Đúng là chúng ta đã tổn thất, đã mất mát quá
nhiều sau 2 năm đối mặt với Covid-19 nhưng chúng ta không có lựa chọn nào khác.
“Chúng ta đã có thêm một năm nữa sống trong sợ
hãi – nỗi sợ mang tên Covid. Sau rất nhiều biện pháp chống dịch, cuối cùng,
Chính phủ đã quyết định mở cửa. Nếu biết vậy, thà cứ chấp nhận sống chung với
Covid ngay từ đầu để khỏi phải mất quá nhiều thời gian và công sức”.
Một người nổi tiếng đã viết trên mạng xã hội
như vậy ở vào thời điểm kết thúc năm 2021 dương lịch. Nhưng rồi sau đó, anh đã
lặng lẽ xóa đi status của mình bởi không nhiều người ủng hộ. Có thể, anh cũng tự
thấy rằng, viết như vậy là phi thực tế.
Tôi thì thấy buồn cho anh. Nào phải anh đang
sống ở một đất nước khác, nào phải anh nhìn những khổ đau, mất mát của đồng bào
mình với lăng kính của kẻ ngoài cuộc? Tất cả những những trải nghiệm của đợt dịch
thứ tư hiển hiện trước mắt anh, nó khốc liệt hơn tất cả những gì chúng ta nghĩ
và nếu cứ để mặc cho biến chúng Delta hoành hành, cướp đi sinh mạng của bạn bè
anh, của họ hàng anh, của những người ruột thịt trong gia đình anh, thì khi đó,
anh có tự tin viết ra những dòng lạnh lùng như vậy không?
Nó không chỉ lạnh lùng mà còn vô tình nữa.
Hàng ngàn, hàng vạn con người tuổi thanh xuân phơi phới, cả những y bác sĩ đã
nghỉ hưu, sẵn sàng đánh đổi thời gian, công sức, thậm chí cả tính mạng của mình
để đi vào tâm dịch. Họ hành động vì cái gì nếu không phải là tình yêu thương đồng
loại, là tiếng gọi từ trái tim, là mệnh lệnh “miền Nam tha thiết gọi, cả nước
ta lên đường”…
Tổn thất và mất mát là thứ chẳng ai mong muốn!
Ngay cả những quốc gia từng coi Covid là bệnh cúm mùa thì giờ đây cũng không
dám mạnh miệng, lớn tiếng. Cũng phong tỏa, cũng giãn cách, cũng ngưng trệ rất
nhiều hoạt động của đời sống xã hội, thậm chí hạn chế cả những quyền tự do cá
nhân mà họ từng tôn thờ… Sao họ phải làm thế. Sao họ không để mặc cho dịch bệnh
lan tràn một lần đi để đạt được miễn dịch cộng đồng? Thủ tướng Anh chỉ vì lộ ảnh
tiệc tùng giữa lúc quốc gia này đang thực hiện giãn cách mà phải đối diện với
nguy cơ mất chức huống chi ngồi ở vị trí lãnh đạo, anh không làm gì, không hành
động gì khi cái chết đang gõ cửa “nhà anh”.
Kết thúc năm 2021, đất nước chúng ta có hơn
1,7 triệu ca mắc Covid-19, hơn 31.000 người tử vong. Nền kinh tế bị “ngấm đòn
Covid-19” với mức tăng trưởng GDP chỉ đạt 2,58%, mức tăng thấp nhất trong một
thập kỷ qua.
Đúng là chúng ta đã tổn thất, đã mất mát quá
nhiều sau 2 năm đối mặt với Covid-19 nhưng chúng ta không có lựa chọn nào khác.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc
Phương trong một cuộc tọa đàm vào tháng 1 năm nay đã nói: Chúng ta không thể mở
cửa sớm hơn và cũng không thể muộn hơn vì phụ thuộc vào mức độ bao phủ vaccine
và khả năng đáp ứng của ngành y tế. Thời điểm chúng ta có quyết định “ sống
chung” với dịch bệnh là khi chúng ta có đủ nguồn vaccine, có đủ điều kiện về dịch
tễ để tự tin bước vào giai đoạn bình thường mới, vừa sản xuất, vừa chống dịch,
vừa bảo đảm sức khỏe của người dân.
Chúng ta cũng không thể chậm trễ hơn bởi nguy
cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, bởi sức ép từ các nhà đầu tư nước ngoài, bởi tình trạng
ngăn sông cấm chợ đã xuất hiện ở một số địa phương, bởi những khó khăn của người
dân đã tích tụ, dồn nén…
Mở cửa, con đường duy nhất để giúp khôi phục
nền kinh tế của Việt Nam. Nhưng mở cửa phải đi kèm với an toàn, phải đặt tính mạng
của người dân lên trên hết. Không một quốc gia nào khi chưa phủ 60% vaccine trở
lên, lại mạo hiểm mở cửa nền kinh tế. Và chiến lược “ngoại giao vaccine” ra đời,
nhanh chóng trở thành chiến lược để Việt Nam đạt tốc độ bao phủ vaccine thuộc
diện nhanh nhất thế giới. Nhanh đến mức mà một nhà báo Singapore dự báo phải 10
năm Việt Nam mới hoàn thành. 230 triệu liều vaccine đã được ký hợp đồng
mua, cam kết viện trợ và tài trợ. Tất cả người Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên
đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine và tỷ lệ tiêm đủ liều cơ bản đạt
93,4%.
Nhưng, chấp nhận sống chung với Covid-19
trong trạng thái bình thường mới không phải là quyết định dễ dàng bởi không
giãn cách, không phong tỏa, không hạn chế đi lại cũng đồng nghĩa với việc chấp
nhận rủi ro khi các ca lây nhiễm tăng cao ở các thành phố lớn. Trách nhiệm đặt
lên vai chính quyền các địa phương chính là việc quản lý sự thay đổi đó. Nhưng
chúng ta có cơ sở để mở cửa nền kinh tế, đó là kinh nghiệm tham khảo từ hơn 40
nước trên thế giới, là những thông tin được chắt lọc từ nhiều hội thảo, hội nghị
của các nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia, thậm chí lấy ý kiến của
doanh nghiệp để có những quyết sách sát thực tế…
“Đã hy sinh để thực hiện giãn cách,
phong tỏa thì dứt khoát phải kiểm soát được tình hình”- Quyết tâm đó của người
đứng đầu Chính phủ đã trở thành động lực để chúng ta vượt qua mọi khó khăn, thử
thách để có thể đưa cuộc sống trở lại trạng thái “bình thường mới”, không còn
những hàng rào răng mắc, những thành phố vắng lặng, ngủ yên, không còn những kiểm
soát gắt gao giữa địa phương này với địa phương khác. Đối diện với những thử
thách “chưa từng có”, chúng ta đã tìm ra những cán bộ quyết liệt, dám nghĩ, dám
làm, nhưng đồng thời cũng đào thải những kẻ thoái hóa biến chất, “đục nước béo
cò”, vơ vét trên sự khổ đau, mất mát của nhân dân.
Năm 2021 khép lại, dẫu “bóng ma” Covid -19 vẫn
bao phủ khắp thế giới và Việt Nam cũng không là ngoại lệ nhưng chúng ta đã nhìn
thấy ánh sáng, đã có thấy những tia hy vọng khi kinh tế bật tăng trở lại sau
khi nới lỏng giãn cách. Các chuyến bay quốc tế đã và đang được nối lại, sự dịch
chuyển của con người và hàng hóa đã dễ dàng hơn trước rất nhiều.
Những ngày giáp Tết Nhâm dần, câu chuyện về một
người đảng viên lão thành mang 100 triệu đồng tích góp từ những đồng lương hưu
ít ỏi đi ủng hộ Quỹ phòng chống Covid ở Nghệ An đã làm ấm lòng dư luận. Ngay cả
khi cuộc sống đã trở lại trạng thái “bình thường mới”, ngay cả khi thời điểm
khó khăn nhất tạm thời ở lại phía sau nhưng người đảng viên này vẫn thấy trách
nhiệm của mình với đất nước bởi như ông nói: “Tôi là một người dân bình thường,
được tiêm 3 mũi vaccine miễn phí, tôi muốn đóng góp để đồng bào tôi, ai cũng có
được may mắn đó”./.
0 nhận xét: