19/10/21

Không được có tâm lý thỏa mãn, chủ quan với dịch bệnh

 


Mặc dù cuộc sống đã quay trở lại trạng thái “bình thường mới” nhưng người dân không nên “bình thường mới” , bởi các ca lây nhiễm trong cộng đồng vẫn tiềm ẩn và có thể bùng phát bất cứ khi nào.

Sau 4 đợt giãn cách xã hội với các giải pháp phòng, chống dịch quyết liệt, đến nay, thành phố Hà Nội đã cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19. Cuộc sống của người dân Hà Nội đã quay trở về trạng thái bình thường mới. Nhiều hoạt động, dịch vụ kinh doanh được phép mở cửa trở lại.

Theo quan sát của PV, phần lớn người dân, cơ sở kinh doanh đều có ý thức trong việc phòng, chống dịch. Các nhà hàng, quán ăn, dịch vụ giải khát, cơ bản đã thực hiện tốt yêu cầu phòng, chống dịch bệnh của Bộ Y tế như: đảm bảo giãn cách, khai báo y tế, quét mã QR, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm… Thực hiện tốt điều này bởi họ là những người thấm thía nhất về việc, nếu không cẩn trọng, dịch bệnh sẽ tiếp tục bùng phát, sẽ phải ngừng kinh doanh, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của họ nói riêng và cộng đồng nói chung.


Anh Nguyễn Tuấn Tú, chủ một nhà hàng cơm Việt ở Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, khi thành phố nới lỏng giãn cách, hàng quán được hoạt động bình thường trở lại, anh rất vui. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho nhà hàng và thực khách, nhà hàng của anh tuyệt đối tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch của thành phố, luôn thực hiện tốt 5K. Theo anh Tú, đây là điều “sống còn” của người làm kinh doanh. Bởi nếu thả lỏng, bất cẩn trong mọi hoạt động, nếu chỉ 1 khách hàng nhiễm bệnh thôi là sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi cửa hàng của anh và những người xung quanh.

Có cùng suy nghĩ như anh Tú, chị Đào Thu Hường, chủ một quán phở trên phố Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, sau gần 3 tháng phải đóng cửa hàng quán để phòng, chống dịch Covid-19, nay được hoạt động trở lại, chị rất phấn khởi. Một trong những tiêu chí hàng đầu của quán ăn nhà chị đó là phải đảm bảo tốt quy trình phòng, chống dịch bệnh. Bất cứ ai đến quán ăn đều được yêu cầu rửa tay sát khuẩn, quét mã QR, ngồi giãn cách và hàng quán bố trí vách ngăn.

“Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến vẫn phức tạp như hiện nay, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch không chỉ bảo vệ sức khỏe cho bản thân mình mà còn bảo vệ sức khỏe cho toàn xã hội”, chị Hường nói.

Tuy nhiên, bên cạnh xu hướng tích cực ấy, tâm lý chủ quan, lơ là, coi thường dịch bệnh cũng bắt đầu thể hiện rõ trong cộng đồng. Sau gần 1 tháng thành phố Hà Nội cho phép nới lỏng các hoạt động, lượng người và phương tiện trên các đường phố đông đúc, tấp nập hơn rất nhiều. Tình trạng ùn tắc xảy ra thường xuyên trên các con phố.  

Hiện, mỗi ngày, các lực lượng chức năng vẫn xử phạt hàng chục trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch như: không đeo khẩu trang nơi công cộng. Tại các trung tâm thương mại, siêu thị, người dân chen chúc nhau đi chơi, đi mua sắm, bất chấp nguy cơ dịch bệnh và phớt lờ cảnh báo từ lực lượng chức năng và các phương tiện truyền thông; Một số hàng quán chưa tuân thủ đầy đủ các quy định phòng dịch của Bộ Y tế như: không yêu cầu khách khai báo y tế hay quét mã QR khi đến ăn… Đây là điều rất đáng lo ngại, nhất là trong bối cảnh nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng nhưng không rõ nguồn lây vẫn xuất hiện trong những ngày gần đây.

Các chuyên gia y tế cho hay, việc quay lại cuộc sống bình thường trong trạng thái mới, vừa chống dịch, vừa lao động sản xuất là vô cùng cần thiết. Tuy vậy, để bảo vệ được các thành quả trong phòng, chống dịch thì phải quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng dịch. Bởi thực tế, dịch vẫn còn ở trong cộng đồng, có thể sẽ bùng phát trở lại. Nếu chỉ cần một vài cá nhân thả lỏng, lơ là, thiếu ý thức rất có thể sẽ dẫn đến những hệ quả khôn lường.

Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh – chuyên gia kinh tế, 2 thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM và một số địa phương đã được ưu tiên tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, nhiều người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bản thân đã được bảo vệ tuyệt đối, không bị lây nhiễm và không chịu tác động của dịch bệnh. Vì thế, việc chủ quan, không thực hiện 5K trong quá trình quay trở lại hoạt động bình thường mới sẽ là một trong những tác nhân có thể gây lây lan và bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng. Điều này không kém phần nguy hiểm, có thể đe dọa đến những kết quả chống dịch trong một thời gian dài của cả thành phố.

 “Mỗi người dân phải tự bảo vệ sức khỏe của mình, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Chỉ khi ý thức tự giác của người dân được nâng cao; thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch thì mới hy vọng chúng ta sẽ nhanh chóng vượt qua đại dịch Covid-19  và có thể sống chung với dịch bệnh một cách tốt nhất, để từ đó vừa sản xuất kinh doanh, vừa phòng, chống dịch bệnh”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Trước thực tế vẫn còn tình trạng người dân chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch, PGS.TS Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cảnh báo, bất cứ hoạt động buôn bán, đi lại nào, nếu không chấp hành nghiêm chỉnh các quy định phòng, chống dịch Covid-19, đều có thể dẫn đến nguy cơ lây nhiễm và bùng phát dịch bệnh tại cộng đồng. Vì chúng ta không thể biết ai bị bệnh hay không bị bệnh, ai đang mang mầm bệnh Covid-19.

Theo ông Phu, mặc dù Hà Nội đã kiểm soát được dịch bệnh, các ca nhiễm cộng đồng đã có xu hướng giảm, tuy vậy, nguy cơ bùng phát dịch vẫn rất cao và khó lường. Thời gian giãn cách xã hội vừa qua cũng chưa thể khẳng định được rằng, các ca lây nhiễm cộng đồng không còn nữa.

Ông Phu cho rằng, ý thức của người dân phải rất cao, nếu không tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng dịch thì chỉ 1 ca bệnh cũng có thể bùng phát thành các ổ dịch lớn nếu không phát hiện sớm, khoanh vùng, dập dịch kịp thời.

“Cuộc sống quay trở về trạng thái bình thường mới nhưng nguy cơ nhiễm dịch vẫn rất cao, do đó người dân phải tự giác và nâng cao ý thức trong mọi hoạt động. Bởi có những ca mắc Covid-19 không có triệu chứng, cho nên nên phải thực hiện tốt biện pháp 5K như đeo khẩu trang, khử khuẩn, không tụ tập, giữ khoảng cách, khai báo y tế. Đặc biệt, khi có ho, sốt thì phải đi xét nghiệm ngay để đảm bảo việc phát hiện kịp thời, không để lây nhiễm ra cộng đồng. Những người đi từ vùng dịch về phải thực hiện nghiêm yêu cầu của bộ Y tế, cần cách ly và theo dõi sức khỏe tại nhà trong vòng 7 ngày”, ông Trần Đắc Phu cho hay.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, Thủ đô Hà Nội đạt tiêu chí cấp độ một (nguy cơ thấp – bình thường mới) về nguy cơ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tuy nhiên, các chuyên gia dịch tễ nhận định, nguy cơ dịch tại Thủ đô vẫn rất cao. Đặc biệt, hàng ngày vẫn có một số lượng lớn người về từ các tỉnh thành có dịch, trong bối cảnh thành phố đã mở cửa trở lại.

Trên thực tế, những ngày vừa qua, số F0 được phát hiện tại Hà Nội là người về từ vùng có dịch có xu hướng gia tăng. Ngày 16/10, Hà Nội ghi nhận 10 trường hợp F0 trở về từ TPHCM, Đồng Nai, Tây Ninh; ngày 17/10, Hà Nội tiếp tục phát hiện 5 người trở về từ TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương dương tính với SARS-CoV-2.

Các chuyên gia y tế cho rằng, việc nới lỏng các hoạt động cũng cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ để phòng ngừa dịch bệnh. Nếu nới lỏng không đi kèm kiểm soát sẽ khiến cho thành quả gần hai tháng chống dịch có nguy cơ trở về con số 0. Do vậy, dù nhịp sống đã trở về trạng thái “bình thường mới”, mỗi người dân không được chủ quan, lơ là. Hơn lúc nào hết, tinh thần trách nhiệm, sự tự giác của mỗi người dân phải được đặt lên hàng đầu, bởi dịch bệnh vẫn tiềm ẩn trong cộng đồng và có thể bùng phát trở lại bất cứ khi nào./.

 

0 nhận xét: