Lợi dụng quy
định của pháp luật cho phép thành lập “tổ chức đại diện người lao động” tại
doanh nghiệp không thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN), thời gian
qua, các thế lực thù địch, phản động và phần tử xấu ráo riết tuyên truyền, lôi
kéo công nhân, người lao động nhằm tập hợp, hình thành lực lượng chính trị đối
lập dưới vỏ bọc các tổ chức “công đoàn độc lập” ở Việt Nam.
Ngày 20/11/2019, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi), có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021, trong đó quy định cho phép thành lập “tổ chức đại diện người lao động” tại doanh nghiệp ngoài công đoàn, trên cơ sở phù hợp với các quy định quốc tế về lao động và tuân thủ các hiệp định thương mại tự do mới mà Việt Nam đã tham gia. Khoản 2, Điều 170 Bộ luật Lao động năm 2019 (sửa đổi) quy định: “Người lao động trong doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật”. Đây là một vấn đề mới, chưa từng có tiền lệ trong pháp luật lao động Việt Nam.
Lợi dụng quy
định này, các thế lực thù địch, phản động và phần tử xấu đang ra sức tuyên truyền,
lôi kéo, kích động công nhân, người lao động trong các doanh nghiệp thành lập
“tổ chức đại diện người lao động” nhằm biến tướng thành các tổ chức “công đoàn
độc lập” tại Việt Nam; từng bước tập hợp lực lượng, xây dựng ngọn cờ, kích động
biểu tình, đình công, đòi tự do, dân chủ… Âm mưu của chúng là nhằm hình thành lực
lượng chính trị đối lập trong nội địa, tiến tới thực hiện “cách mạng màu”,
“cách mạng đường phố” lật đổ Đảng Cộng sản, xóa bỏ chế độ chính trị tại Việt
Nam.
Để thực hiện
âm mưu trên, nhiều cá nhân, tổ chức nước ngoài đang tìm cách tác động, can thiệp,
gây sức ép với Việt Nam trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các nghị định hướng
dẫn thi hành Bộ luật Lao động, nhất là Nghị định quy định về quy trình, thủ tục
thành lập các tổ chức đại diện người lao động, hòng tạo tiền đề cho việc hình
thành những đảng phái chính trị đối lập trong nước. Chúng công khai lộ trình gồm
4 giai đoạn: (1) Yêu cầu Việt Nam sớm ban hành Nghị định quy định về tổ chức đại
diện người lao động; (2) từng bước tác động để người lao động thay đổi nhận thức
và đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình thông qua tổ chức đại diện người lao động;
(3) hình thành tổ chức “Công đoàn độc lập” để tạo ra sự cạnh tranh với Công
đoàn Việt Nam; (4) khi đa nguyên công đoàn thì Việt Nam sẽ đa nguyên về chính
trị. Mục tiêu trước mắt được chúng đặt ra là đến năm 2025 sẽ xuất hiện mô hình
“Liên hiệp các tổ chức người lao động” tại Việt Nam để cạnh tranh trực tiếp với
TLĐLĐVN, xóa bỏ vai trò “độc tôn” của TLĐLĐVN.
Một số tổ chức
“xã hội dân sự” nước ngoài đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền thành lập tổ chức độc
lập với TLĐLĐVN tại các doanh nghiệp. Họ tìm cách gây sức ép, buộc các doanh
nghiệp phải thực hiện một số chế độ, chính sách, quyền lợi ngoài quy định của
doanh nghiệp và Bộ luật Lao động; yêu cầu cung cấp thông tin về người lao động,
bảng lương; lấy lý do điều tra xã hội học phục vụ công tác nghiên cứu để tìm hiểu
đời sống công nhân tại doanh nghiệp, chế độ, giờ giấc làm việc, việc đối xử của
doanh nghiệp với công nhân…; lồng ghép điều khoản yêu cầu phía doanh nghiệp Việt
Nam phải cam kết đồng ý thành lập ban tư vấn cải tiến doanh nghiệp (PICC) từ
8-16 người (một dạng tổ chức “công đoàn độc lập”). Các tổ chức khủng bố, phản động
ráo riết đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền lôi kéo công nhân, người lao động
thành lập các hội, nhóm, tổ chức bất hợp pháp trên lĩnh vực lao động, công đoàn
tại các địa phương nhằm đón bắt thời cơ thành lập “Công đoàn độc lập” tại Việt
Nam. Điển hình như tổ chức khủng bố Việt Tân công khai mưu đồ thành lập các
“nghiệp đoàn độc lập” ở trong nước với 3 giai đoạn. Giai đoạn 1: Củng cố hoạt động
“nhóm bạn công nhân” (được thành lập từ tháng 12/2019 trên không gian mạng với
mục tiêu phát hiện, lôi kéo, kết nối số công nhân, người lao động có quan điểm
chống đối đấu tranh đòi quyền lợi, làm lực lượng nòng cốt cho các “nghiệp đoàn
độc lập”). Giai đoạn 2: âm mưu thành lập tổ chức phi chính phủ để thúc đẩy ra đời
“nghiệp đoàn độc lập”. Giai đoạn 3: Công khai hóa tổ chức “nghiệp đoàn độc lập”.
Tổ chức Lao động Việt (do Trần Ngọc Thành, Việt kiều Ba Lan làm chủ tịch) vận động
tổ chức Công đoàn quốc tế công nhận là thành viên chính thức để công khai là tổ
chức “công đoàn độc lập” tại Việt Nam; đồng thời kêu gọi, kích động các đối tượng
ở trong nước móc nối, phát triển lực lượng trong công nhân để hình thành các hội,
nhóm, “nghiệp đoàn độc lập” trong công nhân nhằm tiến hành hoạt động đình công,
lãn công, biểu tình, gây rối an ninh, trật tự.
Trong khi đó,
một số đối tượng phản động, phần tử xấu ở trong nước, nhất là số đối tượng cực
đoan trong tôn giáo đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, thúc đẩy hình thành các tổ
chức công đoàn, nghiệp đoàn trong tôn giáo theo kiểu “Công đoàn đoàn kết Ba
Lan” tại Việt Nam, thành lập các “công đoàn độc lập” trong các cơ sở của tôn
giáo (trường học, bệnh viện, công ty, xí nghiệp…); liên kết với đại diện Tổ chức
Lao động quốc tế hỗ trợ thành lập các tổ chức “công đoàn độc lập” nhằm bảo vệ
quyền lợi công nhân theo đạo làm việc tại các nhà máy, khu công nghiệp…
Những hoạt động
trên đã làm gia tăng nguy cơ xuất hiện các tổ chức “công đoàn độc lập”, “nghiệp
đoàn độc lập” biến tướng ở Việt Nam. Đồng thời, cũng làm xuất hiện nguy cơ “đa
nguyên công đoàn”, gây chia rẽ, phân hóa giai cấp công nhân, đe dọa trực tiếp đến
vai trò lãnh đạo của Đảng.
Thực tiễn lịch
sử ở nhiều quốc gia đã cho chúng ta thấy nhiều bài học đắt giá về việc buông lỏng
quản lý đối với các phong trào công nhân, đặc biệt khi nó được dẫn dắt bởi các
tổ chức công đoàn độc lập với nhà nước. Phong trào công nhân tại Ba Lan được dẫn
dắt bởi “Công đoàn đoàn kết Ba Lan” (tổ chức liên hiệp của các công đoàn độc lập
trong xã hội Ba Lan) những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ XX đã dẫn đến sự mất
vai trò lãnh đạo của Đảng Công nhân thống nhất Ba Lan và sự sụp đổ của chế độ
XHCN ở Ba Lan vào năm 1989. Tại Pháp, phong trào “áo vàng” bắt nguồn từ phong
trào đình công, biểu tình của công nhân phản đối chính sách về thuế, nhất là
chính sách về thuế nhiên liệu của Chính phủ Pháp kéo dài từ tháng 11/2018 đến
tháng 9/2020 đã dẫn đến những hậu quả rất nặng nề khi các cuộc biểu tình, bạo
loạn bùng phát trên diện rộng, sau đó lan sang các quốc gia lân cận như Hà Lan,
Bỉ. Tại Campuchia, tổ chức công đoàn tự do đã lôi kéo, kích động hàng chục ngàn
công nhân đình công, biểu tình phản đối chính sách của chính phủ, kêu gọi Thủ
tướng Hun Sen từ chức…
Có thể thấy rằng,
ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, công đoàn là tổ chức rất phổ
biến, ở đâu có tồn tại quan hệ lao động thì ở đó có công đoàn, không phân biệt
thể chế chính trị, trình độ phát triển. Dù tên gọi, cách thức tổ chức và hoạt động
của công đoàn ở mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ không hoàn toàn giống nhau, nhưng đều
có điểm chung là đại diện cho quyền lợi của người lao động. Quan điểm của Đảng,
Nhà nước Việt Nam là bảo đảm quá trình hình thành và hoạt động của hệ thống các
tổ chức đại diện người lao động lành mạnh, song hành cùng hệ thống Công đoàn Việt
Nam, cùng thực hiện đồng bộ, thống nhất chức năng, nhiệm vụ đảm bảo quyền và lợi
ích hợp pháp của công nhân, người lao động. Tính đến trước thời điểm làn sóng dịch
COVID-19 lần thứ tư bùng phát, Việt Nam có khoảng 14 triệu lao động đang làm việc
tại các loại hình doanh nghiệp, trong đó có hơn 10,5 triệu đoàn viên công đoàn,
trong đó hiện vẫn còn hàng triệu công nhân, người lao động chưa quan tâm hoặc
chưa tìm được tổ chức đại diện cho mình.
Thời gian
qua, bên cạnh những kết quả tích cực, hệ thống Công đoàn Việt Nam vẫn chưa thực
hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích của công nhân, người
lao động dẫn đến nhiều nơi tỉ lệ công nhân, người lao động tham gia công đoàn
chưa cao. Đây sẽ là điều kiện mà các thế lực thù địch, phản động và phần tử xấu
lợi dụng nhằm lôi kéo, kích động công nhân, người lao động thành lập các “tổ chức
đại diện người lao động”, âm mưu tập hợp lực lượng, thúc đẩy sớm ra đời tổ chức
“công đoàn độc lập”, “nghiệp đoàn độc lập” tại Việt Nam nhằm tạo dựng lực lượng
chính trị đối lập, tiến tới thực hiện mưu đồ thay đổi chế độ chính trị tại Việt
Nam. Bởi vậy, hơn lúc nào hết chúng ta cần tỉnh táo, cảnh giác để nhận diện và
đấu tranh với thủ đoạn nguy hiểm này. Cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho
công nhân, người lao động nắm rõ mục đích, ý nghĩa việc tham gia Công đoàn, đồng
thời nhận diện âm mưu của kẻ xấu lợi dụng việc kêu gọi thành lập các tổ chức
công đoàn độc lập, giúp công nhân tẩy chay, loại trừ.
0 nhận xét: