phòng, chống
tội phạm cũng như ở tuyến đầu phòng, chống đại dịch COVID-19 thì một số người lại
đang cố tình phủ nhận mọi nỗ lực, vin cớ “góp ý” để tung ra những luận điệu
xuyên tạc, bôi nhọ, vu cáo lực lượng CAND. Mục đích của họ là nhằm làm vấy bẩn,
chia rẽ hình ảnh người chiến sĩ Công an trong lòng dân, kích động, tạo dư luận
tiêu cực.
Gây nhiễu để
chống phá
Một số tổ chức
núp bóng nhân quyền ở nước ngoài như “Ủy ban cứu người Việt Nam vượt biển”
(BPSOS), “Theo dõi nhân quyền”, “Phóng viên không biên giới”… gia tăng hoạt động
tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo lực lượng CAND Việt Nam, như: Ra thông cáo vu
cáo Công an Việt Nam sử dụng công nghệ trích xuất dữ liệu để xâm nhập thông
tin, dữ liệu cá nhân của người dân; vu cáo Công an đàn áp các nhà “hoạt động
dân sự”.
Các trang mạng,
đài, báo ở bên ngoài (BBC, RFA tiếng Việt, báo Tiếng dân, Chân trời mới media,
Việt Tân, Thoibao.de…) lợi dụng việc báo chí trong nước đưa tin về các vụ việc
sai phạm, phức tạp liên quan đến một số cán bộ trong lực lượng Công an để tạo dựng,
chia sẻ các tin, bài viết xuyên tạc, tung tin sai lệch để hướng lái dư luận, tạo
cái nhìn tiêu cực về ngành Công an. Họ xuyên tạc rằng, việc đưa nhiều Công an,
Quân đội vào TP Hồ Chí Minh là để “trấn áp người dân” chứ không phải để chống dịch…
Số đối tượng chống
đối chính trị, phần tử xấu ở trong nước thì đăng tải, chia sẻ các thông tin,
bài viết, video clip trên trang cá nhân hoặc trả lời phỏng vấn đài, báo nước
ngoài với những lời lẽ xuyên tạc, vu cáo Công an đã “lạm dụng” Điều 117 Bộ luật
Hình sự để gia tăng bắt giữ “người bất đồng chính kiến”, kêu gọi các tổ chức quốc
tế, chính khách các nước can thiệp, kêu gọi trả tự do cho số đối tượng chống đối
chính trị đang bị bắt, bị giam giữ.
Họ còn xuyên tạc
rằng, lực lượng Công an đang gây khó khăn cho người dân khi tham gia hỗ trợ chống
dịch trong vùng giãn cách, khu cách ly, Chính phủ “ngăn sông cấm chợ” là đang
trao cho Công an quyền “chặn cướp” của dân; vu cáo việc Bộ Công an quy định người
dân khai báo, quét mã di biến động dân cư là không cần thiết, lãng phí và làm
tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh ở các chốt kiểm soát dịch. Thậm chí, còn dựng
lên những câu chuyện, thông tin, hình ảnh giả mạo, sai sự thật về lực lượng
Công an như hình ảnh người giao hàng “quỳ lạy” CSGT ở TP Hồ Chí Minh, làm thơ,
vè “lính nói ngọng”…
Các đối tượng
đăng tải, phát tán những thông tin, bài viết, hình ảnh, video clip xuyên tạc,
sai sự thật về lực lượng Công an trên các trang mạng xã hội, từ đó kích động,
hướng lái dư luận, tạo dư luận tiêu cực. Họ triệt để khai thác các tính năng
bình luận, chia sẻ và phát trực tiếp (livestream) để đăng tải, chia sẻ, lan
truyền các thông tin, hình ảnh sai sự thật, xuyên tạc lực lượng Công an, tạo ra
những thông tin thất thiệt, đánh vào tâm lý của một bộ phận quần chúng nhân dân
nhằm tạo ra cái nhìn thiếu thiện cảm của người dân với lực lượng Công an.
Họ dựng lên những
câu chuyện không có thật, giả danh, mạo danh Công an bằng việc mặc sắc phục giả,
sử dụng giấy tờ, chứng minh CAND giả, sau đó thực hiện các việc làm phản cảm,
vi phạm pháp luật, lừa đảo, gây bức xúc dư luận rồi quay video clip phát tán
trên mạng xã hội kèm những lời bình luận khiếm nhã, từ đó kích động, hướng lái
dư luận có cái nhìn tiêu cực, gây chia rẽ giữa nhân dân với lực lượng Công an.
Một số đối tượng
còn sử dụng thủ đoạn lập ra các cuộc thăm dò ý kiến trên mạng (poll), tạo ra những
luồng thông tin trái chiều nhằm gây áp lực với lực lượng Công an dưới những
khía cạnh khác nhau, như yêu cầu Công an phải tuân thủ luật pháp, không được “đứng
trên pháp luật”, không được “lạm quyền”; Công an phải đứng về phía nhân dân,
không thể là “công cụ chuyên chính, bạo lực của Đảng”; “Quốc hội cần phải sửa
luật để hạn chế bớt quyền của Công an, để kiểm soát quyền của Công an”… Đây rõ
ràng là những thủ đoạn rất tinh vi, nham hiểm nhằm đánh vào sự thiếu tỉnh táo,
cảnh giác của một bộ phận quần chúng nhân dân, những người nhẹ dạ, cả tin, những
người thiếu bản lĩnh chính trị, từ đó cố tình bôi nhọ danh dự, uy tín, hình ảnh
của lực lượng CAND.
Lý giải những “băn
khoăn”, “góp ý”…
Thực ra, không khó
để nhìn nhận ý đồ của những kẻ đang lợi dụng tình hình dịch bệnh phức tạp hòng
tuyên truyền phá hoại, gây hiểu nhầm và chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, đặc
biệt là chia rẽ lực lượng vũ trang và nhân dân. Bên cạnh đó, với xu hướng “lướt
tin bề nổi” như hiện nay thì không ít người do nhẹ dạ, cả tin mà đang bị những
luồng thông tin xấu đó hướng lái, chi phối để rồi đọc và “tiêu hóa” ngay mà
không đánh giá đúng bản chất sự việc. Vì thể, xin nêu những luận giải dễ nhận
biết để mọi người cùng hiểu, không mắc mưu kẻ xấu:
Thứ nhất, một số
người hoài nghi về việc Công an, Quân đội đi chợ cho dân, vận chuyển, cấp phát
lương thực, thực phẩm cho dân liệu có đúng vai trò, nhiệm vụ hay không? CAND Việt
Nam có chức năng đảm bảo an ninh, trật tự; đặc biệt trong công cuộc phòng, chống
“giặc COVID-19” hiện nay thì lực lượng Công an phải triển khai các biện pháp,
công tác nhằm đấu tranh chống “giặc dịch”, đảm bảo an ninh, an toàn cho người
dân. Một trong những công tác cần thực hiện trong cuộc chiến đấu này là đảm bảo
thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống dịch, trong đó
có việc thực hiện giãn cách, phong tỏa, truy vết ngăn chặn dịch bệnh, phát hiện,
xử lý các trường hợp vi phạm quy định chống dịch.
Đồng thời, lực
lượng CAND cùng các cơ quan chức năng đảm bảo an sinh, xã hội, giúp đỡ nhân
dân. Trong công tác, bản chất người CAND là vì nhân dân phục vụ, gắn bó mật thiết
với nhân dân. Do đó, việc đi chợ mua hàng giúp nhân dân trong bối cảnh người
dân phải thực hiện giãn cách chống dịch, chẳng phải là vì nhân dân phục vụ hay
sao? Tương tự, Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam theo quy định tại Luật Quốc
phòng 2018, có các chức năng là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội
quân sản xuất. Đội quân công tác chính là phục vụ nhân dân. CAND, QĐND là lực
lượng nòng cốt trong công tác cứu hộ, cứu nạn, giúp dân phòng, chống và khắc phục
hậu quả thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ tính mạng, sức khỏe và tài sản của nhân
dân.
Có ý kiến nói rằng,
lực lượng vũ trang không giỏi mua hàng bằng shipper, cần giao cho đội ngũ này.
Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra lúc này không phải chỉ là giỏi hay không giỏi mua
hàng, giao hàng mà quan trọng nhất là các công việc đó phải đảm bảo an toàn, phải
đưa hoạt động này được quy củ, giúp ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Trong đại
dịch vừa qua, từ cứu người đến giúp dân gặt lúa, dựng nhà, dọn dẹp, chuyển đồ,
đưa bệnh nhân đi cấp cứu, cấp phát thuốc…, không có gì khó khăn mà CBCS Công an
nề hà. Hơn nữa, điều mà công tác chống dịch cần ở Công an, Quân đội bây giờ là
sự chính quy, thống nhất và kỷ luật thì không lực lượng nào, con người nào có
thể làm tốt hơn lực lượng vũ trang. Rõ ràng, Công an, Quân đội luôn là chỗ dựa
an toàn nhất, yên tâm nhất, là thanh bảo kiếm bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân
dân.
Thứ hai, một số
ý kiến tung luận điệu rằng, Công an, Quân đội đi giúp dân sao phải đeo súng, định
“bắn con COVID hay bắn dân”? Ai nói như vậy hẳn chưa kịp nghĩ vì sao Quân đội,
Công an lại được gọi là “lực lượng vũ trang”? Cần hiểu rằng, không phải cứ bồng
súng là sẽ bắn ai, dọa ai, ngay cả các nghi lễ ngoại giao, đội tiêu binh cũng
mang súng, tuốt lê để thể hiện sự uy nghiêm, mạnh mẽ của lực lượng vũ trang, sự
trọng thị của nghi lễ.
Việc khoác súng
khi tuần tra, canh gác cũng chính là phương án trong bảo đảm an ninh, trật tự
nhằm ngăn ngừa tội phạm, bảo vệ nhân dân. Thực tế, đã có nhiều hành vi lợi dụng
tình hình dịch bệnh phức tạp để thực hiện hành vi phạm tội, nhiều trường hợp chống
đối, gây rối, tấn công lại lực lượng thi hành công vụ, huỷ hoại tài sản và đã
có cán bộ, chiến sĩ Công an hy sinh, bị thương trong khi làm nhiệm vụ. Để giữ
nghiêm kỷ cương, phép nước, đảm bảo an ninh, trật tự, lực lượng vũ trang có
phương án chủ động trấn áp những đối tượng chống đối, phá hoại, trong công cuộc
“chống giặc COVID-19” thì càng phải thực hiện nghiêm hơn. Súng không phải “đeo
là để bắn” mà còn để răn đe, phòng ngừa tội phạm, giữ vững an ninh, trật tự.
Thứ ba, một số
người xét nét, dè bỉu xung quanh việc truyền thông, quay phim chụp ảnh cán bộ,
chiến sĩ Công an, Quân đội chuyển đồ cứu trợ cho dân. Chúng ta đang sống ở cái
thời mà không gian mạng gắn chặt với hành động, tư duy, suy nghĩ của mỗi người.
Việc đưa lên internet, truyền hình, báo chí hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Công an,
Quân đội chuyển đồ, giao hàng, đi chợ giúp dân cũng là lẽ thường tình như bao
hình ảnh giúp dân mà các cơ quan, tổ chức, cá nhân lâu nay vẫn làm, đâu phải
“làm màu”!
Gần 2 năm qua,
hàng trăm nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ Công an, Quân đội đã căng mình chiến đấu
với COVID-19 từ biên giới, hải đảo đến tâm dịch, từ đô thị tới nông thôn, từ
khu cách ly đến bệnh viện, họ nhường cả chỗ ăn, chỗ ngủ cho dân. Thực tế, việc
chụp hình, quay phim ngoài giúp lan tỏa những việc làm tích cực, những đóa hoa
đời thường còn nhiều ý nghĩa khác và chính người dân cảm kích trước việc làm tận
tụy của CBCS Công an, Quân đội mà họ đã chụp, quay clip đưa lên.
Hình ảnh về các
CBCS lực lượng vũ trang giúp dân trong đại dịch, thực sự toát lên ý nghĩa nhân
văn sâu sắc. Mỗi người càng thấu cảm sự hy sinh, vất vả của những người khoác
màu xanh áo lính, những ngôi sao vàng trên áo mũ. Trong số những chàng trai, cô
gái trẻ khoác màu áo cảnh phục kia, có những người tuổi mới ngoài đôi mươi, xuất
thân từ nông thôn, giọng nói vẫn đặc sệt âm ngữ vùng miền, lối ăn, nết ở, cư xử
của họ mộc mạc. Trong những ngày đầu, nhiều người có thể chưa quen việc mua
hàng, đi chợ, không thuộc đường, không am tường văn hoá địa phương… thì cũng đừng
trách móc họ hay bịa ra câu chuyện “lính nói ngọng” để dè bỉu. Bởi các chiến sĩ
đã dám bỏ lại sau lưng những nỗi lo toan của bản thân và gia đình khi lao vào
tâm dịch, vào môi trường hiểm nguy và chính nơi đó, người dân đang cần những
người lính “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ”.
Phát biểu tại
buổi làm việc với Viện Khoa học hình sự Bộ Công an nhân kỷ niệm 76 năm Ngày
truyền thống của lực lượng CAND, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh
rằng: Cùng với các lực lượng tuyến đầu khác như cán bộ y tế, bộ đội, những cán
bộ ở cơ sở, tình nguyện viên…, các chiến sĩ CAND đã không quản ngại khó khăn,
gian khổ, hy sinh bản thân mình, xa gia đình, người thân; bằng cả tấm lòng nhân
ái, sự hy sinh thầm lặng, sự sẻ chia sâu sắc, tận tình phục vụ, chăm lo, hướng
dẫn, giữ gìn an ninh, trật tự cho nhân dân trong vùng dịch, canh chốt trong các
khu cách ly, bảo đảm an toàn chống dịch cho nhân dân…
Đã có hơn 1.400
đồng chí nhiễm bệnh (trong đó 6 đồng chí đã mất), 3 đồng chí hy sinh trong cuộc
chiến chống COVID-19, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ bị thương, hy sinh khi thực hiện
nhiệm vụ đấu tranh chống tội phạm. Đó là những minh chứng thể hiện bản chất tốt
đẹp, cao quý của người Công an cách mạng “thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân
vui chơi, lấy niềm vui, hạnh phúc của nhân dân làm niềm vui, lẽ sống của mình,
thực sự xứng đáng “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.