7/11/21

Cái kết tất yếu của những kẻ nhân danh “Báo sạch”

Cuối tháng 10 vừa qua, Toà án nhân dân huyện Thới Lai, TP Cần Thơ mở phiên tòa xét xử bị cáo Trương Châu Hữu Danh, SN 1982, ngụ tỉnh Long An cùng các đồng phạm: Lê Thế Thắng, SN 1982, ngụ TP Hà Nội; Đoàn Kiên Giang, SN 1985, ngụ TP Hồ Chí Minh; Nguyễn Phước Trung Bảo, SN 1982 và Nguyễn Thanh Nhã, SN 1980, cùng ngụ TP Hồ Chí Minh về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo điều 331 Bộ luật Hình sự. Kết thúc phiên tòa vào chiều 28/10, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt các bị cáo là thành viên nhóm “Báo Sạch” tổng cộng 14 năm 6 tháng tù giam, gồm: bị cáo Danh 4 năm 6 tháng tù; Thắng và Giang cùng 3 năm tù; Bảo và Nhã cùng 2 năm tù… Ngoài ra, tòa còn tuyên phạt bổ sung cấm các bị cáo hoạt động trong lĩnh vực báo chí với thời hạn 3 năm.

Các bị cáo đã thừa nhận

Một phiên toà hình sự xét xử công khai với chứng lý rõ ràng, tranh tụng dân chủ, các bị cáo đã thừa nhận và hối lỗi về hành vi phạm tội của mình nhưng những kẻ cơ hội và các “nhà quan sát” từ hải ngoại vẫn tiếp tục gây sức ép, “bẻ lái” dư luận, cố tình bôi nhọ sự thật nhằm thúc đẩy các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Thực tế, những hành vi vi phạm pháp luật của nhóm “Báo sạch” đã được xác định một cách rõ ràng, cụ thể và được chính các bị cáo thừa nhận. Cụ thể, có ít nhất 5 vụ việc cho thấy các thông tin được viết, đăng, phát tán trên các tài khoản “Làm Báo sạch” hay “Báo sạch” tuy thể hiện hoặc mang danh nghĩa đấu tranh chống tiêu cực nhưng thực chất lại mang ý tiêu cực khi sử dụng thông tin một chiều, sai sự thật, thiếu sự kiểm chứng. Tuy các thông tin được viết, đăng, phát tán trên các tài khoản “Làm Báo sạch” hay “Báo sạch”, về bề nổi, đều thể hiện hoặc mang danh nghĩa đấu tranh chống tiêu cực, nhưng thực chất, lại mang ý tiêu cực khi sử dụng thông tin một chiều, sai sự thật, thiếu sự kiểm chứng.

Tháng 8/2019, các đối tượng thành lập fanpage “Báo sạch” với mục đích là sân chơi cho các phóng viên báo chí viết bài vì tại thời điểm này nhận thấy xã hội có rất nhiều thông tin xấu, độc, sai sự thật nên các đối tượng thành lập nhóm nhằm viết bài đính chính các thông tin sai trên không gian mạng. Tuy nhiên sau đó, nhằm chạy theo lợi ích kinh tế, thu hút sự chú ý của độc giả, các đối tượng đã viết các bài viết với danh nghĩa phản biện xã hội, nhưng lại chỉ sử dụng các thông tin một chiều, thiếu sự kiểm chứng, đánh vào tâm lý người đọc đối với các tin bài nêu các tiêu cực của chính quyền, dẫn đến nhiều bài viết có nội dung sai sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhiều cá nhân, tổ chức trong cả nước. Ví dụ, bài “Cái kết bi thảm nhất tại Đồng Tâm” do Nguyễn Thanh Nhã viết nêu thông tin sai sự thật cho rằng Nhà nước lấy đất ở xã Đồng Tâm mà người dân không đồng ý là sự tranh chấp chứ không phải là đất quốc phòng, khiến người dân hiểu sai bản chất của vụ án. Thực tế, vụ việc tại Đồng Tâm, Thanh tra Chính phủ và nhiều cơ quan đã vào cuộc, ban hành kết luận trước khi tổ chức cưỡng chế, nhưng đối tượng Nguyễn Thanh Nhã vẫn cố ý viết bài với thông tin hoàn toàn sai sự thật.

Những bài viết phản ánh sai sự thật

Tháng 3/2020, Trương Châu Hữu Danh đến ấp Thới Thuận B, thị trấn Thới Lai, Cần Thơ gặp Nguyễn Hoàng Trung Kiên (sinh năm 1990, trú tại ấp Thới Thuận B) và một số người dân ở ấp Thới Thuận B bị ảnh hưởng bởi dự án khu đô thị mới Thới Lai do Công ty Cổ phần tư vấn thiết kế xây dựng Cadif Cần Thơ làm chủ đầu tư. Tại đây, Danh đã thu thập một số thông tin, tài liệu liên quan dự án khu đô thị mới như đơn khiếu kiện, quyết định giải quyết đơn khiếu nại của UBND huyện Thới Lai, quyết định cưỡng chế thu hồi đất, quyết định về chủ trương đầu tư khu đô thị mới và quyết định điều chỉnh đầu tư của UBND TP Cần Thơ. Mặc dù chính quyền TP Cần Thơ đã công khai thông tin về việc điều chỉnh địa điểm thực hiện dự án (được hoàn thành từ năm 2018) trong cuộc họp báo vào tháng 7/2020, Danh vẫn cho rằng huyện Thới Lai thu hồi đất sai vị trí và xuyên tạc rằng UBND TP Cần Thơ bao che nên ban hành lại văn bản điều chỉnh để phục vụ lợi ích nhóm. Cùng thời điểm này, Nguyễn Hoàng Trung Kiên bị tòa án nhân dân xét xử sơ thẩm và phúc thẩm tuyên 9 tháng tù do có hành vi hủy hoại tài sản của Công ty Cadif. Gần đến ngày chấp hành án, Kiên làm đơn xin hoãn nhưng không được chấp thuận nên đã uống thuốc xịt muỗi tự sát. Từ việc này, Danh viết bài xuyên tạc chính quyền ép lấy đất rồi đẩy Kiên vào tù. Sau đó, Danh viết bài và livestream với nội dung đả kích chủ trương, chính sách phát triển kinh tế của địa phương, bôi nhọ, xúc phạm một số đồng chí lãnh đạo địa phương. Quá trình điều tra, Danh thừa nhận việc viết bài có nội dung phản ánh sai sự thật, dù có nghiệp vụ báo chí nhưng Danh chỉ sử dụng thông tin một chiều để viết, không có sự kiểm chứng, xác thực thông tin, đưa ra nhận định chủ quan, suy diễn mà không có bằng chứng.

Đối với các bài viết liên quan đến cá nhân ông Bùi Văn Cường – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Bí thư tỉnh ủy Đắk Lắk, Danh đã thừa nhận sử dụng nội dung không đúng sự thật, không kiểm chứng thông tin dẫn đến nhận định chủ quan, xâm hại đến lợi ích của nhiều cơ quan, tổ chức trong cả nước (gồm Thanh tra chính phủ, Tổng liên đoàn lao động, Tập đoàn điện lực, Tỉnh ủy Đắk Lắk, Tòa án nhân dân tối cao…).

Chưa hết, Nguyễn Phước Trung Bảo đã đăng bài viết “Hằn lên những khắc khổ” có nội dung thể hiện sự ủng hộ đối với những kẻ chủ mưu, cầm đầu trong vụ án tại xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, khiến cho người đọc hiểu sai lệch bản chất của vụ án. Một số đoạn trong bài viết cụ thể: “điểm mờ trong cáo trạng, thấy sự bất phục của các bản án”, “nơi chôn cất ông Lê Đình Kình cũng là nơi họ chôn cất hy vọng công lý như cái cách cụ Kình mang theo niềm tin vào chế độ xuống tuyền đài”…

Còn với bài viết “Bluezone có thể là một vụ trục lợi trên lợi ích của người dân thời dịch bệnh..”, đối tượng Lê Thế Thắng đã cho đăng tải trên fanpage đúng vào thời điểm Nhà nước đang khuyến khích người dân cài đặt ứng dụng này để phục vụ cho việc khai báo y tế, truy vết phòng chống dịch bệnh. Không những kích động dân chúng, đối tượng Lê Thế Thắng còn cho rằng đơn vị phát triển ứng dụng đang lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi, khiến người dùng bị đánh cắp dữ liệu, thông tin cá nhân… Bài viết đã xâm hại đến quyền lợi hợp pháp của Công ty cổ phần BKAV và chủ trương của Nhà nước trong phòng chống dịch bệnh.

Tin, bài viết có nội dung xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, nhân phẩm của cá nhân

Phải khẳng định, các thành viên nhóm “Báo sạch” bị bắt và xét xử không phải vì lý do hoạt động báo chí điều tra chống tham nhũng, tiêu cực của xã hội. Ngược lại, các đối tượng đã lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để viết, đăng tải lên fanpage nhiều bài viết có nội dung không đúng sự thật, thông tin một chiều, thiếu sự kiểm chứng, xác thực thông tin, suy diễn sự việc theo ý chí chủ quan mà không có bằng chứng, từ đó tạo tâm lý hoang mang, tiêu cực, nghi ngờ trong quần chúng nhân dân về vai trò quản lý nhà nước tại các địa phương, gây mất lòng tin của nhân dân đối với chính quyền. Nhóm “Báo sạch” đã tạo trang fanpage “Báo Sạch”, group “Làm báo sạch” và kênh YouTube “BS Channel” để viết, đăng tải nhiều tin, bài viết có nội dung xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, nhân phẩm và lợi ích hợp pháp của một số cá nhân ở các Bộ, ngành Trung ương và nhiều địa phương trên cả nước.

Trong đó Bảo, Danh giữ vai trò quản trị viên. Nhã, Giang và Thắng giữ vai trò biên tập viên. Cả 5 thành viên đều có sự thống nhất khi đăng các bài viết. Hành vi của các đối tượng phạm vào tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự. Việc làm của các bị cáo nhằm thu hút sự chú ý của người đọc, đưa ra nhận định chủ quan, suy luận cá nhân thiếu căn cứ nhằm hướng dư luận theo ý thức chủ quan, làm cho người đọc hiểu nhầm, hiểu sai sự thật, tạo điều kiện cho các phần tử cơ hội lợi dụng tham gia bình luận tiêu cực, kích động một số người có nhận thức lệch lạc tham gia chống phá đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Vi phạm những nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp của người làm báo

Một điểm đáng chú ý là các bị cáo trong vụ án đều là người có trình độ học vấn, từng công tác hoặc đang là phóng viên của nhiều tờ báo trong nước nhưng lại vi phạm những nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, lợi dụng tài khoản cá nhân trên các trang mạng xã hội để đăng tải thông tin như một tờ báo điện tử mà không chịu sự quản lý, kiểm chứng thông tin của một cơ quan báo chí với tư cách pháp nhân hoạt động theo Luật Báo chí. Quá trình điều tra, các bị can đều thừa nhận việc sử dụng các thông tin chưa được kiểm chứng, không đúng sự thật, thông tin một chiều như đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh qua mạng xã hội, cung cấp thông tin của các cá nhân… để viết bài, đánh vào tâm lý, thị hiếu của người đọc đối với các vấn đề tiêu cực của xã hội.

Về nội dung, các thông tin tổng hợp, được các chủ tài khoản “Làm Báo sạch” hay “Báo sạch” viết, đăng, phát tán trên trang thông tin điện tử đều vi phạm các hành vi bị cấm trong hoạt động viễn thông, quy định tại khoản 1, 4, 6 Điều 12 Luật Viễn thông ban hành ngày 23/11/2009; vi phạm điểm a, b, c, d, e khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng; vi phạm điểm a, b, d khoản 1 Điều 5 và không chấp hành đúng quyền, nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội như quy định tại khoản 1, 3 Điều 26 Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ.

Nhà nước Việt Nam không hạn chế quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận đấu tranh chống các vấn nạn tiêu cực của xã hội, thậm chí tạo điều kiện, khuyến khích việc các cơ quan báo chí đăng tải các bài viết đấu tranh chống tham nhũng, phát hiện các tiêu cực trong hệ thống các cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, cũng như nhiều quyền tự do dân chủ khác, việc thực hiện quyền tự do báo chí cần tuân thủ các quy định của pháp luật với nguyên tắc tôn trọng sự thật, khách quan, đưa tin trung thực được kiểm chứng từ nhiều nguồn khác nhau và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các thông tin đăng tải. Thực tế, rất nhiều các vụ việc tiêu cực, vụ án tham nhũng lớn tại các cấp từ Trung ương đến địa phương được phát hiện, đưa ra trước công chúng và pháp luật có sự góp sức to lớn và đi đầu của lực lượng báo chí. Đây có thể coi là minh chứng rõ ràng nhất đối với chủ trương của Nhà nước Việt Nam trong việc thúc đẩy hoạt động tự do báo chí trong đấu tranh phòng chống tham nhũng và tiêu cực trong các cơ quan công quyền.

Huyền Chi

– Ngày 17/12/2020, Cơ quan An ninh điều tra công an Thành phố Cần Thơ đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Trương Châu Hữu Danh về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 – BLHS.
– Căn cứ kết quả điều tra, ngày 16/4/2021, Cơ quan an ninh điều tra công an Tp. Cần Thơ đã ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Nguyễn Phước Trung Bảo, Nguyễn Thanh Nhã, Đoàn Kiên Giang; ngày 28/6/2021 ra quyết định khởi tố bị can và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Lê Thế Thắng về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 – BLHS.
– Ngày 26/10/2021, Toà án nhân dân huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ mở phiên toà xét xử sơ thẩm Trương Châu Hữu Danh (SN 1982, ngụ Long An) và các thành viên nhóm “báo sạch”. Chiều 28/10/2021, Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Trương Châu Hữu Danh 4 năm 6 tháng tù; Nguyễn Phước Trung Bảo 2 năm tù; Đoàn Kiên Giang 3 năm tù; Nguyễn Thanh Nhã 2 năm tù và Lê Thế Thắng 3 năm tù; cùng tội danh “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Tổng cộng 5 bị cáo nhận mức án hơn 14 năm tù. Ngoài ra, tòa còn tuyên phạt bổ sung cấm các bị cáo hoạt động trong lĩnh vực báo chí thời hạn 3 năm.

 

0 nhận xét: