4/9/21

TS Lê Đăng Doanh khuyên người dân tỉnh táo trước tin sai sự thật của phản động!

 


Mới đây, trong loạt bài viết phê phán về việc “Tỉnh táo trước thông tin xuyên tạc về phòng, chống dịch Covid-19”, nội dung phản ánh tình trạng “Nhiều tổ chức, cá nhân cố tình xuyên tạc thông tin, vụ việc liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19 để đả phá chế độ, chia rẽ khối đại đoàn kết, gây mất niềm tin. Chuyên gia khuyến cáo, cần hết sức tỉnh táo trước luận điệu này”.

Đáng chú ý, sau khi đưa ra ví dụ điển hình cho hoạt động xuyên tạc việc xử lý giảng viên Đại học Duy Tân lợi dụng giảng dạy xuyên tạc công tác phòng chống dịch bệnh hay vạch trần thủ đoạn của các đài báo nước ngoài như BBC, RFA, VOA xuyên tạc việc công an, quân đội tham gia phòng chống dịch bệnh, thì báo Thanh Niên phỏng vấn Tiến sĩ Lê Đăng Doanh và ông này đưa ra lời khuyên với người dân như sau: “người dân cần hết sức tỉnh táo, đây là những thông tin sai sự thật do các đối tượng phản động bịa đặt ra. Chúng đưa luận điệu sai trái, xuyên tạc với mục đích công kích, chống phá, hạ thấp uy tín và vai trò quản lý của nhà nước, chính sách, biện pháp, cách thức phòng, chống dịch bệnh; gây hoang mang, dao động, suy giảm niềm tin của nhân dân đối với công tác phòng, chống dịch bệnh cấp bách hiện nay”

Với những ai không biết về vai trò, ảnh hưởng của Tiến sỹ Lê Đăng Doanh hẳn đều nghĩ rằng, đây là lời khuyến cáo có trách nhiệm của một trí thức, một học giả. Nhưng với những ai vốn theo dõi các đài BBC, VOA, RFA hay hoạt động của nhóm “Văn đoàn độc lập”, “Diễn đàn xã hội dân sự”, phản đối sửa đổi Hiến pháp 1992, nhóm bauxite Việt Nam… của nhóm trí thức bất mãn, cơ hội chính trị, chống chính quyền lâu năm thì hẳn sẽ không thể không hoài nghi ông Lê Đăng Doanh có đang nói thực tâm, nói chân thành hay là người “nói một đằng làm một nẻo”?

Ai cũng biết, ông Lê Đăng Doanh thường xuyên trả lời phỏng vấn đài báo nước ngoài, nhất là BBC, tuy nội dung ít cực đoan, mang tính phát biểu chính kiến, đóng vai trò phản biện ôn hòa, đoi khi ủng hộ trả tự do cho số chống đối… Nhưng vấn đề đặt ra, nếu ông biết rõ BBC cũng như VOA, RFA là cơ quan truyền thông do nước ngoài lập ra tuyên truyền chống Nhà nước Việt Nam, phục vụ lợi ích quốc gia của họ thì sao ông vẫn chọn họ làm “đối tác phản biện”, không ngại những nội dung trả lời phỏng vấn thường bị họ lợi dụng, bóp méo, khai thác phục vụ cho động cơ chính trị của họ? Trong khi đó, trên lĩnh vực kinh tế, ông Lê Đăng Doanh vẫn là một chuyên gia có uy tín, được báo chí, chính quyền trong nước trọng vọng, thường xuyên hỏi ý kiến, phỏng vấn, mời hội thảo… chứng tỏ ông không hề bị “bịt miệng” phải chọn những nơi đó để phát ngôn?

Thêm nữa, những trí thức mà ông Lê Đăng Doanh hay giao lưu, ký tên thư ngỏ chung như Nguyễn Quang A, Nguyễn Huệ Chi,… đều là những người bất mãn, chống phá Nhà nước cực đoan, gây bức xúc dư luận, bị truyền thông và các cơ quan chức năng cảnh báo, lên án thường xuyên. Chính họ đã và đang “chung tay” nuôi dưỡng, hậu thuẫn, cung cấp, chia sẻ, phụ họa, tung hứng những thông tin sai sự thật, xuyên tạc chống phá đất nước trên chính những trang web như “Tiếng dân”, “Bauxite VN”, “Văn đoàn độc lập”,…

Mong rằng, ông Lê Đăng Doanh – với uy tín và ảnh hưởng trong giới khoa học Việt Nam, được báo chí Nhà nước, được cơ quan chức năng trọng vọng, hãy “chọn bạn mà chơi”. Những người bạn của ông, những cơ quan truyền thông mà ông hợp tác, lại chính là nơi sản xuất tin sai sự thật, chống phá đất nước nhiều nhất thì hãy tránh xa, đừng để họ khiến ông bị “lấm lem” và đừng để dư luận hoài nghi những tiếng nói tích cực, xây dựng của ông.

 

0 nhận xét: