Đảng Cộng sản
Việt Nam quan niệm việc xây dựng CNXH là một quá trình vận động, chuyển hóa
liên tục, không ngừng phát triển từ thấp đến cao, từ chưa hoàn thiện đến hoàn
thiện hơn.
Nhân dịp
cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhan đề “Một số vấn đề lý luận
và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt
Nam” ra mắt bạn đọc, VOV.VN giới thiệu bài viết của TS Vũ Trung Kiên – Phó trưởng
khoa Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị khu vực II về con đường XHCN mà Việt Nam
theo đuổi cũng như việc hoàn thiện lý luận về CNXH ở Việt Nam.
Nghị quyết Đại
hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra 05 quan
điểm chỉ đạo, trong đó quan điểm đầu tiên là: “Kiên định và vận dụng, phát triển
sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập
dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định
các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam
xã hội chủ nghĩa”. Như vậy có nghĩa là Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn trung thành với
nguyên tắc xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Trong suốt
hơn 90 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn là một chính đảng đổi mới, tự đổi mới
mình để thích nghi, phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam. Ngay từ
khi ra đời, theo Lênin, Đảng Cộng sản là sản phẩm của sự kết hợp giữa chủ nghĩa
Mác và phong trào công nhân thì ở Việt Nam, Đảng ra đời từ sự kết hợp giữa chủ
nghĩa Mác – Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước của nhân dân
Việt Nam. Chính từ sự đổi mới, sáng tạo này mà dù trải qua những khúc quanh co,
thăng trầm của lịch sử, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn luôn thể hiện là một chính đảng
cách mạng tự đổi mới mình, tự vượt lên chính mình để xứng dáng là lực lượng
lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Năm 1991, khi
hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn
kiên định với con đường mà mình đã chọn. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII
của Đảng năm 1991 đã ban hành Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ
lên chủ nghĩa xã hội. Cũng tại Đại hội này, trong bối cảnh hệ thống xã hội chủ
nghĩa trên thế giới lâm vào thoái trào, song từ tổng kết 5 năm đổi mới kể từ Đại
hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nêu lên 6 đặc
trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Đó là xã hội “Do nhân dân lao động
làm chủ; có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại
và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu; có nền văn hóa tiên tiến, đậm
đà bản sắc dân tộc; con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công,
làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc,
có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân; các dân tộc trong nước bình đẳng,
đoàn kết và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân
dân tất cả các nước trên thế giới”.
Đại hội đại
biểu toàn quốc lần thứ XI, năm 2011, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành Cương
lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” (bổ sung,
phát triển năm 2011) với nhiều điều chỉnh, chuẩn hóa các đặc trưng trong xây dựng
chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Theo đó, “Xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng
là xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm
chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan
hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc;
con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện;
các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp
nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do
nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác
với các nước trên thế giới”.
Trên thế giới,
các quốc gia, dân tộc đều tự tìm cho mình một con đường đi phù hợp với những đặc
điểm lịch sử cụ thể của mình. Cùng là quân chủ nhưng vẫn có nước theo hình thức
quân chủ chuyên chế, có quốc gia theo hình thức quân chủ lập hiến. Cũng vậy,
cũng là thể chế cộng hòa song có quốc gia theo cộng hòa tổng thống, quốc gia
khác lại tổ chức theo kiểu cộng hòa nghị viện. Cùng là xây dựng chủ nghĩa xã hội
song mô hình chủ nghĩa xã hội của một số nước ở Bắc Âu khác với mô hình chủ
nghĩa xã hội của Liên Xô trước đây. Cùng trên cơ sở của chủ nghĩa Mác – Lênin
song chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô lại khác với Trung Quốc. Với Việt Nam, cũng
trên cơ sở của chủ nghĩa Mác – Lênin nhưng từ chính đặc điểm lịch sử của dân tộc
mình, những đặc trưng vạch ra về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam mang những đặc điểm
riêng có, phù hợp với Việt Nam.
Năm 2021,
nhân dịp kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2021)
và bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 –
2026, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng
đã có bài viết quan trọng với chủ đề “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ
nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Bài viết đã “định
hình chủ nghĩa xã hội thế nào” và “định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội” ở Việt
Nam để phù hợp với hoàn cảnh, đặc điểm cụ thể ở Việt Nam. Đó là sự tiếp nối, bổ
sung và hoàn thiện hệ thống lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt
Nam. Bài viết này cũng là nhan đề cuốn sách gồm 29 bài viết của Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng, vừa ra mắt bạn đọc vào tháng 2 này.
Đảng Cộng sản
Việt Nam quan niệm việc xây dựng chủ nghĩa xã hội là một quá trình vận động,
chuyển hóa liên tục, không ngừng phát triển từ thấp đến cao, từ chưa hoàn thiện
đến hoàn thiện hơn. Vì vậy, các đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa đã luôn
được bổ sung, phát triển cho phù hợp và đáp ứng đòi hỏi của sự phát triển xã hội.
Không ngừng đổi mới tư duy, nghiên cứu và tổng kết thực tiễn, xuất phát từ
thành quả của công cuộc đổi mới đất nước sẽ tiếp tục gợi mở để Đảng Cộng sản Việt
Nam khám phá những vấn đề, những nội dung, những đặc trưng mới của xã hội xã hội
chủ nghĩa mà Việt Nam đã và đang hướng tới./.
0 nhận xét: