20/8/21

Nhận biết tin giả, thông tin xuyên tạc sự thật trên không gian mạng


Thời gian qua, cùng với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 thì diễn biến vi rút tin giả cũng nguy hiểm không kém không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới đều phải đối mặt với tin giả. Trong tiếng Anh, “fake news” thường được dùng để chỉ những thông tin bịa đặt, sai lệch, xuyên tạc sự thật. Trên thực tế, để xác định một tin tức là tin giả dựa trên những đặc điểm nhất định như nguồn tin, người tạo ra thông tin, nội dung tin tức, cách mà công chúng tiếp nhận tin tức và điều gì là động lực thúc đẩy công chúng chia sẻ những tin tức đó.

1. Đặc điểm nhận dạng tin giả, thông tin xuyên tạc sự thật.

Có thể nhận thấy có 3 nhân tố cơ bản trong việc hình thành và lan truyền tin giả, tin sai lệch, xuyên tạc sự thật.

Thứ nhất, thông qua thông điệp truyền đi. Tin giả thường được xây dựng dựa trên sự kiện nóng, là vấn đề quan tâm của toàn xã hội. Nhờ vậy, tin tức giả được lồng ghép những yếu tố hư hư thực thực, so sánh khiên cưỡng áp đặt khiến công chúng khó có thể phát hiện được thật giả, thậm chí càng đễ dàng chiếm được niềm tin đối với công chúng. Những thông điệp được truyền đi trong những tin tức giả luôn sử dụng những ngôn từ và nội dung gây sốc, gây hoang mang cho dư luận xã hội và lợi dụng phản ứng rất mạnh mẽ của công chúng về các vấn đề liên quan trực tiếp đến an sinh xã hội, đến sức khoẻ, tính mạng và quyền lợi của người dân. Ví dụ như tin giả thêu dệt nguyên nhân cái chết của quân nhân Trần Đức Đô là do “bị đánh”, tin giả “bác sĩ Khoa rút ống thở của mẹ để cứu mẹ con sản phụ” đều có những yếu tố “hư cấu”, “giật gân”. Gần đây, một số trang chống phá Việt Nam thêu dệt nên câu chuyện so sánh tình hình khủng hoảng chính trị ở Afganixtan với “Sài Gòn 1975”. Đây là sự so sánh áp đặt thô thiển với ý đồ nham hiểm giữa 2 sự kiện khác nhau hoàn toàn về bản chất hòng lan truyền nhận thức sai lệch về lịch sử kháng chiến cứu nước của Việt Nam và sự kiện lịch sử hào hùng 30/4 – dấu mốc giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất hoàn toàn đất nước của Đảng và Nhân dân Việt Nam.

Thứ hai, động cơ của các đối tượng sản xuất loại tin tức giả này có thể vì mục đích tài chính, chính trị hay hạ uy tín của cá nhân, tổ chức một cách có chủ đích. Thậm chí, có những trường hợp, các đối tượng tạo ra tin tức giả chỉ đơn giản để được nổi bật, thu hút sự chú ý, tăng tương tác trở thành một “hot Facebooker” hoặc một “hot Youtuber”… Dù với mục đích gì thì những hệ quả mà tin tức giả gây ra lại ảnh hưởng đến nhiều nhóm đối tượng khác nhau trong xã hội. Trong đó có những hệ quả nghiêm trọng, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng con người.

Thứ ba, việc phát tán tin giả có chủ đích phá hoại công cuộc phòng, chống Covid-19 chủ yếu vào việc kích động vùng miền, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; tung tin sai sự thật về hiệu quả của các loại vaccine COVID-19, xuyên tạc chính sách phân bổ, cung cấp vắc xin của Chính phủ, việc sử dụng Quỹ Vaccine phòng, chống COVID-19; diễn biến dịch bệnh tại điểm nóng như thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam; xuyên tạc về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ và các địa phương; bôi nhọ cấp ủy, chính quyền các cấp; kêu gọi tích tích trữ lương thực, thực phẩm, vật tư y tế, gây hoang mang trong các cộng đồng dân cư… Nhất là việc xuất hiện nhiều thông tin xấu độc cùng số lượng lớn các video clip “tự phát” được phát tán tràn lan đã gây hoang mang, tác động tiêu cực đến tâm trạng xã hội… 


2. Sự lan truyền tác hại của tin giả, thông tin xuyên tạc sự thật

Những đặc điểm và tính năng của truyền thông xã hội và mạng xã hội đã giúp cho các tổ chức, người sử dụng mạng xã hội (Facebook, Twitter, Youtube…) có thể tiếp cận thông tin một cách dễ dàng hơn.

Nhưng cũng chính những đặc điểm đó lại khiến tin tức giả ngày càng được phát tán một cách rộng rãi hơn. Chỉ cần một người dùng đăng tải một thông tin giả, ngay lập tức hàng trăm bạn bè có thể tương tác với thông tin đó bằng việc thích (like), chia sẻ (share), bình luận (comment), đánh dấu thẻ (tag) bất kỳ ai vào chủ đề đó và nâng lượng tiếp cận thông tin đó lên cấp số cộng, số nhân.

Chưa kể, nếu người dùng đó là một người nổi tiếng hay có sức ảnh hưởng nhất định tới công chúng thì sự phát tán ngày càng mạnh mẽ. Đây chính là khả năng lan toả thông tin nhanh chóng của truyền thông xã hội.

Có rất nhiều người sử dụng mạng xã hội để phát tán thông tin dưới dạng tin nhắn, hoặc đăng trong các hội/nhóm (kín, bí mật). Chính vì tính năng này mà một thông tin sai sự thật khi được đăng tải trên các hội nhóm sẽ có thể tiếp cận được số lượng người khổng lồ trong một vài phút khiến những thông tin giả được phát tán một cách nhanh chóng hơn.

Vì sự nguy hiểm của tin giả, thông tin sai sự thật và tác hại khôn lường của nó có thể khiến một người bị “làm nhục”, mất hình ảnh, danh tiếng, một doanh nghiệp lao đao đối mặt với phá sản, nó có thể gây tâm lý hoang mang ảnh hướng cản trở phòng, chống dịch bệnh Covid-19…

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm hơn, mạnh tay hơn đối với các đối tượng đăng tin giả, thông tin sai lệch, xuyên tạc sự thật để răn đe, ngăn ngừa nạn tin giả và tác hại xã hội của nó.

Nhưng trước khi cơ quan chức năng can thiệp thì “mình cứu mình trước”. Vì chính lợi ích của bản thân mình và tránh gây thêm tác hại xã hội, người dùng khi tiếp nhận thông tin trên Internet, mạng xã hội cần nâng cao ý thức cảnh giác, kiểm chứng nguồn tin, nhất là khi đó là tin “nóng”, gây “sốc”, khi nó có nguy cơ gây hại tới uy tín, danh dự, lợi ích của một cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thì việc cần thiết phải đặt câu hỏi thông tin đó từ đâu, do cơ quan nào hay cá nhân nào phát đi, do ai truyền đi, có đủ tin cậy không, có gì vô lý không, động cơ đưa tin đó là gì?…

Tuyệt đối cẩn trọng không like, share hay bất kỳ hình thức nào tiếp tay nối giáo cho fake news. Vì một môi trường mạng lành mạnh, chúng ta nói không với fake news !

 


0 nhận xét: