– Nhà báo
Phan Đăng: Thưa ông Lý Xương Căn, ông sinh ra ở Hàn Quốc,
lớn lên ở Hàn Quốc, trưởng thành ở Hàn Quốc. Vậy khoảnh khắc nào, ông chợt có ý
thức là ở trong mình có một phần Việt Nam?
– Ông Lý
Xương Căn: Có một cột mốc rất quan trọng với chúng tôi, đó là năm
1953, khi Hiệp định đình chiến giữa hai miền Triều Tiên được ký kết. Sau thời
điểm này, anh trai của bố tôi di chuyển từ miền Bắc vào miền Nam sinh sống và
bác thường kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện lịch sử của dòng họ Lý tại
Hàn Quốc. Bác tôi tìm hiểu về lịch sử dòng họ rất kỹ lưỡng và tâm huyết. Bác
cũng chính là người đã chăm sóc phần mộ của Hoàng thúc Lý Long Tường.
Khi nghe bác
kể chuyện về dòng tộc, biết mình là hậu duệ của một vị vua ở Việt Nam thì dù
còn nhỏ nhưng tôi cũng thấy rất đặc biệt. Đến năm 1967, khi một tờ báo Hàn Quốc
đưa tin về việc hậu duệ của Vua Lý Thái Tổ và của Hoàng thúc Lý Long Tường đang
sống tại Hàn Quốc thì chúng tôi hiểu đây là một câu chuyện lớn. Và, từ lúc đó,
trong tôi bắt đầu nhen nhóm ý định trở về. Thật ra, người bác mà tôi vừa kể
luôn rất muốn được đến Việt Nam thăm quê cha đất tổ nhưng lúc đó Việt Nam đang
chiến tranh, quê của Vua Lý Thái Tổ lại ở tỉnh Bắc Ninh thuộc miền Bắc Việt
Nam, mà Hàn Quốc lúc đó chỉ có quan hệ với miền Nam Việt Nam nên một người Hàn
Quốc như bác tôi không thể về được. Tuy nhiên, bác tôi luôn theo dõi sát sao mọi
sự kiện, xem báo hằng ngày để biết thông tin về chiến tranh ở Việt Nam. Mãi đến
năm 1975, khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, bác tôi hiểu là cơ hội trở về có
thể đã mở ra với mình. Nhưng, thật buồn là đúng năm đó bác mất nên ý định của
bác không bao giờ thành hiện thực.
– Lịch sử
luôn có những câu chuyện và những cơ duyên của nó. Thật ra thì nếu còn sống,
năm 1975, bác ông cũng chưa thể về Việt Nam ngay được, vì phải 17 năm sau, Việt
Nam – Hàn Quốc mới thiết lập quan hệ ngoại giao.
– Đúng rồi!
Năm 1992, Việt Nam – Hàn Quốc mới thiết lập quan hệ. Tôi nhớ mãi ngày đó, chính
xác là ngày 22/12/1992. Nhưng, trước đó, từ năm 1991, báo chí Hàn Quốc đã đưa
tin hai nước đang chuẩn bị thiết lập quan hệ ngoại giao rồi. Vì vậy, từ 1991 đến
1992, tôi đã có ý định bỏ hết sự nghiệp ở Hàn Quốc để chuẩn bị về Việt Nam.
– Lúc đó
ông đang làm nghề gì?
– Tôi là kỹ
sư. Từ khi ý nguyện của bác tôi bị bỏ ngỏ trong gần 20 năm, tôi chính là người
đã lưu giữ gia phả và những tài liệu mà bác thu thập được về dòng tộc. Khi thấy
có cơ hội về Việt Nam, tôi liền tìm gặp đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Hàn Quốc
là ông Nguyễn Phú Bình. Thật may là ngài đại sứ nói được tiếng Hàn nên tôi đã
nói chuyện được rất nhiều. Tôi mang tất cả gia phả, ghi chép và tài liệu của
gia đình đến cho đại sứ xem. Đại sứ rất ngạc nhiên vì tôi lưu giữ được nhiều
tài liệu trong nhiều năm như vậy. Đại sứ là người có kiến thức rất sâu về lịch
sử. Cho nên, sau khi nghe câu chuyện của tôi, đại sứ rất xúc động và điều mà
tôi nhớ mãi đến giờ là khi ấy chúng tôi đã ôm chầm lấy nhau.
– Ở Hàn Quốc,
khi ông nói với bạn bè rằng mình là hậu duệ của Hoàng thúc Lý Long Tường, phản ứng
của những người bạn ông như thế nào?
– (Cười…).
Người Hàn Quốc rất coi trọng gốc rễ. Họ thường rất tự hào khi kể cho nhau nghe
mình là con của ai, cháu của ai… Chính từ văn hóa đó mà tôi thường tự hào khi kể
với bạn bè rằng mình mang dòng máu của vua Việt Nam, là hậu duệ của Hoàng thúc
Lý Long Tường. Tôi xin nhấn mạnh, ở Hàn Quốc, nếu không biết, không thể nói được
tổ tiên mình là ai thì người ta sẽ cảm thấy rất xấu hổ. Có câu chuyện vui vui của
trẻ con, đó là chính vì nói mình là con cháu của vua Việt Nam nên tôi được
phong là người dẫn đầu nhóm trẻ trong xóm. Mặc dù khi ấy chỉ là một đứa bé
nhưng tôi luôn thích thú, tự hào về dòng dõi của mình. Và, cũng chính vì dòng
dõi ấy mà khi tranh luận với những đứa trẻ khác, tôi luôn muốn giành chiến thắng
(cười lớn…).
– Ông có
thể chia sẻ ở các gia đình Hàn Quốc, người ta dạy trẻ em về nguồn cội như thế
nào được không?
– Ở Hàn Quốc,
các gia đình đều có gia phả về dòng họ của mình. Mỗi năm, người Hàn Quốc đều tổ
chức một buổi họp gia đình để người lớn dạy cho con cháu về gốc gác, nguồn cội,
được ghi lại trong gia phả.
– Tôi đã từng
nghe một nhà văn chia sẻ kỷ niệm về một lần đi thăm Hàn Quốc. Ông nói rằng, đừng
thấy những thanh niên Hàn Quốc đeo khuyên tai, nhuộm tóc xanh đỏ, ăn mặc thời
trang mà nghĩ họ xa rời nguồn cội. Theo ông, phía sau vẻ bề ngoài ấy luôn là một
nội lực truyền thống vô cùng mạnh mẽ. Nhưng, dẫu sao đấy cũng chỉ là nhận xét của
một người đi ngang qua Hàn Quốc. Là người thấm nhuần văn hóa Hàn Quốc và những
vấn đề đương đại của thanh niên Hàn Quốc, một cách khách quan nhất, ông thấy gì
về điều này?
– Phải thừa
nhận là ở Hàn Quốc, tính truyền thống và tính dân tộc rất mạnh. Hàn Quốc cũng
trải qua chiến tranh và chứng kiến nhiều người hy sinh vì nền độc lập dân tộc
như Việt Nam. Những người ở thế hệ tôi đã nếm trải nhiều chuyện của những năm
tháng khổ cực đó nên tính truyền thống của thế hệ này là điều rõ thấy. Nhưng,
cũng như ở Việt Nam, nhiều người Hàn Quốc hiện nay cảm thấy có chút lo lắng với
lớp thanh niên đương đại. Tôi thì nghĩ, cả ở Việt Nam cũng như Hàn Quốc, người
trẻ hôm nay cần phải được giáo dục nhiều hơn về tính truyền thống. Tôi lấy ví dụ
ở Hàn Quốc ngày xưa, tính truyền thống cao đến mức khi thầy cô giáo di chuyển,
lũ học sinh chúng tôi còn không dám giẫm lên cái bóng của thầy cô giáo, còn hiện
nay quan hệ thầy – trò xuất hiện nhiều thay đổi. Nói tóm lại, nền kinh tế phát
triển phải song song với nâng cao văn hóa. Còn nếu kinh tế phát triển mà văn
hóa đi xuống thì không được.
0 nhận xét: