Theo chuyên
gia quốc tế, các bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở cộng đồng châu Á và
cộng đồng da đen hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc
đang diễn ra.
Đánh giá của
Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng dưới chủ nghĩa đế quốc, “cuộc sống của người da đen
chẳng đáng gì hết” (trong bài viết Phương tiện vận tải hai chân) là lời tiên
tri, dự đoán về sự trỗi dậy của phong trào “Black Lives Matter” (tạm dịch:
Mạng sống của người da đen cũng quan trọng).
Các bài viết
của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở cộng đồng châu Á và cộng đồng da đen hỗ
trợ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc đang diễn
ra.
Đó là những
nhận xét của ông Joe Pateman, chuyên gia nghiên cứu chính trị của Đại học
Nottingham, Vương quốc Anh sau khi đọc cuốn “Hồ Chí Minh: Chủng tộc da đen và
các tác phẩm chọn lọc về phân biệt chủng tộc” do Giáo sư Nguyễn Đài Trang biên
soạn.
Theo phóng
viên TTXVN tại Ottawa, “Tháng Hai và Mãi mãi: Tôn vinh lịch sử của người da đen
hôm nay và mỗi ngày” là chủ đề của Tháng Lịch sử của người da đen tại Canada
trong năm nay.
Nhân dịp này,
ngày 19/2, Trung tâm nghiên cứu châu Á của Đại học York (Canada) đã tổ chức hội
thảo trực tuyến về các tác phẩm chống phân biệt chủng tộc của Chủ tịch Hồ Chí
Minh, thu hút sự tham gia của nhiều học giả quốc tế.
Các diễn giả
chính tại hội thảo – ông Joe Pateman, Giáo sư Nguyễn Đài Trang và chuyên gia
Canada về quan hệ chính phủ, ông Luis Silva – đã dựng lại những cột mốc chính
trong 30 năm bôn ba đi tìm “hình của nước” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trên hành
trình đầy gian truân đó, Bác đã gặp biết bao “người cùng khổ”. Người nhận ra rằng,
mỗi quốc gia mỗi vẻ khác nhau về phong cảnh, phong tục tập quán và con người,
nhưng về xã hội thì bất kể màu da, đâu đâu cũng có người nghèo, người giàu, đâu
đâu cũng có bất công và áp bức.
Vào năm 1912,
khi Bác tới thành phố New York, đứng trước tượng Thần Tự do, Người đã ghi những
dòng cảm tưởng sâu sắc: “Ánh sáng trên đầu Thần Tự do tỏa rộng khắp trời xanh,
còn dưới chân tượng Thần Tự do thì người da đen đang bị chà đạp; số phận người
phụ nữ cũng vậy. Bao giờ người da đen được bình đẳng với người da trắng? Bao giờ
có sự bình đẳng giữa các dân tộc? Và bao giờ người phụ nữ được bình đẳng với
nam giới?”.
Những trăn trở
đó của Người luôn mang tính thời sự bức thiết, đặc biệt sau cái chết của người
đàn ông da đen George Floyd, khiến các cuộc biểu tình của phong trào “Black
Lives Matter” diễn ra trên khắp thế giới.
Theo ông Joe
Pateman, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến cuộc sống của người da đen và cuộc
đấu tranh đòi bình đẳng của họ. Người là một trong những nhà lãnh đạo cộng sản
châu Á đầu tiên khám phá ra các vấn đề mà cộng đồng người da đen phải đối mặt
và thúc đẩy phong trào tự do của họ.
Cuốn “Hồ Chí
Minh: Chủng tộc da đen và các tác phẩm chọn lọc về phân biệt chủng tộc”, tập hợp
20 bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh gồm 13 bài trong tác phẩm Chủng tộc da đen
và bảy bài viết trong các giai đoạn 1922-1924 và 1963-1966, là ấn phẩm tiếng
Anh đầu tiên đề cập đến khía cạnh này trong di sản của Hồ Chí Minh và đã cung cấp
một cái nhìn sáng tỏ hơn về tư tưởng của nhà ái quốc Việt Nam.
Ông Luis
Silva, người hiệu đính cuốn “Hồ Chí Minh: Chủng tộc da đen và các tác phẩm chọn
lọc về phân biệt chủng tộc”, xúc động chia sẻ: “Các tác phẩm của Hồ Chí
Minh đã khai sáng cho tôi. Giờ tôi đã hiểu những nguyên nhân sâu xa của chủ
nghĩa phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử có hệ thống”.
Các học giả
phương Tây đều có chung nhận xét là các bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể
hiện mối quan tâm nhiệt thành của Người đối với công cuộc giải phóng người da
đen. Và Giáo sư Nguyễn Đài Trang đã hoàn toàn chính xác khi lập luận rằng các
bài viết của Người về chống phân biệt chủng tộc cho đến nay vẫn mang tính thời
sự cao.
0 nhận xét: