Có một thực tế
những người giảng dạy và nhà nghiên cứu lý luận chính trị (LLCT) cũng như đông
đảo giới xã hội, nhất là sinh viên, đều nhận ra những điều bất ổn trong việc trang
bị kiến thức LLCT hiện nay trong các trường đại học. Nguyên nhân của thực trạng
trên xoay quanh người dạy và cả người học.
Giảng viên vừa
thiếu, vừa yếu
Các môn LLCT
không phải là một bộ môn nghề. Nó không dạy người học kiến thức của một nghề
nghiệp cụ thể nào, nhưng nó lại dạy sinh
viên một kỹ năng mà bất kỳ ngành nghề nào cũng đòi hỏi. Đó là kỹ năng
tư duy, lý luận khoa học, quan điểm, tư tưởng cách mạng và nhân văn. Tuy nhiên,
hiện nay đa số người học mới chỉ nghe đến hai từ “lý luận”, họ thường liên tưởng
đến những môn học chỉ phù hợp với những người làm công tác nghiên cứu, triết lý
cao siêu xa vời, không liên quan tới họ. Hạn chế đó trước hết thuộc về đội ngũ
cán bộ, giảng viên dạy các môn LLCT. Giảng viên được ví như “linh hồn” của bài
giảng. Giảng viên có chuyên môn vững, phương pháp tốt, gắn với thực tiễn sẽ khiến
cho những kiến thức lý luận khô khan trong bài học trở nên sinh động, thiết thực
và dễ hiểu. Ngược lại, giảng viên không vững về chuyên môn, non yếu về phương
pháp, thiếu thực tiễn khi lên lớp sẽ không tạo được lòng tin và sự thuyết phục
người học, khiến sinh viên đến lớp chỉ thấy nhàm chán, không có hứng thú và tiếp
thu kiến thức LLCT.
Thực tế cho thấy,
một số lượng lớn đội ngũ cán bộ làm công tác giảng dạy các môn LLCT chưa đáp ứng
được yêu cầu đổi mới, còn lúng túng trong quá trình cập nhật những kiến thức mới.
Một bộ phận cán bộ giảng dạy không tích cực trong việc đổi mới phương pháp giảng
dạy, phương pháp kiểm tra, đánh giá sinh viên. Giảng dạy thuyết trình theo kiểu
tiếp nhận một chiều còn khá phổ biến; chưa phát huy hết tính sáng tạo và tư duy
phản biện của người học dẫn tới tâm lý chán nản, không hứng thú ở người học, học
chỉ là để thi qua môn, học đối phó chứ không phải “học để hành” như lời dạy của
Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Những khiếm
khuyết trên đây do nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến sự thiếu hụt về kiến
thức học vấn, trình độ lý luận, phương pháp luận, sự hiểu biết hạn chế về văn
hóa nói chung của một bộ phận cán bộ giảng dạy LLCT. Mặt khác, cũng do thiếu
kinh nghiệm và vốn sống, đặc biệt ở lớp cán bộ giảng dạy trẻ, tuổi đời còn ít.
Thêm vào đó, còn có tâm lý thụ động, né tránh các vấn đề lý luận và thực tiễn
gai góc, hoặc cảm nhận thấy vấn đề nhưng không đủ năng lực, bản lĩnh theo đuổi
vấn đề đến cùng và giải quyết triệt để… Thực trạng đó đặt ra yêu cầu bức thiết
cho việc đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy các môn LLCT ở các trường đại học
trong thời kỳ mới.
TS Vũ Thị Thu
Lan, Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Kiến thức cơ bản, Đại học Văn hóa Hà Nội
chia sẻ: Trước đây, đội ngũ giảng viên dạy những môn học LLCT, nhất là Triết học
Mác-Lênin, Kinh tế chính trị Mác-Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học thường là những
học viên rất giỏi, xuất sắc, được Nhà nước chọn lọc, cử đi học ở các nước thuộc
khối xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu. Được tiếp nhận kiến thức từ những
chuyên gia hàng đầu nước bạn về những môn học này nên họ có kiến thức, kỹ năng,
phương pháp, tầm nhìn xa và rộng hơn rất nhiều. Với nền tảng kiến thức như vậy,
những giảng viên đó ngay ban đầu tạo ra sự hứng thú rất lớn cho người học. Còn
hiện nay, thực tế ngành học này không mấy hấp dẫn thí sinh nên điểm tuyển sinh
khá thấp. Bên cạnh số ít thí sinh đến với ngành học vì ham mê, những thí sinh
khác đến với ngành học không đúng với nguyện vọng ban đầu. Khi bản thân người dạy
không đủ niềm say mê, thiếu cả tâm lẫn tầm, họ khó lòng “truyền lửa” khi đứng
trên bục giảng.
“Thầy đọc,
trò chép” vẫn phổ biến
Muốn giảng dạy
hiệu quả rõ ràng cần đổi mới phương pháp dạy học gắn liền với đổi mới phương tiện,
cơ sở vật chất và tổ chức lớp học. Yếu tố cần thiết để tiến hành dạy và học
theo phương pháp tích cực là phải có đầy đủ thiết bị như máy chiếu, loa, đường
truyền mạng tốt, số lượng sinh viên hợp lý trong một phòng học… Trong khi hiện
nay, lớp học lý thuyết của các môn LLCT rất hiếm khi có dưới 40 sinh viên, mà
thường hơn 100 sinh viên. Mặt khác, với tâm lý đây là môn kiến thức cơ bản nên
ít được quan tâm, đầu tư như môn chuyên ngành. Tất cả những điều đó khó cho giảng
viên áp dụng phương pháp tích cực vào giảng dạy. Tình trạng “thầy đọc, trò
chép” vẫn phổ biến hoặc nếu có sử dụng giáo án điện tử thì theo kiểu chiếu chữ
trên màn hình. Giờ học thiếu tính đối thoại làm cho các tiết giảng trở nên nhàm
chán, sinh viên không hứng thú học tập.
Nghiên cứu, khảo
sát của chúng tôi trên 3.020 sinh viên về phương pháp giảng dạy các môn LLCT
cho thấy có hai phương pháp được sử dụng chủ yếu là thuyết trình một chiều (chiếm
56,4%) và thuyết trình kết hợp với giáo án điện tử (68,4%). Một số phương pháp
dạy học tích cực khác cũng được giáo viên triển khai nhưng chưa nhiều.
Bên cạnh đó, hệ
thống thư viện còn nghèo nàn về số đầu sách, tài liệu và cũ kỹ, lạc hậu về nội
dung. Đặc biệt, không đưa ra được phương thức tiếp cận mới phù hợp với xu thế
tiếp nhận thông tin hiện nay của thế hệ công dân số. Con số từ khảo sát cho thấy
57,5% sinh viên muốn tiếp cận các môn LLCT qua hệ thống hình ảnh, tài liệu trên
internet, trong khi đó mới chỉ có 15,2% được tiếp cận với phương pháp trải nghiệm
sáng tạo. Đây cũng là một trong những lý do khiến cho nhiều sinh viên hiện nay
đang quay lưng lại với các môn học này.
Với thời lượng
học trên lớp ít, trong khi khối lượng kiến thức lại lớn, làm cho giảng viên
không thể truyền thụ được sâu sắc kiến thức môn học, còn sinh viên lĩnh hội kiến
thức theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”. Việc quy ước rằng sinh viên phải tự học, tự
nghiên cứu ở nhà cũng là một điều khó; không phải giảng viên nào cũng có thể tổ
chức hiệu quả hoạt động này. 56% sinh viên vẫn quen với cách chỉ học qua giáo
trình được giảng viên giới thiệu, chỉ có 22,2% là mở rộng, tự cập nhật kiến thức
mới.
Về phía sinh
viên, họ thiếu hụt nền tảng kiến thức lịch sử, chính trị, xã hội và ít trải
nghiệm thực tiễn để học tốt các môn LLCT. Chia sẻ về vấn đề này, PGS, TS Mai Đức
Ngọc, Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: Trong
những năm gần đây, trừ học sinh chọn thi khối khoa học xã hội nhân văn, học
sinh phổ thông ít quan tâm đến các môn khoa học xã hội. Lỗ hổng về kiến thức xã
hội ở phổ thông là một trở lực để sinh viên có thể tiếp thu kiến thức các môn
LLCT. Ngoài ra, mặt bằng sinh viên giữa các trường không giống nhau. Ngoài những
trường có chất lượng đầu vào khá, giỏi thì còn nhiều trường đang ở trong tình
trạng “vơ bèo vạt tép” với điểm đầu vào thấp. Tuy nhiên dù là nhóm điểm cao hay
thấp thì sinh viên khối các trường không chuyên các môn LLCT đều có điểm giống
nhau là nền tảng kiến thức lịch sử, chính trị, xã hội rỗng từ bậc học dưới; cộng
thêm tư duy “đầu tư” vào các học phần có số tín chỉ nhiều hoặc liên quan trực
tiếp đến chuyên ngành đào tạo. Những điều đó có thể dẫn tới hệ lụy là sinh viên
sẽ càng ít quan tâm hơn nữa môn học vốn không thích thú.
Khảo sát về mức
độ hứng thú trong quá trình học các môn LLCT cho thấy, hơn 50% tiếp nhận môn học
như một nhiệm vụ học tập. Họ rất muốn phương pháp giảng dạy và học tập được cải
thiện để tiếp nhận môn học tốt hơn. Chỉ có khoảng 13% cho biết không yêu thích
hoặc không thích các môn học này.
Về tầm quan trọng
của việc học các môn LLCT lại cho kết quả khá tích cực. Phần đông sinh viên có
nhận thức đúng đắn về vị trí, tầm quan trọng của các môn LLCT đối với việc hình
thành nhân cách của sinh viên, nhất là đối với việc hình thành năng lực tư duy
lý luận, tư duy chính trị, thế giới quan khoa học và nhân sinh quan cách mạng.
Tuy nhiên vẫn còn một bộ phận sinh viên không thấy hết vị trí, ý nghĩa, tầm
quan trọng của các môn học này, không nhận thức đúng vai trò của kiến thức LLCT
đối với việc hình thành các phẩm chất và năng lực hoạt động thực tiễn của mình.
Hội nhập quốc tế,
sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nước ta đứng trước nhiều cơ hội, song cũng
đan xen những thách thức, điều này khiến việc học LLCT sẽ phải đối mặt với nhiều
thách thức hơn. Từ thực trạng giảng dạy và học tập của sinh viên các trường đại
học hiện nay, việc giảng dạy LLCT cần có sự đổi mới mạnh mẽ. Để nâng cao chất
lượng giảng dạy LLCT của giảng viên, trách nhiệm của các cơ sở đào tạo, những
yêu cầu đang đặt ra hiện nay sẽ là một thách thức không nhỏ.
Kết luận
số 94-KL/TW ngày 28-3-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI yêu cầu: “Đổi
mới mạnh mẽ việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên lý luận chính trị, bảo đảm sát
hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận
chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân. Xây dựng cho được đội ngũ giáo
viên lý luận chính trị tâm huyết, yêu nghề, tuyệt đối trung thành, có niềm
tin, có kiến thức mới gắn với thực tiễn. Đây là nhân tố quyết định sự thành
công của việc tiếp tục đổi mới học tập lý luận chính trị trong nhà trường”. |
0 nhận xét: