Việc phát hiện
sớm, ngăn chặn kịp thời những biểu hiện suy thoái cũng giống như chúng ta ngăn
chặn không để những đốm lửa nhỏ bùng phát thành những biển lửa lớn. Khi đó, việc
dập lửa sẽ dễ dàng và hiệu quả, ít tốn kém hơn…
Xây dựng, chỉnh
đốn Đảng tiếp tục trở thành nội dung quan trọng được thảo luận tại Hội nghị
Trung ương 4, khóa XIII đang diễn ra tại Hà Nội. Phát biểu tại phiên khai mạc hội
nghị ngày 4/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: xây dựng, chỉnh đốn
Đảng luôn là nhiệm vụ then chốt, đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với
Đảng ta, chế độ ta. Không phải ngẫu nhiên mà Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính
trị, Ban Bí thư thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này.
Chỉ tính riêng 10 năm gần đây, Trung ương đã bàn và ban hành nhiều nghị quyết,
quyết định quan trọng và tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện một cách ráo riết,
quyết liệt, có hiệu quả.
Cũng theo người
lãnh đạo cao nhất của Đảng, cùng với ngăn chặn, đẩy lùi thì phải tích cực
phòng ngừa và chủ động, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh sự suy thoái về
tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Trả lời phỏng vấn
phóng viên VOV nhân Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tín
thuộc Tổng cục Chính trị, Quân đội Nhân dân Việt Nam nhận định: Trong xử lý cán
bộ suy thoái, tham nhũng, tiêu cực, quan trọng nhất là phát hiện từ sớm, từ đầu,
không để những “đốm lửa” nhỏ tạo nên những “đám cháy” lớn.
87.000
cán bộ, đảng viên bị xử lý trong nhiệm kỳ khóa XII
PV: Thưa
ông, việc xử lý cán bộ đảng viên suy thoái dẫn tới tham nhũng, tiêu cực thời
gian qua đã có những thành quả được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao.
Nhưng kết quả đó đã đủ để chúng ta an lòng chưa, thưa ông?
Thiếu tướng
Nguyễn Văn Tín: Chúng ta chưa thể yên tâm được bởi như Đảng ta đã chỉ rõ,
tham nhũng, tiêu cực là một trong 4 nguy cơ đe dọa tới sự tồn vong của Đảng, của
dân tộc. Tác động ảnh hưởng của tham nhũng, tiêu cực là rất lớn, rất xấu, trong
khi đó những năm qua mặc dù chúng ta đã đạt được những kết quả bước đầu rất
quan trọng, tạo ra sự chuyển biến rõ rệt trong công tác xây dựng Đảng, được
toàn Đảng, toàn dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao; song kết quả về xử lý
chưa phản ánh đúng thực trạng tình hình, nhất là ở địa phương, cơ sở. Trong nhiệm
kỳ khóa XII, Đảng đã phải xử lý tới hơn 87.000 cán bộ, đảng viên. Ở một số
lĩnh vực, địa bàn, tình hình còn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, có biểu hiện
ngày càng tinh vi, nhất là biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà, hành
là chính… tạo ra sự bức xúc lớn cho nhân dân. Chưa kể những biểu hiện mới xuất
hiện như tham nhũng chính sách, tác động hướng lái, chuyển hóa các quan điểm,
tư tưởng trong xây dựng pháp luật..
Chúng ta chưa
thể yên tâm được còn là bởi chúng ta đã có nhiều biện pháp quyết liệt, có cả những
biện pháp được coi như “”luồng gió mới” như kê khai tài sản, lấy phiếu tín nhiệm,
chất vấn và trả lời chất vấn… song kết quả vẫn chưa được như mong muốn. Chưa
yên tâm không phải để tự ti, bi quan mà là để chúng ta phải quyết liệt hơn, để
tìm thêm giải pháp, thêm những đột phá mới. Chính vì vậy, ở Hội nghị Trung
ương 4 khóa XIII đang diễn ra, chắc chắn Đảng ta sẽ có những chủ trương mới, biện
pháp mới đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực.
PV: Nghị
quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII của Đảng có chỉ ra 27 biểu hiện suy thoái
về tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Ông có thể nêu
dẫn chứng bằng những trường hợp cụ thể để dư luận dễ hình dung không?
Thiếu tướng
Nguyễn Văn Tín: 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự
diễn biến”, “tự chuyển hóa”, mà Hội nghị Trung ương 4 khóa XII chỉ ra đã phác họa
rất rõ “hình hài” của biểu hiện suy thoái, tiêu cực.
Suy thoái là sự
yếu kém, hư hỏng, làm mất dần đi cái tốt, cái tiến bộ; làm tăng dần lên cái xấu,
cái lạc hậu, làm chậm lại quá trình phát triển dẫn đến sự thoái hóa, biến chất
của con người. Suy thoái về chính trị, tư tưởng được hiểu là sự biến đổi về phẩm
chất chính trị của mỗi người theo chiều hướng xấu, từ chỗ nể nang, ngại va chạm,
ngại khó, ngại khổ, lười học tập chính trị dẫn đến việc xa rời những nguyên tắc,
tôn chỉ, mục đích của Đảng, giảm sút niềm tin, phai nhạt lý tưởng cách mạng,
không muốn đi lên CNXH, cổ súy cho chủ nghĩa tư bản, ngại sinh hoạt Đảng, thậm
chí còn làm đơn xin ra khỏi Đảng…. Sự suy thoái này diễn ra thầm lặng, từ từ
trong một quá trình dài, với những mức độ khác nhau song nó được bộc lộ ra qua
thái độ, lời nói, cử chỉ, hành vi…
Suy thoái về đạo
đức lối sống là sự xuống cấp về đạo đức và sự thay đổi về lối sống theo hướng
tiêu cực, nó phá vỡ những chuẩn mực đạo đức, các giá trị truyền thống tốt đẹp của
dân tộc. Những biểu hiện cụ thể ai cũng có thể thấy rất rõ đó là chủ nghĩa cá
nhân, ích kỷ, thực dụng, gây mất đoàn kết nội bộ, bè phái, cục bộ, háo danh, chạy
khen thưởng hay những biểu hiện quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ
sở, vô cảm, thiếu trách nhiệm với nhân dân; rồi những biểu hiện như lãng phí,
thất thoát tài sản, đầu tư công tràn lan, thao túng công tác cán bộ, chạy chức
chạy quyền, chạy tội; biểu hiện rượu chè, cờ bạc, tệ nạn xã hội…
Những cá nhân
suy thoái về đạo đức, lối sống đã bị xử lý như Nguyễn Xuân Anh, Trịnh Xuân
Thanh, Phan Văn Anh Vũ, Đinh Ngọc Hệ, vụ án xảy ra tại PVC, PVN, hay vụ
Mobifone mua cổ phần của AVG, vụ án tại Tổng Công ty nông nghiệp Sài Gòn….
Những biểu hiện
về “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cũng đã được Nghị quyết Trung ương 4 khóa
XII xác định rất rõ với 9 biểu hiện như phủ nhận Chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng
Hồ Chí Minh; phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ, đòi đa nguyên chính
trị, đa đảng đối lập, rồi phủ nhận nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, ủng hộ
phát triển xã hội dân sự; những biểu hiện như nói và viết trái với đường lối,
quan điểm của Đảng, hạ thấp thành quả cách mạng, xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ
lãnh đạo, kích động tư tưởng bất mãn, bất đồng chính kiến, sử dụng không gian mạng
để tuyên truyền chống phá, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng
vũ trang, đòi phi chính trị hóa quân đội, công an, đòi dân sự hóa quân đội… Những
biểu hiện móc nối, câu kết với các tổ chức phản động như Việt Tân, Triều Đại Việt,
Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời.., cổ súy cho tư tưởng dân tộc cực đoan;
sáng tác, quảng bá những sản phẩm độc hại, bóp méo lịch sử, cổ súy cho những biểu
hiện lai căng, những hành vi phi văn hóa.
Suy thoái
không chừa ai, dù đang công tác hay đã nghỉ hưu
PV: Biểu
hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” thường tập trung ở những đối tượng nào, thưa
ông?
Thiếu tướng
Nguyễn Văn Tín: Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn
biến”, “tự chuyển hóa” không chừa một ai nếu như họ không chịu học tập, tu dưỡng,
rèn luyện, không chịu sự quản lý của cơ quan, tổ chức.
Đối với những
người đang công tác, có chức có quyền nếu suy thoái thì tác hại sẽ rất lớn. Những
người này mà có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chắc chắn sẽ là “mảnh
đất màu mỡ” để các thế lực thù địch, phản động khai thác và vồ vập lôi kéo bởi
chúng cho rằng hiệu quả của việc chống phá ở nhóm này sẽ cao hơn.
PV: Đã
nhận diện được những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống
của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhưng vì sao chúng ta vẫn chưa ngăn chặn được?
Thiếu tướng
Nguyễn Văn Tín: Bác Hồ của chúng ta coi suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối
sống là “giặc nội xâm”. Trong nghệ thuật quân sự xác định “biết địch biết ta
thì trăm trận trăm thắng”, có nghĩa là muốn thắng được địch, phải hiểu được địch
và hiểu được ta. “Giặc” này ta đã nhận diện được nghĩa là ta đã hiểu, đã biết về
chúng, thế nhưng chưa đánh thắng được. Báo cáo Chính trị tại Đại hội XIII khẳng
định, vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí,
ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn
biến”, “tự chuyển hóa”. Chúng ta chưa ngăn chặn được bởi do nhiều nguyên nhân,
cả khách quan và chủ quan. Tuy nhiên, tôi cho rằng, mấu chốt vấn đề nằm ở một số
vấn đề cốt lõi, cụ thể như sau:
Thứ nhất, chúng
ta đã nhận diện được nhưng nhận diện chưa đầy đủ, chưa thực chất, chưa sâu sắc.
Việc nhận diện cơ bản mới chỉ được thể hiện trên giấy tờ, văn bản, trên hội nghị,
nó chưa thấm sâu trong mỗi cán bộ, đảng viên. Trong quán triệt Nghị quyết của Đảng,
nhiều cán bộ đảng viên chỉ thấy được sai phạm là của người khác, sai phạm ấy nó
đã “trừ mình ra”, không có mình trong đó, mình không phải chịu trách nhiệm gì bởi
đó là trách nhiệm của người khác. Nghĩa là sự nhận diện đã có nhưng còn phiến
diện. Một khi nhận thức đã hời hợt, phiến diện thì không thể có biện pháp khắc
phục hữu hiệu, càng không thể có “tự phê bình” nghiêm túc và “trả lời chất vấn”
chân thành.
Thứ hai, theo
đúng chỉ đạo của Đảng sau bước quán triệt, các tổ chức đảng thực hiện xây dựng
chương trình hành động, các cá nhân cán bộ, đảng viên xây dựng đăng ký kế hoạch
phấn đấu. Tuy nhiên, những việc đó một số nơi hiện nay đang bộc lộ khá rõ bệnh
hình thức. Báo cáo Chính trị Đại hội XIII cho rằng nhận thức về thực trạng suy
thoái hiện đang còn thiếu thống nhất nên việc triển khai còn lúng túng, thiếu
kiên quyết. Chính do nhận thức suy thoái chưa có ở đơn vị mình hoặc nếu có cũng
chỉ ở một mức độ nào đó vì vậy các biện pháp, giải pháp không quyết liệt, không
đúng, không trúng bệnh, thậm chí có nơi biện pháp để ra chỉ phục vụ cho việc kiểm
tra của cấp trên; các vấn đề “nhạy cảm” thường được né tránh, được ngụy tạo,
che chắn để hợp thức hóa, hình thành nên những căn bệnh mới, được Nghị quyết Đại
hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã chỉ rõ như “nhóm lợi ích”, “tư duy nhiệm
kỳ”, “tham nhũng chính sách”
Thứ ba, nhận diện
được nhưng không ngăn chặn được còn do yếu tố người đứng đầu các cấp chưa nêu
gương mẫu mực, nói không đi đôi với làm, nói một đằng làm một nẻo.
Thứ tư, một số
tổ chức đảng còn bao che, đấu tranh phê bình còn dĩ hòa vi quý. Điều này lý giải
tại sao tổ chức đảng (nhất là chi bộ) là nơi trực tiếp quản lý đảng viên song tỷ
lệ cán bộ đảng viên suy thoái được phát hiện từ các tổ chức đảng hiện rất thấp.
Thứ năm, nhận
diện được song chưa ngăn chặn được còn có trách nhiệm của các cơ quan chức năng
có thẩm quyền. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu tại hội nghị các cơ
quan nội chính ngày 15/9 vừa rồi, đó là các cơ quan còn tư tưởng bàn lùi, làm
việc cầm chừng, phòng thủ, che chắn, giữ an toàn cho một bộ phận cán bộ đảng
viên.
Phát hiện,
ngăn chặn từ sớm, từ đầu những cán bộ suy thoái
PV: Chúng
ta đã nhận diện được các biểu hiện suy thoái nhưng vẫn chưa ngăn chặn được phải
chăng do chúng ta chưa phát hiện được từ sớm, từ đầu? Làm sao để có thể thực hiện
được điều này?
Thiếu tướng
Nguyễn Văn Tín: Quan điểm ngăn chặn từ sớm, từ đầu là hết sức đúng đắn và cần
thiết, trong lúc này nó còn là vấn đề cấp bách bởi ngăn chặn từ sớm, từ đầu trước
hết nó thể hiện được sự chủ động, tích cực, quyết liệt của các tổ chức đảng và
các cơ quan công quyền, khẳng định được năng lực lãnh đạo, năng lực quản lý của
tổ chức đảng và chính quyền các cấp, Ngăn chặn được từ sớm, từ đầu chắc chắn sẽ
tăng được tính hiệu quả, giảm thiểu các tác động xấu bởi phát hiện sớm, ngăn chặn
kịp thời sẽ không cho nó lây lan, không để những đốm lửa nhỏ bùng phát thành những
biển lửa lớn. Việc dập đám lửa nhỏ chắc chắn sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn, ít tốn
kém hơn, khả năng chiến thắng sẽ cao hơn. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều
lần yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng phải “ngăn chặn từ gốc, phải phát hiện sớm,
phải xử lý từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành vi phạm lớn”.
Để có thể phát
hiện, ngăn chặn được từ sớm, từ đầu những biểu hiện suy thoái, theo tôi vẫn phải
là thực hiện tổng hợp các biện pháp, trong đó cần lưu ý 6 nội dung:
Thứ nhất, phải
làm tốt việc nghiên cứu, dự báo tình hình, xây dựng được các cơ chế, quy chế,
tiêu chí, quy định phù hợp và khả thi để việc phát hiện từ sớm, từ đầu được thực
thi một cách chuẩn chỉ, minh bạch, thống nhất; không để cho các vụ việc không bị
trượt dài thêm.
Thứ hai, vẫn phải
coi trọng công tác giáo dục cán bộ, đảng viên. Đây là nội dung cốt lõi, nền tảng.
Trong giáo dục phải chú ý cả giáo dục chính trị, giáo dục đạo đức lối sống và
nhất là giáo dục pháp luật.
Thứ ba, phải
xây dựng được môi trường thực sự dân chủ trong đấu tranh phê bình, phát huy quyền
làm chủ của nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cán bộ,
đảng viên là con em nhân dân, chủ yếu sinh hoạt trong các khu dân cư vì thế
nhân dân là người hiểu rõ nhất, biết được tường tận nhất các hoạt động của cán
bộ, đảng viên. Nếu xây dựng được môi trường dân chủ, có cơ chế chính sách để
phát động được nhân dân đóng góp, phê bình, tố giác và đặc biệt là cơ chế chính
sách bảo vệ người đấu tranh, tố giác, chắc chắn sẽ nhận được sự giúp đỡ, ủng hộ
của nhân dân và một khi người dân đã vào cuộc thì việc phát hiện từ sớm, từ đầu
sẽ rất thuận lợi.
Thứ tư, phải
phát huy được vai trò của tổ chức đảng cơ sở, đặc biệt là chi bộ, tế bào cơ sở
của Đảng, nơi trực tiếp quản lý, giáo dục và rèn luyện cán bộ, đảng viên.
Thứ năm, phát huy
vai trò của người đứng đầu, họ là những “giọt nước đầu nguồn”, một khi đã nêu
gương sáng, mẫu mực thì việc phát hiện từ sớm từ đầu những biểu hiện suy thoái
chắc chắn sẽ khả thi.
Thứ sáu, phát
huy vai trò các cơ quan chức năng, cơ quan nội chính các cấp.
Tại Hội nghị
Trung ương 4 khóa XIII lần này, Đảng ta sẽ dành nhiều thời gian bàn sâu, bàn kỹ
về vấn đề đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Dưới sự lãnh đạo đúng đắn
và sáng suốt của Đảng, sự đồng thuận của xã hội, chúng ta có một niềm tin tưởng
sâu sắc rằng công cuộc đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối
sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa’’nhất định sẽ có sự chuyển biến rõ nét.
0 nhận xét: