19/10/21

60 năm trước, vì sao phải mở Đường Hồ Chí Minh trên biển?

 


Với quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, Quân ủy Trung ương chỉ thị Bộ Tổng Tham mưu khẩn trương nghiên cứu phương án mới để mở tuyến vận tải biển chở hàng đến chiến trường Nam Bộ, Nam Trung Bộ.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại, Đường Hồ Chí Minh trên biển (1961 – 1975) là tuyến vận tải quân sự đặc biệt, tham gia thực hiện nhiệm vụ chi viện từ hậu phương miền Bắc cho chiến trường miền Nam, góp phần quan trọng vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp cách mạng. Quyết định mở Đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961) thực sự là một sáng tạo chiến lược của Đảng, thể hiện rõ bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam trước thử thách ngặt nghèo từ lịch sử.

Độc lập tự chủ về đường lối

Năm 1954, đế quốc Mỹ thay chân thực dân Pháp tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam nước ta, âm mưu biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, một căn cứ quân sự, tạo bàn đạp tiến công miền Bắc nhằm ngăn chặn làn sóng cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa tại khu vực Đông Nam Á. Mỹ dựng lên chính quyền, quân đội tay sai (Ngô Đình Diệm), ra sức đàn áp, khủng bố, đẩy cách mạng miền Nam vào tình thế rất hiểm nghèo. Chỉ trong vòng 4 năm (1954 – 1958), cả miền Nam tổn thất 9/10 tổng số cán bộ, đảng viên. Hàng chục vạn cán bộ, nhân dân bị địch bắt giữ, tù đày, hầu hết các địa phương (kể cả những huyện đồng bằng) không còn tổ chức cơ sở đảng…

Bối cảnh quốc tế lúc này cũng rất phức tạp. Các nước phương Tây do Mỹ đứng đầu đang phát động “chiến tranh lạnh”, ra sức chạy đua vũ trang chống Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, làm cho tình hình thế giới căng thẳng, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát chiến tranh. Một số đảng cộng sản trong các nước xã hội chủ nghĩa muốn giữ nguyên hiện trạng chia cắt hai miền Nam – Bắc Việt Nam, không tán thành Đảng ta chuyển hướng đấu tranh theo con đường bạo lực cách mạng ở miền Nam.

Đầu năm 1959, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) khóa II họp bàn, trên cơ sở phân tích, nhận định đúng đắn về tình hình quốc tế, trong nước, đã xác định: “con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân (…), dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ chính quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân” (trích Nghị quyết – Văn kiện Đảng). Trước yêu cầu cấp bách, Trung ương Đảng đề ra chủ trương nhanh chóng chi viện sức người, sức của từ miền Bắc cho miền Nam; giao Bộ Quốc phòng, phối hợp cùng Ủy ban Thống nhất Trung ương tổ chức thực hiện.

Chấp hành chủ trương lãnh đạo do Đảng đề ra, tháng 5 năm 1959, Tổng Quân ủy (năm 1961 đổi thành Quân ủy Trung ương), Bộ Quốc phòng quyết định mở tuyến vận tải chi viện chiến lược trên bộ vượt dãy Trường Sơn (Đoàn 559); và đến tháng 7 năm 1959, quyết định mở tuyến vận tải chi viện chiến lược bằng đường biển (thành lập Tiểu đoàn vận tải thủy 603, hoạt động dưới hình thức tên gọi “Tập đoàn đánh cá sông Gianh”).

Thời gian đầu, do hạn chế về phương tiện (tàu thuyền), nguồn nhân lực, bến bãi, thông tin liên lạc… nên việc xây dựng tuyến chi viện bằng đường biển gặp rất nhiều khó khăn. Theo quyết định thành lập, Tiểu đoàn 603 biên chế có 2 đại đội với 4 thuyền buồm trọng tải từ 15 – 20 tấn. Ngày 27/01/1960, Tiểu đoàn 603 tổ chức một chuyến thuyền chở 5 tấn vũ khí, thuốc men xuất phát từ cửa sông Gianh (tỉnh Quảng Bình) chuyển cho chiến trường Khu 5. Trên đường đi do gặp gió mùa, sóng lớn, thuyền bị trôi dạt không đến được đích, phải hủy bỏ hàng. Cán bộ, chiến sĩ trên thuyền bị địch phát hiện, bắt giữ. Sau khi phân tích, nhận định phương án vận chuyển bằng thuyền buồm không hiệu quả, Bộ Quốc phòng chỉ thị cho Tiểu đoàn 603 tạm ngừng hoạt động, chờ phương án mới.

Cùng thời gian này, được nghị quyết Trung ương Đảng soi sáng, phong trào đấu tranh của nhân dân miền Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ, bùng nổ thành cao trào “Đồng khởi” (khởi nghĩa từng phần), phá vỡ từng mảng lớn bộ máy cai trị của địch ở nông thôn, giành quyền làm chủ; trực tiếp chuyển cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công. Trong bối cảnh đó, Đảng Lao động Việt Nam tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III (từ ngày 5 đến 12/9/1960), chính thức thông qua đường lối kháng chiến: tiến hành đồng thời cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam; cùng hướng đến mục tiêu chung là đánh Mỹ cùng các thế lực tay sai, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, tạo điều kiện đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đại hội tiếp tục khẳng định vai trò to lớn, quyết định của miền Bắc đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng cả nước, từ đó đề ra công tác cần kíp trước mắt là tích cực chi viện miền Nam

Sáng tạo về chỉ đạo chiến lược

Bước vào những năm đầu thập niên 60, cách mạng giải phóng dân tộc trên thế giới phát triển mạnh mẽ, lan rộng từ Âu sang Á, từ Mỹ sang Phi, đe dọa sự sụp đổ hệ thống thuộc địa của nghĩa đế quốc. Tại Việt Nam, phong trào Đồng khởi (1959 – 1960) của nhân dân ta ở miền Nam đã giáng đòn nặng nề, làm lung lay tận gốc chính quyền địch.

Để đối phó, đầu năm 1961, John F. Kennedy lên làm Tổng thống Mỹ, đề ra chiến lược toàn cầu “phản ứng linh hoạt” và ngay lập tức thực hiện thí điểm ở miền Nam Việt Nam, đề ra chiến lược “chiến tranh đặc biệt” (1961 – 1965). Đây là hình thái chiến tranh xâm lược kiểu mới được tiến hành bằng quân đội tay sai, dưới sự chỉ huy của các “cố vấn” quân sự Mỹ, dựa vào vũ khí, phương tiện chiến tranh Mỹ. Quân đội Sài Gòn được trang bị hiện đại, sử dụng nhiều hình thức chiến thuật mới như “trực thăng vận”, “thiết xa vận”,… mở liên tiếp những cuộc hành quân càn quét dài ngày, dồn dân vào hệ thống “ấp chiến lược” (thực chất là các trại tập trung trá hình). Cũng từ năm 1961, Mỹ – chính quyền Sài Gòn bắt đầu sử dụng chất độc hóa học (có những chất đặc biệt nguy hại) rải vào các vùng chúng không kiểm soát được nhằm hủy diệt sự sống trên mặt đất, phá hủy môi trường, tiêu diệt lực lượng kháng chiến.

Trước hành động leo thang chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, Trung ương Đảng quyết định thành lập Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (15/2/1961), phát triển phong trào “Đồng khởi” thành chiến tranh cách mạng. Việc đẩy mạnh chi viện từ hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam, nhất là các loại vũ khí để xây dựng “quả đấm chủ lực” ngày càng trở nên bức thiết. Với quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, Quân ủy Trung ương chỉ thị Bộ Tổng Tham mưu khẩn trương nghiên cứu phương án mới để mở tuyến vận tải biển chở hàng đến chiến trường Nam Bộ, Nam Trung Bộ (là những nơi vận chuyển đường bộ chưa vươn tới). Đồng thời, Bộ Chính trị ra chỉ thị yêu cầu Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo các tỉnh ven biển tích cực chủ động chuẩn bị bến bãi, khẩn trương tổ chức đưa thuyền vượt biển ra miền Bắc vừa thăm dò nắm tình hình địch, nghiên cứu tuyến vận chuyển trên biển, vừa nhận vũ khí chở về cung cấp kịp thời cho phong trào đấu tranh cách mạng ở miền Nam.

Thực hiện sự chỉ đạo chiến lược của Trung ương, từ giữa năm 1961 đến giữa năm 1962, đã có tổng cộng 5 thuyền gỗ từ một số tỉnh miền Nam (Bến Tre, Cà Mau, Trà Vinh, Bà Rịa) vượt biển ra Bắc thành công. Trên cơ sở đó, ngày 23/10/1961, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 97/QP thành lập Đoàn 759 có nhiệm vụ “mua sắm phương tiện, điều hành vận chuyển các loại hàng tiếp tế cho chiến trường miền Nam bằng đường biển”. Quân số ban đầu của Đoàn 759 gồm có 38 cán bộ, chiến sĩ, phần lớn mới từ miền Nam vượt biển ra Bắc. Trung tá Đoàn Hồng Phước, nguyên Tham mưu trưởng Sư đoàn 330 được bổ nhiệm làm Đoàn trưởng. Đây là mốc son lịch sử quan trọng, đánh dấu Đường Hồ Chí Minh trên biển chính thức ra đời.

Ngay sau khi thành lập, Đoàn 759 (sau là Đoàn 125, Lữ đoàn 125 Hải quân) tích cực chuẩn bị mọi mặt, sẵn sàng thực hiện vận chuyển. Cuối năm 1961, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng họp bàn thông qua đề án công tác của Đoàn 759, ra chỉ thị “cho phép nếu gặp khó khăn, Đoàn đưa được 50% số hàng đến chiến trường cũng đạt yêu cầu hoàn thành nhiệm vụ”. Đêm 11/10/1962, Đoàn 759 thực hiện chuyến tàu chi viện đầu tiên chở 30 tấn vũ khí, xuất phát từ bến Đồ Sơn (Hải Phòng) hướng vào Nam; đến ngày 16/10/1962, tàu cập bến Vàm Lũng (Cà Mau) an toàn, tạo tiền đề cho các chuyến đi tiếp theo. Sự kiện này làm nức lòng quân và dân chiến trường Tây Nam Bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng đã gửi điện biểu dương thành tích Đoàn 759, chỉ thị cho cán bộ, chiến sĩ Đoàn 759 tiếp tục rút kinh nghiệm, tổ chức chuyển nhanh, chuyển nhiều vũ khí hơn nữa phục vụ chiến trường miền Nam đánh giặc, để Nam – Bắc sớm sum họp một nhà!

Như vậy, Đường Hồ Chí Minh ra đời dựa trên đường lối kháng chiến độc lập tự chủ và sự chỉ đạo chiến lược hết sức sáng tạo của Đảng ta, đáp ứng đúng yêu cầu thực tiễn cấp bách của cách mạng miền Nam. Suốt 14 năm hoạt động (1961 – 1975), Đường Hồ Chí Minh trên biển đã vận chuyển hơn 100.000 tấn hàng quân sự (chủ yếu là vũ khí), cùng hàng chục ngàn lượt người đến các chiến trường, trở thành một kỳ tích của dân tộc Việt Nam thế kỷ XX./.

 

0 nhận xét: