7/11/21

Không ai có quyền áp đặt việc lựa chọn thể chế chính trị của một quốc gia, dân tộc

 


Quyền dân tộc tự quyết là quyền tự quyết của Nhân dân về thể chế chính trị và con đường phát triển của đất nước mình. Đó cũng là một giá trị cốt lõi của quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Hiểu rất sâu về điều đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh, lần đầu tiên trong lịch sử, thông qua Tuyên ngôn Độc lập ngày 02/9/1945, đã gắn quyền dân tộc – quốc gia tự quyết với quyền con người bằng việc kế thừa, phát triển tư tưởng quyền “tự nhiên” của mỗi cá nhân thành quyền đương nhiên của mọi dân tộc – quốc gia; nói cách khác, Hồ Chí Minh đã mở rộng quyền con người để phát triển rộng ra là quyền dân tộc tự quyết. Trong Hiến pháp 2013 của Việt Nam thể hiện rõ thể chế chính trị Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ là thể chế do dân lựa chọn, vì dân phục vụ.

Trên thế giới, Hiến chương Liên Hợp quốc khẳng định “Phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc trên cơ sở tôn trọng quyền bình đẳng và tự quyết của các dân tộc” (Điều 55). Trong mối quan hệ giữa các dân tộc, quốc gia, các dân tộc đa số và thiểu số đều bình đẳng để cùng hợp thành một dân tộc – quốc gia độc lập, có chủ quyền, bình đẳng với nhau. Đương nhiên, chỉ những dân tộc – quốc gia mới có quyền tự quyết định vận mệnh của mình và quyền tự quyết đó thuộc về Nhân dân. Quan điểm này phù hợp với Hiến chương và các văn bản của Liên Hợp quốc cũng như thực tiễn tại các quốc gia trên thế giới.

Điều đáng bàn là trong pháp luật quốc tế, phải đến năm 1966, Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa mới gắn quyền dân tộc tự quyết với quyền con người. Hai công ước này ở Khoản 1 Điều 1, đều nêu rõ: “1. Tất cả các dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hoá”.

Trong khi luật quốc tế hiện đại đã xác định bảo vệ, bảo đảm quyền con người và quyền dân tộc tự quyết thì đó đây vẫn còn một số tổ chức, nhóm lực lượng ở phương Tây lại đưa ra quan niệm tuyệt đối hoá quyền của mỗi cá nhân, nhất là các quyền dân sự và chính trị. Từ đó họ đưa ra lập luận “quyền con người cao hơn chủ quyền quốc gia”, “quyền con người không có biên giới”, để phủ nhận quyền của các dân tộc có quyền tự quyết định vận mệnh của mình, nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Không ai có thể phủ nhận một thực tế là quyền con người là giá trị phổ quát, có tính toàn cầu, song cũng cần phải khẳng định quyền con người là một giá trị lịch sử, gắn với điều kiện và hoàn cảnh lịch sử cụ thể của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia.

Quá trình bảo đảm quyền dân tộc tự quyết và quyền con người luôn phải xuất phát từ thể chế quyền công dân hay thể chế chính trị – xã hội của quyền công dân của mỗi dân tộc, quốc gia. Các dân tộc, quốc gia đều bình đẳng về chủ quyền, công việc nội bộ của mỗi dân tộc, quốc gia là do quốc gia tự quyết định, không thể có chuyện dân tộc quốc gia nào đó coi thể chế quyền công dân của mình là khuôn mẫu quyền con người “có tính phổ quát” toàn nhân loại để áp đặt cho các dân tộc, quốc gia khác.

Việt Nam có quá trình lịch sử kháng chiến và xây dựng phát triển với nhiều giai đoạn đặc điểm khác nhau. Trong thời kỳ đổi mới (từ năm 1986 đến nay), việc giải quyết mối quan hệ giữa quyền dân tộc tự quyết và quyền con người là nhằm bảo đảm quyền con người, cả quyền cá nhân và quyền tập thể, phù hợp với pháp luật quốc gia và quốc tế, trước hết là pháp luật quốc tế về quyền con người, trong điều kiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Hiện nay, Việt Nam thực hiện quyền dân tộc tự quyết và quyền con người tương thích với trình độ phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam là đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phù hợp với thể chế Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trong đó, tiếp tục tích cực hoàn thiện hệ thống pháp luật, nội luật hóa các điều ước quốc tế mà mình là thành viên, xác định rõ trách nhiệm pháp lý của các cơ quan nhà nước và các tổ chức kinh tế, xã hội trong việc bảo vệ, bảo đảm quyền con người và quyền dân tộc tự quyết; đồng thời xử lý nghiêm mọi hành vi xâm phạm quyền lợi hợp pháp của công dân và xâm hại quyền lợi hợp pháp của quốc gia, dân tộc.

Việc bảo vệ, thực hiện quyền dân tộc tự quyết và quyền con người ở Việt Nam luôn phải song hành với việc chủ động, tích cực đối thoại, đấu tranh phòng, chống những quan điểm, hành động của tổ chức, cá nhân trong việc xuyên tạc, kích động chống phá chế độ chính trị – xã hội vốn là hàm nghĩa cốt lõi của quyền dân tộc tự quyết.

Không ai có thể và không ai có quyền áp đặt việc lựa chọn thể chế chính trị của một quốc gia, dân tộc…/.

Trần Công Nghệ

 

0 nhận xét: