Trở về sau cuộc chiến, nữ thương binh ấy còn ba mảnh đạn trong đầu, đôi chân teo tóp, một tay co quắp nhưng suốt thời gian qua bà vẫn miệt mài bán vé số, lo cho đồng đội.
May mắn tìm được cô Bảy - một bà cụ thân hình nhỏ nhắn, một tay co quắp, một tay cầm xấp vé số, lê những bước chân khó nhọc đến mời chào từng người mua vé số.
"Bây hỏi chuyện cô à? Chở cô về chỗ đồng đội cô đang nằm nghỉ, đặng lời cô kể có đồng đội cô làm chứng nè” - cô Bảy nói khi tôi ngỏ lời. Vậy là câu chuyện giữa cô với tôi diễn ra ở ngay Nghĩa trang Long Hưng A - nơi có 19 đồng đội của cô đang yên nghỉ. Giữa nghĩa trang tràn nắng gió, giữa những hàng mộ liệt sĩ đều tăm tắp, cô Bảy kể về đời mình. Cô cho biết cô tham gia cách mạng từ năm 1958: “Năm đó cô 13 tuổi, cô, chú, anh, chị hoạt động cách mạng ở đây nhiều lắm. Được sự dẫn dắt của người anh thứ năm và mong muốn góp sức giành lại độc lập dân tộc nên cô bỏ học, trốn nhà theo cách mạng cả tháng trời mới về. Lúc về cha mẹ thấy việc làm đúng nên cũng ủng hộ, cô càng quyết tâm chiến đấu hơn” - cô Bảy kể.
Ngày đó, do tuổi nhỏ nên cô Bảy được giao nhiệm vụ giao liên. Tích cực hoạt động, có nhiều đóng góp cho cách mạng, năm 1965 cô vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Lúc này cô cùng các đồng đội đã cắt máu ăn thề với nhau: “Sống, cùng nhau chiến đấu, đến ngày độc lập ai còn sống thì lo mồ mả cho người nằm xuống”.
Trong chiến dịch Mậu Thân 1968, đơn vị bị địch phản công, nhiều đồng đội hy sinh, cô Bảy may mắn sống sót nhưng cũng bị thương nặng, mảnh đạn găm vào đầu và thương tật như hiện nay. Đến ngày hòa bình lập lại, đang tìm cách thực hiện lời hứa với đồng đội thì cô Bảy lại gánh thêm một trọng trách khác là chăm lo cho hai đứa cháu và người em gái. Cô Bảy thành mẹ bất đắc dĩ. Thương tật trên 80%, không thể lao động, bốn miệng ăn chỉ trông chờ vào số tiền trợ cấp của cô Bảy.
Vào năm 2010, xã Long Hưng A có kế hoạch trùng tu lại nghĩa trang, lúc này cô Bảy mang đến đưa cho xã 72 triệu đồng, nói là tiền ủng hộ thêm để phụ với xã trùng tu nghĩa trang. Anh em cán bộ xã vô cùng bất ngờ. Hỏi ra mới biết đó là tiền cô Bảy bán vé số dành dụm bỏ heo 13 năm nay.
Tuy nhiên, thấy hoàn cảnh cô Bảy khó khăn cộng với công trình đã được đầu tư kinh phí nên xã từ chối nhận tiền. Cô Bảy ra sức giải thích lý do và nói tâm nguyện của mình với đồng đội. Cảm động trước tấm lòng của cô Bảy, xã dùng số tiền của cô ủng hộ để mua gạch men ốp lên 144 phần mộ liệt sĩ (trong đó có mộ 19 đồng đội của cô) và trùng tu Nghĩa trang Long Hưng A khang trang như hiện nay.
"Mình đã hứa với đồng đội thì phải làm, nếu không thì day dứt ngủ không yên. Anh em đã hy sinh vì đất nước, mình may mắn được sống và hưởng độc lập thì phải làm gì đó để ghi nhớ công lao, để người nằm xuống cũng yên lòng” - cô Bảy chia sẻ.
Đến hôm nay, khi lời hứa với đồng đội đã hoàn thành, Nghĩa trang liệt sĩ Long Hưng A khoác lên mình một màu xanh ngọc bích tươi đẹp, sạch sẽ, thế nhưng cô Bảy vẫn cho rằng mình chưa làm tròn nghĩa vụ của mình. Do vậy, dù đã gần 80 tuổi, cơ thể thương tật, hằng ngày chịu những cơn đau nhức hành hạ nhưng cô vẫn đều đặn cuốc bộ khắp nơi bán vé số.
“Mấy năm nay cô bỏ con heo mới rồi, chắc cũng được kha khá, đợi thời gian nữa đập ra lấy tiền nâng cấp nền cho sạch, rồi trồng thêm hoa kiểng đẹp cho mấy anh em ngắm” - vừa lau phần mộ đồng đội, cô Bảy vừa nói. Cô cho biết hơn 20 năm nay, sau khi bán vé số về là cô lại tạt qua nghĩa trang quét dọn mộ liệt sĩ và ngồi hồi tưởng những ngày cùng đồng đội sống chết có nhau… Hvpcpd
0 nhận xét: