Thực hiện chiến lược Diễn
biến hòa bình chống phá Việt Nam, thời gian qua, các thế lực phản động
tập trung chĩa mũi nhọn, công kích, xuyên tạc mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của
Quân đội. Họ tuyên truyền, cổ xuý cho quan điểm “Quân đội chỉ có nhiệm vụ bảo vệ
Tổ quốc mà không cần phải trung thành với một tổ chức, đảng phái chính trị
nào”. Sự thực của quan điểm này là gì? Phóng viên VOV có cuộc trao đổi với
Đại tá, PGS-TS Bùi Mạnh Hùng, nguyên Chủ nhiệm Khoa Triết học Mác – Lênin, Học
viện Chính trị, Bộ Quốc phòng nhân kỷ niệm 79 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam
(22/12/1944-22/12/2023).
Quân đội không chỉ bảo vệ lãnh thổ
mà còn bảo vệ chế độ
PV: Thưa Đại tá Bùi Mạnh Hùng,
sự ra đời của một quân đội bao giờ cũng gắn liền với nhà nước và giai cấp tổ chức
ra nó?
Đại tá, PGS-TS Bùi Mạnh Hùng: Về
mặt lý luận, xã hội loài người trải qua các hình thái kinh tế xã hội khác nhau.
Tương ứng với mỗi hình thái là một kiểu quân đội đặc trưng. Và quân đội bao giờ
cũng là lực lượng vũ trang chủ yếu để bảo vệ nhà nước, giai cấp đó. Ví dụ như
nhà nước phong kiến, quân đội phục vụ lợi ích cho giai cấp thống trị xã hội,
giai cấp địa chủ phong kiến. Trong xã hội hiện đại, nhiều quốc gia có các đảng
phái xã hội khác nhau. Nhưng quân đội sinh ra là để bảo vệ lợi ích cho giai cấp
nắm quyền lãnh đạo. Hay nói cách khác là bảo vệ đảng cầm quyền.
PV: Có quan điểm cho rằng,
quân đội chỉ cần bảo vệ Tổ quốc mà không cần trung thành với đảng, không cần bảo
vệ đảng ?
Đại tá PGS-TS Bùi Mạnh Hùng: Quan
điểm này không phải là phát kiến mới của những nhà tự xưng là nhà dân chủ. Tôi
cho rằng, đây không phải là sự ngây thơ về mặt chính trị, mà thực chất là mưu đồ
của những kẻ cơ hội, xét lại. Như đã nói ở trên, không bao giờ có quân đội mà
không gắn với một đảng cầm quyền, dù quân đội ở các nước tư bản hay các nước xã
hội chủ nghĩa, dù ở các nước nhiều đảng hay một đảng.
Tổ quốc là một phạm trù lớn,
không chỉ có chủ quyền, lãnh thổ, bảo vệ Tổ quốc không chỉ bảo vệ chủ quyền
lãnh thổ mà còn bảo vệ thể chế chính trị. Vì thế Quân đội bảo vệ Tổ quốc cũng
chính là bảo vệ chủ quyền lãnh thổ vùng đất, vùng trời, vùng biển, bảo vệ thể
chế chính trị, bảo vệ chế độ, bảo vệ đảng cầm quyền và nhân dân.
Không có quân đội trung lập, đứng
ngoài chính trị
PV: Nhiều người vin cớ vào thể
chế chính trị ở các quốc gia đa đảng rồi lập luận rằng, quân đội của những
nước này đang trung lập, không đứng về đảng phái nào, không bảo vệ cho một đảng
phái nào. Thực chất có phải như vậy không, thưa Đại tá Bùi Mạnh Hùng?
Đại tá PGS-TS Bùi Mạnh
Hùng: Đây cũng là sự mơ hồ, ngụy biện và không hiểu tường tận về
cấu trúc thể chế chính trị của các nước đa đảng. Trong các nước đa đảng thì các
đảng phái luôn yêu cầu quân đội trung lập, đứng ngoài chính trị khi chưa có đảng
nào giành quyền lãnh đạo đất nước. Bởi vì, chúng không muốn sự can thiệp của
quân đội. Nhưng khi đảng nào đó đã giành quyền lực, thì đương nhiên đảng đó nắm
quyền lãnh đạo quân đội. Như vậy, là rõ ràng không có quân đội trung lập, đứng
ngoài chính trị.
Ví dụ, quân đội của các nước Bắc
Phi khi các đảng phái, các lực lượng, các tôn giáo đang tranh giành quyền lực,
khi đó quân đội ở trạng thái có thể gọi như trung lập. Nhưng khi quyền lực đã
thuộc về một đảng phái, nhất định kéo theo một sự tất yếu, quân đội thuộc về đảng
phái đó.
PV: Như vậy, quân đội không chỉ
bảo vệ đảng cầm quyền, bảo vệ lợi ích của giai cấp sinh ra nó mà các Nhà nước,
các giai cấp nắm quyền lãnh đạo còn tăng cường giáo dục cho các binh sĩ theo lý
tưởng, lợi ích của mình?
Đại tá PGS-TS Bùi Mạnh
Hùng: Đúng như vậy, quân đội bao giờ cũng do một nhà nước nhất định
tổ chức nuôi dưỡng và sử dụng nhằm bảo vệ lợi ích, giai cấp nhà nước đó. Cho
nên các nước đều phải giáo dục binh sĩ lý tưởng giai cấp sinh ra nó. Ví dụ như
quân đội các nước tư bản có một hệ thống tuyên truyền giáo dục với sự đầu tư
con người và cơ sở vật chất rất lớn. Như hệ thống Đài phát thanh, truyền hình,
nhà xuất bản và hoạt động trên không gian mạng để ca tụng chủ nghĩa tư bản,
tuyên truyền giáo dục cho binh lính lập trường giai cấp tư sản. Quân đội Mỹ có
cơ quan thông tin và giáo dục quân đội để làm công tác tư tưởng. Ở Cộng hòa
Liên bang Đức, người ta đã thành lập nhà trường đào tạo sĩ quan làm công tác
tuyên truyền theo tư tưởng của nhà nước tư bản. Quân đội Nga thành lập Tổng cục
chính trị quân sự để chống lại các hành động phá hoại tư tưởng của các thế lực
thù địch. Như thế để thấy rằng, quân đội nào cũng mang tư tưởng và giai cấp của
nhà nước sinh ra nó. Quân đội không chỉ bảo vệ lãnh thổ mà còn bảo vệ chế độ.
Bài học từ Liên Xô: Quân đội mất
phương hướng khi không có ĐCS lãnh đạo
PV: Vậy thì tại sao, đối với
Việt Nam, các thế lực phản động lại luôn rêu rao tuyên truyền cho quan điểm
“quân đội chỉ có nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc mà không cần phải trung thành với Đảng
Cộng sản”?
Đại tá PGS-TS Bùi Mạnh
Hùng: Điều này là nó thể hiện ý đồ của các thế lực thù địch, nhằm
xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng với Quân đội, nhằm làm phai mờ bản chất, mục tiêu,
lý tưởng chiến đấu của Quân đội. Và thực tế cho thấy, trong những khủng hoảng ở
Bắc Phi, Trung Đông mà xa hơn là ở Liên Xô và Đông Âu trước đây, quân đội luôn
là đối tượng để các thế lực, lực lượng chính trị lôi kéo biến thành công cụ
giành, giữ chính quyền.
Khi Quân đội quay lưng phản bội lại
giai cấp thống trị, thì cũng có nghĩa là mất chế độ. Bài học ở Liên Xô là sự cảnh
tỉnh nghiêm khắc đối với những ai vẫn mơ hồ cho rằng, quân đội không cần trung
thành với đảng. Như chúng ta đã biết, trong sự kiện của Liên Xô, người ta đã giải
tán các tổ chức đảng trong quân đội, đảng cộng sản không lãnh đạo quân đội,
quân đội khi đó bị mất phương hướng, mục tiêu chiến đấu. Quân đội quay lưng lại
chính phủ, nã pháo vào nhà quốc hội. Hậu quả tất yếu như vậy bởi quân đội không
còn là công cụ để bảo vệ chế độ. Và như vậy ĐCS mất quyền lãnh đạo vì nó không
còn công cụ trong tay. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến sụp đổ của
CNXH ở Liên Xô và Đông Âu.
0 nhận xét: