Có một vụ việc đáng tiếc đã xảy ra như này. Ngày 7/1/2015, cả thế giới chấn động khi tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo ở thủ đô Paris bị hai đối tượng cực đoan xả súng. Ít nhất đã có 12 người thiệt mạng và nhiều người bị thương trong cuộc thảm sát đẫm máu đó. Vụ việc xảy ra cho thấy thế giới vẫn luôn tiềm ẩn những nguy cơ xung đột với tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Cho dù là ở các quốc gia được cho là phát triển, văn minh nhất.
Tuy nhiên, bất chấp vụ tấn công, tạp chí Charlie Hebdo tuyên bố vẫn phát hành số tiếp theo với một thông báo được đưa ra: "Bởi vì ngòi bút luôn ở trên sự tàn bạo, bởi vì tự do là một quyền trên toàn thế giới, bởi vì các bạn ủng hộ chúng tôi, chúng tôi, Charlie, sẽ phát hành số tiếp theo vào thứ tư tuần tới".
Câu hỏi đặt ra là: Nguyên nhân do đâu dẫn tới vụ việc? Phải chăng báo chí được ví như thứ quyền lực thứ tư đó đã vạch trần tội ác xấu xa của một tổ chức cực đoan nào đó?
Câu trả lời thật đơn giản. Charlie Hebdo vốn là một tạp chí châm biếm. Và nạn nhân của sự châm biếm đó thường liên quan đến yếu tố tôn giáo. Thực tế Charlie Hebdo vốn là mục tiêu công kích từ những thành phần cực đoan trên khắp thế giới. Những nội dung châm biếm về tôn giáo, đặc biệt về những kẻ sùng đạo luôn có mặt trên những trang báo, trở thành vấn đề chính của nhiều vụ kiện tụng. Vụ việc ngày 7/1/2015 có lẽ là điều tất yếu sẽ phải đến.
Vậy đây là thứ tự do báo chí một số nước phương Tây theo đuổi sao? Họ chấp nhận thứ tự do đó để khởi phát những mâu thuẫn, xung đột trong xã hội.
Ở Việt Nam, tự do báo chí là điều mà mọi công dân đều tôn trọng. Hiến pháp đã quy định rõ điều đó. Trong nhiều năm qua, các cơ quan báo chí đã thực hiện tốt quyền tự do báo chí của mình. Không ít vụ việc tham nhũng, tiêu cực liên quan đến cán bộ, đảng viên, thậm chí lãnh đạo cấp cao được báo chí thông tin kịp thời, góp phần xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật. Bên cạnh đó, báo chí luôn đồng hành cùng đất nước trong xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, mang đến một xã hội tốt đẹp, nhân văn hơn.
Vậy, đó chẳng phải là thứ tự do báo chí mà chúng ta nên theo đuổi sao?
Dẫu rằng còn nhiều quan điểm khác nhau về tự do báo chí, song, rõ ràng thứ tự do mà sẵn sàng đánh đổi sự bình yên của xã hội thì thật đáng lên án.
Nhân ngày Báo chí Việt Nam 21/6, chúc cho đội ngũ người làm báo luôn có đủ sức khỏe, trí tuệ, sự kiên định để tiếp tục sự nghiệp báo chí cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng, tiếp tục đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước trong giai đoạn hiện nay.
0 nhận xét: