| 22.5.20
Thanh Hóa vùng đất hào hùng
Tổng bí thư Lê Duẩn từng nói: "Nếu chiến tranh đến từ phương Bắc, thì các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Thanh Hóa sẽ trở thành cơ sở cho toàn bộ đất nước. Các tỉnh này tốt nhất, là các căn cứ mạnh nhất, tốt nhất và hiệu quả nhất".
Thanh Hóa có thể nói là chốt chặn trong trường hợp miền Bắc bị tấn công. Nếu các lá chắn thép phía Bắc bị chọc thủng, Thanh - Nghệ - Tĩnh sẽ trở thành thủ đô kháng chiến, nơi phòng thủ vững chắc và bàn đạp phản công.
Ngược lại, nếu xảy ra biến ở phía Nam, đối phương cũng phải vượt qua yết hầu này nếu muốn tiến đến Hà Nội. Không phải tự nhiên mà khu vực Bắc Trung Bộ được bố trí nhiều đơn vị thiện chiến nhất, đóng quân ở các vị trí hiểm trợ có tính chiến lược, không chỉ mang tính phòng thủ mà có thể triển khai tấn công phủ đầu khi có yêu cầu.
Ấy là địa thế, tiếp đến xét về con người.
Từ trước đến nay, binh lính thiện chiến nhất đa phần là dân Thanh - Nghệ - Tĩnh. Bắc Trung Bộ nổi tiếng là đất dụng binh, mộ lính thì chỉ kén dân xứ này vì thiên bẩm đánh trận, lỳ đòn và tính kỷ luật cao. Ngày xưa Quang Trung đánh quân Thanh cũng phải mộ đủ lính ở vùng này rồi mới tiến ra miền Bắc.
Nhân dân ở đây tính tình cương trực, mạnh mẽ, không sợ khổ. Đó là chưa kể tới lòng yêu nước và tinh thần tương trợ lẫn nhau rất mạnh.
Còn vụ "ăn rau má phá đường tàu" có lần chúng tôi cũng nói rồi. Câu nói xuất phát từ việc quân và dân Thanh Hóa giả vờ kiếm rau má rồi phá đường tàu của Pháp. Khi bị bắt, họ bảo quân Pháp rằng đói quá nên phải tìm rau má trên đường sắt.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, riêng Thanh Hóa đã huy động hàng trăm nghìn dân công, gần 30 triệu ngày công, hơn một vạn phương tiện vận chuyển lương thực, vũ khí, thuốc men, đạn dược.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biểu dương chiến công của quân dân Thanh Hóa bằng câu nói: "Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó".
Thế cho nên chúng tôi mới nói rằng các quý vị phải hiểu rõ lịch sử hào hùng của Thanh Hóa nói riêng và Thanh - Nghệ - Tĩnh nói chung để mà cảm thấy tự hào. Đừng cứ nghe "Thanh Hóa" là sửng cồ lên rồi lại hùng hổ chửi bới, chính kiểu đó mới gây ấn tượng xấu về vùng đất đặc biệt này.
0 nhận xét: