cuộc
Cách mạng Tháng Mười Nga chỉ là giải pháp trong một tình thế cách mạng nhất
định.
0 nhận xét: