21/6/21

Tự do ngôn luận-nhận thức thấu đáo, ứng xử chuẩn mực và trách nhiệm công dân

             Tự do ngôn luận nói chung, tự do báo chí nói riêng luôn là vấn đề được nhiều quốc gia nhìn nhận ở các góc độ khác nhau, thậm chí đối lập nhau, tùy vào mục đích và bối cảnh cụ thể.

Với một cách nhìn khách quan, khoa học và thực tiễn, vệt bài của tác giả tiếp cận lý giải vấn đề nhằm giúp chúng ta có cái nhìn đúng mực, phù hợp về tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam, về trách nhiệm của công dân vì sự phát triển bền vững đất nước, vì sự phát triển của con người trong thời đại bùng nổ thông tin, nhất là trên mạng xã hội.


Tự do ngôn luận khác với “ngôn luận tự do”

Tự do ngôn luận khác về bản chất với “ngôn luận tự do”. Tự do ngôn luận cần bảo đảm tuân thủ chuẩn mực pháp lý, chuẩn mực văn hóa, giao tiếp, là quyền cơ bản của công dân tham gia trao đổi, chia sẻ, tranh luận và phản biện xã hội vì mục đích xây dựng, vì lợi ích công chứ không phải lợi dụng quyền này để thỏa mãn và mưu lợi cá nhân, để xâm hại lợi ích công và chuẩn mực văn hóa cộng đồng.

“Thị trường ngôn luận” ở nhiều nước bị lợi ích nhóm chi phối

Ngày 7-1-2015, cả thế giới bàng hoàng, phẫn nộ và lên án hành động các tay súng khủng bố tấn công tòa soạn Tạp chí Charlie Hebdo tại trung tâm thủ đô Paris của nước Pháp vốn nổi tiếng về truyền thống văn hóa, sự lịch lãm và thanh bình, làm 12 người thiệt mạng tại chỗ (bao gồm 10 nhà báo của tạp chí cùng 2 cảnh sát) và hơn 20 người bị thương. Lý do vì tạp chí này đăng lại 12 bức biếm họa châm biếm đấng tiên tri Hồi giáo Mohammed từng xuất hiện trên nhật báo Jyllands-Posten của Ðan Mạch hồi năm 2006; và khi ấy đã bùng lên làn sóng phẫn nộ của người Hồi giáo trên khắp Trung Đông, Nam Phi…

Từ sự kiện này, có hai luồng ý kiến trong dư luận: Hầu hết chỉ trích nhóm khủng bố đã gây ra cuộc thảm sát đẫm máu, tấn công vào cơ quan ngôn luận luôn tự cho mình là đại diện của nền báo chí tự do; luồng ý kiến khác, ngay tại nước Pháp, theo France24, kết quả từ cuộc thăm dò của Ifob đưa ra cho thấy 42% số người được hỏi ở Pháp đều cho rằng các bức tranh biếm họa về nhà tiên tri Mohammed như những hình ảnh mà Tạp chí Charlie Hebdo đăng tải, xúc phạm tới người Hồi giáo và không nên được xuất bản công khai.

Trước khi sự kiện trên xảy ra, hãng phim Sony Pictures của Mỹ đã bị một nhóm hacker đột nhập, hệ thống máy tính và email của các nhân viên trong Sony Pictures đã bị tê liệt gây thiệt hại nghiêm trọng cho hoạt động của công ty. Vụ việc cũng làm dấy lên tranh cãi giữa Mỹ và Triều Tiên-hai nước vốn dĩ không lúc nào “mưa thuận gió hòa”. Lý do là vì bộ phim này miêu tả hành động giả định lãnh đạo Kim Jong Un của Triều Tiên bị ám sát. Điều đó đối với Triều Tiên cũng được coi là hành vi phỉ báng khó tha thứ.

Mới đây, ngày 23-5-2021, máy bay quân sự MIG-29 của Belarus ép máy bay chở khách của hãng hàng không Ryanair Air (Ireland) khởi hành từ Athens, Hy Lạp đến Vilnius (Lithuania), khi bay qua không phận Belarus do nhận được thông báo rủi ro an ninh từ cơ quan kiểm soát không lưu Belarus và được chỉ dẫn chuyển hướng tới sân bay gần nhất tại thành phố Minsk. Từ sự kiện này, dư luận truyền thông phương Tây đã và đang rộ lên làn sóng phản đối kịch liệt; các nhà chức trách EU đang vào cuộc đưa ra những giải pháp trừng phạt, tẩy chay Belarus.

Ngay cả đại dịch Covid-19 cũng vậy. Lẽ ra, theo thông lệ, giải quyết đại dịch là vấn đề toàn cầu; toàn cầu cần đồng sức, đồng lòng vì nó vượt ra ngoài biên giới quốc gia, lãnh thổ. Nhưng trong đại dịch này, khi cộng đồng quốc tế mong nhận được vaccine thì ngay trong giới quan trường phương Tây lại có sự phân biệt, thậm chí ngăn cản việc tiếp cận vaccine ngừa Covid-19 Sputnik V do Trung tâm Nghiên cứu dịch tễ, vi sinh quốc gia Gamaleya và Bộ Quốc phòng Nga phát triển. Lý do mà EU chần chừ chậm cấp giấy phép cũng chỉ có giới lãnh đạo EU mới biết được, trong khi cộng đồng cư dân đang hằng ngày mong đợi.

Thực tế cho thấy, trên thế giới, hiếm có sự kiện, vấn đề nào mà từ đó “thị trường ngôn luận” có sự đồng thuận. Tạm gọi là thị “trường ngôn luận” vì thực tế đằng sau các luồng ý kiến là sự chi phối, thậm chí mặc cả, ngã giá vì lợi ích hay mục tiêu chính trị nào đó. Lý do thì nhiều, nhưng ý chí và lợi ích chính trị luôn chi phối, ngay cả những vấn đề dịch bệnh-vấn đề toàn cầu đang phải đối mặt từng phút, cũng bị các nhóm lợi ích trên thế giới chi phối, kể cả về mặt thông tin.

Không được nhầm lẫn, đánh đồng giữa “tự do ngôn luận” và “ngôn luận tự do”

Công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam đã và đang đạt được những thành tựu vượt bậc sau 35 năm đổi mới. Điều này có thể cảm nhận được từ thực tế đời sống mỗi người dân, mỗi vùng, miền trên cả nước. Từ hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông được cải thiện cơ bản; hệ thống trường học các cấp không ngừng được nâng cấp, mở rộng, bảo đảm quyền được học tập của người dân; mức sống người dân cải thiện rõ rệt cả về vật chất và tinh thần… Ngay cả về những thành tựu căn bản như vậy, cũng có những luồng ý kiến chỉ trích, thậm chí bôi nhọ, đả kích và chống phá.

Về cơ sở bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, ở Việt Nam không ngừng được cải thiện, nâng cấp. Chỉ tính riêng về hệ thống báo chí, truyền thông đại chúng đang phát triển, thậm chí phát triển vượt trên nhu cầu của nền kinh tế-xã hội. Hiện Việt Nam có 780 cơ quan báo chí. Mỗi người dân, về nguyên tắc đều có vài ba cơ quan báo chí đại diện ngôn luận cho mình. Vì theo thiết kế hệ thống, mỗi cơ quan báo chí là đại diện ngôn luận của tổ chức trong hệ thống chính trị, theo đó, mỗi công dân đều có thể thể hiện ý chí và nguyện vọng của mình trước công luận. Mặt khác, Việt Nam hiện là quốc gia top đầu về tỷ lệ công dân tham gia mạng xã hội (MXH), với hơn 70% công dân khắp các vùng, miền và các nhóm xã hội khác nhau. Ở Việt Nam, theo luật định, không ai và nhóm công dân nào bị cấm hay bị hạn chế tham gia MXH cũng như thể hiện quyền tự do ngôn luận của mình.

Thế nhưng, thực hiện quyền tự do ngôn luận của công dân, nhất là trên MXH đã và đang bộc lộ những bất cập sau đây.

Thứ nhất, không ít biểu hiện thiếu tôn trọng các chuẩn mực văn hóa của cộng đồng. Điều này thể hiện trong sử dụng các ngôn từ, giọng điệu, hình ảnh để biểu thị thái độ và hành vi trước các sự kiện và vấn đề xã hội; như ủng hộ hay phản đối cái gì và ủng hộ, phản đối như thế nào, kể cả những biểu hiện cực đoan trong việc ủng hộ và phản đối. Mỗi sự kiện và vấn đề xã hội đều có tính hai mặt của nó; việc ủng hộ hay phản đối “đúng ngưỡng” đòi hỏi mỗi người cần hiểu biết chuẩn mực ứng xử; và “cái chuẩn” quan trọng chính là ở văn hóa, ở cái tâm của mỗi người.

Thứ hai, lợi dụng những sai phạm trong thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, thậm chí cả những phát ngôn xây dựng hoặc ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học có uy tín mà ai đó chưa đồng tình, cũng kích hoạt trên MXH thành luồng ý kiến like, comment phản đối rần rần với những từ ngữ, giọng điệu khó chấp nhận. Đây là một trong những biểu hiện làm giảm hàm lượng văn hóa trong ngôn luận và giao tiếp cộng đồng.

Thứ ba, lợi dụng quyền tự do ngôn luận trên MXH, kết nối xã hội trong môi trường truyền thông số để chỉ trích, thậm chí công kích chủ trương, quyết sách phát triển kinh tế-xã hội của Đảng, Nhà nước; và mỗi khi bị cơ quan chức năng xử lý thì đối tượng bị xử phạt cho rằng “vi phạm tự do ngôn luận” của công dân!

Tự do ngôn luận khác về bản chất với “ngôn luận tự do”. Tự do ngôn luận cần bảo đảm tuân thủ chuẩn mực pháp lý, chuẩn mực văn hóa, giao tiếp, là quyền cơ bản của công dân tham gia trao đổi, chia sẻ, tranh luận và phản biện xã hội vì mục đích xây dựng, vì lợi ích công; chứ không phải lợi dụng quyền này để thỏa mãn và mưu lợi cá nhân, để xâm hại lợi ích công và chuẩn mực văn hóa cộng đồng. Còn ngôn luận tự do là tự do nói năng, phát ngôn, bình luận, chia sẻ, tán phát thông tin một cách tùy tiện, vô lối. Trên thực tế, không có quyền tự do nào là tuyệt đối mà chỉ có quyền tự do tương đối. Nếu để tự do tuyệt đối nghĩa là tự do vô giới hạn, vô chính phủ sẽ dẫn đến tình trạng mất kiểm soát, gây ra rối loạn xã hội. Quyền tự do ngôn luận cũng vậy. Nếu ai cũng nói năng bừa bãi, phát ngôn tùy tiện, chia sẻ thông tin bất chấp đúng-sai, thật-giả lẫn lộn, không chỉ làm cho xã hội rơi vào tình trạng rối nhiễu thông tin mà còn có thể tạo ra những cuộc khủng hoảng thông tin xã hội một cách trầm trọng, từ đó gây mất ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Thứ tư, có những biểu hiện tán phát tài liệu trên MXH để xuyên tạc, công kích, chống phá các quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước, gây hoang mang, dao động trong một bộ phận công chúng. Đây là biểu hiện phức tạp nhưng không khó để nhận diện. Chúng ta biết rằng, trên thế giới, mỗi nước có những thể chế và cấu trúc quyền lực không giống nhau; đồng thời mỗi nước có chủ thuyết phát triển của mình. Vấn đề này phụ thuộc vào nhiều yếu tố mà “không ai giống ai” trên con đường tìm kiếm lối đi riêng trong quá trình phát triển, hội nhập quốc tế. Ví dụ ở Hoa Kỳ, mỗi đời tổng thống lại có chủ trương, quyết sách của mình, mà các chủ trương quyết sách này có thể mâu thuẫn gay gắt giữa các đời tổng thống. Hay như ở Liên bang Nga. Mặc dù phương Tây tập trung công kích, trừng phạt và cô lập Nga, thậm chí muốn xé nhỏ nước Nga ra mấy mảnh để dễ bề thao túng thế giới, nhưng dưới thời Tổng thống Vladimir Putin, nước Nga đang được vực dậy bởi chiến lược và những quyết sách táo bạo; và nước Nga đang trở thành cường quốc giữa sự ngỡ ngàng của chính phương Tây.

Việt Nam cũng vậy, thể chế cũng đang tiếp tục được hoàn thiện đáp ứng nhu cầu phát triển trong bối cảnh mới. Vậy nên, ở Việt Nam, thiết nghĩ, mỗi công dân yêu nước đều có mong ước nhiệt thành là làm sao để đất nước cường thịnh, để dân tộc từng bước bước lên những nấc thang phát triển phồn vinh. Nhưng để đạt được những kỳ tích mong đợi, mà những kỳ tích này sau một thời gian mới có thể nhìn thấy rõ ràng, thì trước hết, mỗi công dân cần nhận thức, thực hiện tốt các quyền và nghĩa vụ công dân, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Bởi các quyền này, bản thân nó có khả năng tạo ra siêu kết nối xã hội và từ đây, có thể kết nối trí tuệ và cảm xúc cộng đồng và đó là một trong những động lực tạo nên niềm tin, sức mạnh mềm cho sự phát triển bền vững đất nước.

 

0 nhận xét: