Hơn 30 năm đổi
mới, sự ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam được bạn bè quốc tế ghi nhận, đó
là điều cần hết sức trân trọng, bảo vệ.
Hai ngày cuối
tuần qua, để bày tỏ thái độ không đồng tình với một số Dự luật đang được Quốc hội
xem xét, tại một số tỉnh, thành trong cả nước đã diễn ra cảnh tụ tập trái phép,
xuống đường biểu tình gây ách tắc giao thông, thậm chí đập phá trụ sở chính quyền,
để lại một hình ảnh xấu về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Đối với Dự án
Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc- một dự
luật đã được xem xét từ kỳ họp trước, trải qua nhiều hội nghị, hội thảo để lắng
nghe ý kiến phản biện của các chuyên gia, các nhân sĩ, trí thức… Tuy nhiên, trước
khi bấm nút thông qua, vẫn còn những ý kiến trái chiều, chưa đồng thuận. Chính
phủ đã nhanh chóng tiếp thu và Quốc hội đã biểu quyết việc lùi thời gian thông
qua Dự luật này ở kỳ họp sau nhằm có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện Dự
thảo luật.
Bày tỏ ý kiến
đối với một chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước là việc đáng hoan
nghênh, thể hiện trách nhiệm công dân đối với việc xây dựng và phát triển đất
nước, nhưng không thể chấp nhận việc bày tỏ ý kiến theo kiểu vi phạm pháp luật.
Hiện nay, các cơ quan chức năng đã vào cuộc để điều tra, đưa những kẻ quá
khích, những kẻ “ném đá giấu tay” ra trước pháp luật nhằm giữ nghiêm kỷ cương,
phép nước. Thực tế, đã có những đối tượng bị bắt giữ và khai nhận hành vi xúi
giục theo sự chỉ đạo của các tổ chức phản động.
Bài học đau
xót về sự cố môi trường biển vẫn còn đó. Thiệt hại về kinh tế do ô nhiễm môi
trường là điều không không ai mong muốn. Trong khi Quốc hội, Chính phủ và các
cơ quan chức năng nỗ lực vào cuộc để giúp người dân ổn định cuộc sống và phục hồi
sản xuất thì nhiều tổ chức, cá nhân được sự “hà hơi, tiếp sức” của các phần tử
phản động ở nước ngoài đã nhanh chóng “vào cuộc”, tìm chọn “hạt nhân” kích động
biểu tình, phá rối an ninh trật tự. Những đối tượng này đã bị các cơ quan chức
năng khởi tố, bắt giam. Tuy nhiên, những cuộc tuần hành, đập phá tài sản đã để
lại hậu quả khôn lường về trật tự an toàn xã hội, về môi trường đầu tư kinh
doanh. Rất nhiều công nhân, người lao động đã bị mất việc làm do các công ty,
nhà máy bị tê liệt.
Xuyên tạc đường
lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; lợi dụng những hạn
chế, yếu kém trong quản lý, điều hành kinh tế- xã hội và những vấn đề bức xúc
trong đời sống nhân dân để lôi kéo, kích động gây ra sự bất ổn trong xã hội… là
chiêu trò không mới. Khi các lực lượng chức năng vào cuộc để vãn hồi trật tự,
không ít kẻ trong số đó sẽ lợi dụng đám đông để chống trả. Những “mồi lửa” như
vậy rất dễ bùng phát thành những đám cháy lớn. Đó chính là mục tiêu của những kẻ
cơ hội chính trị hòng tạo ra những bất ổn trong xã hội, tiến tới xóa bỏ vai trò
lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, từ đó làm thay đổi chế độ chính trị.
Không khó để
nhìn sang các nước Trung Đông, Bắc Phi khi các cuộc biểu tình đường phố đã biến
thành bạo lực dưới chiêu bài dân chủ. Những chính thể mới lên nắm quyền không
những không hiện thực hóa được hy vọng của người dân về “Bánh mì, tự do và công
bằng xã hội” mà còn làm cho kinh tế sa sút, an ninh bất ổn. Các cam kết tranh cử
cũng lần lượt bị lãng quên, đời sống của người dân ngày càng tồi tệ hơn khi thiếu
việc làm, lương thực và nhiên liệu… Như vậy, nếu không giữ được sự ổn định về
chính trị, xã hội thì người gánh chịu hậu quả nặng nề nhất chính là nhân dân,
những người lao động trong xã hội.
Chúng ta
không phủ nhận những hạn chế, yếu kém trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm
nghèo, an sinh xã hội, trong xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng
đội ngũ cán bộ… Chưa bao giờ như thời gian qua, Đảng quyết liệt, Chính phủ hành
động. Hàng ngàn cán bộ các cấp bị xử lý kỷ luật, bị đưa ra trước vành móng ngựa.
Nhà nước cũng luôn lắng nghe những bức
xúc của dân để kịp thời điều chỉnh chính sách, tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường
thông thoáng nhất cho người dân và doanh nghiệp trong điều kiện thực tế. Nhưng
lợi dụng dân chủ, hành động quá khích, quá đà để gây mất ổn định chính trị, xã
hội thì phải nghiêm khắc trừng trị.
Hơn 30 năm đổi
mới, sự ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam được bạn bè quốc tế ghi nhận, cho
rằng, đây là điều kiện, là cơ sở vững chắc để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh
tế cao, đó là điều cần hết sức trân trọng, bảo vệ. Mọi khó khăn, vướng mắc đều
có lời giải nếu tất cả chung sức, chung lòng vì mục tiêu chung. Vì vậy, càng những
lúc khó khăn, càng cần phải đoàn kết, tỉnh táo để vừa yêu nước, vừa giữ nước. Mất
đi yên bình, ổn định hoặc tệ hơn nếu để xã hội rơi vào hỗn loạn, là mất đi những
điều tốt đẹp nhất./.
0 nhận xét: