22/5/20

Vụ án Hồ Duy Hải: “Nhiễu thông tin”, “Truyền thông bẩn” đã làm ảnh hưởng đến chính trị và cả nền tư pháp


Phán quyết của HĐTP đưa ra tại phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải vừa qua được đồng đảo người dân đồng tình, ủng hộ. Bên cạnh đó, còn một số ý kiến đã có những bình luận thiếu thiện chí, không đúng với bản chất vụ việc, gây hoang mang dư luận.
Xung quanh vấn đề này, PV Báo điện tử Công lý đã có cuộc trao đổi với Đại tá Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Tư liệu giáo khoa, Học viện chính trị CAND- người đã nghiên cứu rất sâu vụ án ngay từ những ngày đầu xảy ra.

Đại tá Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Tư liệu giáo khoa, Học viện chính trị CAND
PV: Được biết ông là người nghiên cứu hồ sơ vụ án Hồ Duy Hải từ khi xảy ra vụ án để đưa vào công trình nghiên cứu khoa học của mình, ông đánh giá như thế nào về vụ án này?
Đại tá Nguyễn Minh Tâm: Đây là một trong những vụ trọng án có nhiều vấn đề phức tạp, khó khăn trong khi truy xét, tức là có nạn nhân chết và thủ phạm ngay ban đầu không xác định được, không rõ đối tượng và động cơ, mục đích.
Vụ án Hồ Duy Hải diễn ra dịp gần Tết, trên địa bàn từ trước tới nay tương đối ổn định, an ninh khá tốt, nên gây hoang mang dư luận và phải 3 tháng sau mới tìm ra thủ phạm. Nếu như vụ án xảy ở những địa bàn đông dân như Hà Nội, thì việc phát hiện sẽ dễ hơn do mạng lưới trinh sát dày đặc. Ở Hà Nội chưa có vụ trọng án nào quá 21 ngày mà chưa tìm ra được thủ phạm.
Từ năm 2008 đến nay, tôi được tiếp cận hồ sơ, tài liệu về vụ án với góc độ báo cáo thực tế để nghiên cứu khoa học. Theo đánh giá của tôi, Điều tra viên tỉnh Long An bằng cách tổng hợp các bằng chứng, nhân chứng, lời khai nhận tội của bị cáo… để lập luận logic khoa học tìm ra thủ phạm là hợp lý.
Đây cũng là vấn đề mấu chốt và rất quan trọng, vì trong điều tra không chỉ có chứng cứ mà phải là tổng hợp rất nhiều nguồn có liên quan như: dấu vết trên hiện trường, vật chứng với các lời khai của thủ phạm với các nhân chứng và dữ liệu khác nữa mới có thể có được bức tranh hoàn chỉnh về hành vi phạm tội.
Với vụ án này, hành vi cướp của sau khi giết người của Hồ Duy Hải đã được làm rõ hoàn toàn. Mặc dù cướp của là hành vi có tính cơ hội của Hồ Duy Hải không có chuẩn bị trước nhưng khi khớp hai vấn đề lại với nhau thì đều hướng về một con người cụ thể. Qua nghiên cứu và đánh giá của tôi thì động cơ gây án của thủ phạm hình thành rất nhanh, chỉ trong một vài phút trước khi xảy ra hành vi tội phạm, chứ không phải giết người có dự mưu, toan tính lâu dài như các vụ trọng án khác.
PV: Ông có theo dõi diễn biến phiên tòa giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải vừa qua không và ông đánh giá thế nào về phiên tòa?
Đại tá Nguyễn Minh Tâm: Tôi theo dõi vụ án từ cấp sơ thẩm, phúc thẩm và và cả phiên tòa giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải mới đây. Qua báo chí, tôi thấy rằng thông tin, hình ảnh được cập nhật rất đầy đủ và chi tiết. Các bài báo thông tin đều đặt trong bối cảnh những vấn đề mà liên ngành tư pháp Trung ương đang cần phải giải quyết vụ án một cách khách quan nhất.
Vụ án cũng có những sai sót trong quá trình điều tra mà kháng nghị VKSNDTC nêu, đó là những vi phạm thủ tục tố tụng, tuy nhiên, những sai sót này không làm thay đổi bản chất của vụ án, nên việc hủy bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm để điều tra lại là không cần thiết.
Đặc biệt, trong đó có những dữ kiện mà HĐTP TANDTC lấy làm căn cứ để đưa ra phán quyết của mình. Những nội dung kháng nghị của VKSNDTC đã được các thành viên HĐTP làm rõ, từ việc Hải có mặt ở hiện trường hay không, Hải có thực hiện hành vi gây án hay không, đến những mâu thuẫn thể hiện trong hồ sơ, những vi phạm của cơ quan tố tụng cũng như tính có căn cứ, thẩm quyền kháng nghị của Viện KSNDTC.
Cùng với đó là báo cáo giải trình của các cơ quan như: Bộ Công an, liên ngành Tư pháp Trung ương, Tổ thẩm định độc lập và tất cả những dữ liệu khác nữa,…là những căn cứ để HĐTP đưa ra phán quyết chính xác.
Có người hỏi tôi rằng: Tại sao HĐTP không biểu quyết tất cả các căn cứ đó, mà chỉ biểu quyết 4 vấn đề nêu ra? Theo tôi: Đây mới là chính là phiên giám đốc thẩm, nếu không đã biến thành phiên tòa sơ thẩm hoặc tái thẩm rồi. Giám đốc thẩm chỉ đánh giá lại tất cả những dữ liệu chứng cứ đã có trong hồ sơ vụ án.
BLTTHS 2015 quy định, phiên giám đốc thẩm tuyên án bằng cách biểu quyết (công khai), căn cứ trên hồ sơ, bút lục…; Phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, HĐXX nghị án kín và tuyên án. Vậy nên phán quyết của HĐTP là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, tôi cũng thấy rất lạ về kháng nghị và quan điểm của VKSNDTC. Sự thay đổi từ đồng thuận đến không đồng thuận, đã dẫn đến những nghi ngờ không có căn cứ từ dư luận và người dân vốn không có điều kiện tiếp cận hồ sơ, sự thật vụ án một cách toàn diện.
PV: Qua điều tra đã chứng minh Hồ Duy Hải phạm tội, bị cáo cũng đã khai nhận rõ hành vi phạm tội; qua các phiên tòa, các đoàn giám sát, Hải cũng thừa nhận hành vi của mình, chỉ xin được giảm nhẹ hình phạt, xin ân giảm án tử hình, nhưng sau đó gia đình bị cáo liên tục kêu oan. Theo ông nguyên nhân việc này do đâu?
Đại tá Nguyễn Minh Tâm: Các bà mẹ Việt Nam ai ở vào hoàn cảnh đó cũng làm như vậy cả. Thế nhưng, chính vì tâm lý đó, người mẹ đã bị một số kẻ lợi dụng và sau đó là rất nhiều người khác, ở các tầng lớp, các nhóm xã hội khác nhau lợi dụng. Theo đó, dư luận bị nhiễu thông tin, điều này có hệ quả đặc biệt nghiệm trọng.
Khi vụ việc được hệ thống thông tin xào xáo, cắt xén thêm “gia vị”… sẽ thành những vấn đề mà dư luận cho là “hót”, thì chúng tôi gọi là “nhiễu thông tin”. Tức là thông tin chính xác, phản ánh đúng sự việc đang bị che mờ đi bởi những “hỏa mù” này, từ đó thông tin cho là vụ án bị làm sai lệch hồ sơ hoặc oan sai được đẩy lên đến đình điểm, khiến cơ quan tố tụng lúng túng còn người dân thì nghi ngờ.
Trước kia cũng đã xảy ra tình trạng tương tự, nhiều vụ án bị dư luận đẩy lên làm sai lệch, nhiễu thông tin, khiến cho việc xử lý điều tra của cơ quan tố tụng gặp khó khăn, điển hình là vụ án PMU18. Hiện nay, vụ án Hồ Duy Hải cũng đang ở tình trạng như vậy, làm cho những người tham gia vụ án cũng bị ảnh hưởng không nhỏ từ việc nhiễu thông tin.
Cũng chính từ sự nhiễu thông tin này mà dẫn đến sự việc chưa có tiền lệ trong lịch sử Tư pháp Việt Nam, đó là vụ án đã qua hai cấp xét xử, có quyết định không kháng nghị của VKSNDTC, TANDTC; Chủ tịch Trương Tấn Sang đã bác đơn xin ân giảm của tử tù và sau đó lại có một công văn truyền đạt là hoãn thi hành án tử hình và VKSNDTC lại kháng nghị bản án. Đây thực sự là việc chưa từng có tiền lệ trong nền tư pháp nước ta từ 1945 đến nay.
Còn về khía cạnh chính trị, một điều rất quan trọng, nhưng rất ít báo chí đề cập đến, đó là từ sự nhiễu thông tin này mà mỗi khi đất nước có sự kiện pháp lý như vụ án oan Bùi Minh Hải, Nguyễn Thanh Chấn… lại gây nên một làn sóng bị thổi phồng, bịa đặt, xuyên tạc, bôi nhọ, nói xấu chế độ của các thế lực phản động trong và ngoài nước… được đẩy lên để gắn vào một sự thật khác. Vụ án Hồ Duy Hải là một điển hình làm cho người dân tin đó là sự thật và hoài nghi vào chế độ, vào cơ quan thực thi pháp luật.
Thực tế, vụ án Hồ Duy Hải và một số vụ án khác đã bị các thế lực cơ hội chính trị lợi dụng và chúng tôi cũng biết rất rõ ai đứng đằng sau những “thông tin bẩn” để lôi kéo người ít hiểu biết về pháp luật và những vấn đề chuyên sâu của vụ án, nhằm tạo “sức ép” lên cơ quan điều tra, cơ quan tố tụng, thậm chí với cả lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Trước đây những thành phần này tập trung vào vụ Đồng Tâm, nhưng sau đó, do dịch bệnh COVID-19 nên tạm thời lắng xuống, và giờ chúng lại bám vào vụ án Hồ Duy Hải, coi như một miếng mồi mới, để tiếp tục trào lưu kích động dư luận, xuyên tạc bịa đặt, chống phá Nhà nước.
PV:Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này được không và chúng ta phải làm gì để  ngăn chặn điều đó?
Đại tá Nguyễn Minh Tâm: Tôi thấy rằng tình trạng “trong nghiêm ngoài phá” như hiện nay chắc chắn đang có sự lợi dụng của các thế lực thù địch bên ngoài. Thậm chí, có cả ĐBQH và 2 nhà báo tự do bị lợi dụng để cung cấp thông tin ra ngoài một cách phiến diện.
Điển hình nhất là trường hợp Tr.C.H.D- người đã đã theo vụ này ngay từ đầu khi vụ việc xảy ra. Trên mạng xã hội, người này viết rất nhiều các tiêu cực, anh ta coi mình là nhà báo tự do và tung tin bịa đặt theo hướng có lợi cho bị cáo bằng cách cắt xén thông tin, cắt câu chia chữ, thay đổi bối cảnh của thông tin đó; Thậm chí, có những ĐBQH không phải chuyên ngành luật, không nắm rõ về hồ sơ vụ án mà vẫn lên tiếng đánh giá, chưa kể những nhận định đưa ra sai hoàn toàn so với thực tế, điều này rất nguy hiểm.
Để ngăn chặn tình trạng “nhiễu thông tin’ và  “truyền thông bẩn” như hiện nay, các cơ quan tố tụng Trung ương cần báo cáo sự việc với cấp trên mà trực tiếp là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị về vụ án và cả vấn đề truyền thông hiện nay.


0 nhận xét: