28/3/22

Đề nghị thu hồi danh hiệu với nghệ sĩ lệch chuẩn

 

Đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thanh Thúy cho rằng đã đến lúc thu hồi danh hiệu Nhà nước đã phong tặng cho các nghệ sĩ lệch chuẩn, buộc họ có trách nhiệm giữ gìn.

Góp ý xây dựng dự thảo luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi) chiều 28/3, Phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh Hoàng Thị Thanh Thúy nêu thực trạng thời gian qua, một số nghệ sĩ ưu tú có những lời nói, hành vi thiếu chuẩn mực, phản cảm, nhất là trên môi trường mạng, khiến dư luận bức xúc.

“Điều này kéo đến sự lệch chuẩn trong nhận thức về văn hóa vì họ là người được công chúng yêu mến, thần tượng”, bà Thúy nói, đề nghị bổ sung quy định thu hồi danh hiệu của Nhà nước đối với tổ chức, cá nhân không còn xứng đáng hoặc vi phạm chuẩn mực đạo đức, tiêu chuẩn xã hội hiện hành.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy cũng cho rằng, khen thưởng là ghi nhận, biểu dương, tôn vinh thành tích của những tập thể, cá nhân xuất sắc, là tấm gương sáng để mọi người cùng học tập. Bên cạnh tiêu chuẩn để khen thưởng thì phải quy định cụ thể mức xử lý vi phạm với những tổ chức, cá nhân vi phạm.

Theo dự thảo, những ai gian dối trong kê khai thành tích, làm giả hồ sơ, có vi phạm… thì sẽ bị hủy bỏ quyết định trao tặng danh hiệu thi đua. Trong khi đó, phần lớn tiêu chuẩn để được khen thưởng đều nêu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Do đó, bà Thủy cho rằng căn cứ hủy quyết định khen thưởng phải bám sát tiêu chuẩn khi xét tặng danh hiệu thi đua. “Cần rà soát tiêu chuẩn chấp hành tốt các chính sách pháp luật của Nhà nước để có hướng xử lý”, bà nói.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu theo hướng người có hành vi vi phạm pháp luật và bị tòa án tuyên phạm tội, bị tuyên phạt cải tạo không giam giữ trở lên thì bị tước danh hiệu đã được tuyên dương trước đó. Quy định như vậy sẽ phù hợp với quy định xử lý kỷ luật đảng viên (khi bị tòa án tuyên và bị phạt cải tạo không giam giữ trở lên thì bị khai trừ ra khỏi Đảng).

“Khi một người đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đến mức Tòa án tuyên phạm tội và bị phạt cải tạo từ không giam giữ trở lên thì không còn xứng đáng với danh hiệu được Nhà nước tặng trước đó”, ông nói.

Theo dự thảo luật Thi đua khen thưởng trình xin ý kiến tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, người có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thi đua, khen thưởng thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Quyết định tặng danh hiệu thi đua hoặc hình thức khen thưởng sẽ bị hủy bỏ, hiện vật và tiền thưởng bị thu hồi nếu như tổ chức, cá nhân có hành vi gian dối trong việc kê khai thành tích để được tặng danh hiệu thi đua hoặc hình thức khen thưởng; cung cấp thông tin sai sự thật hoặc làm giả hồ sơ, giấy tờ để đề nghị tặng danh hiệu thi đua hoặc hình thức khen thưởng.

Việc thẩm định, xét duyệt, đề nghị danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng không đúng quy định; có kết luận, quyết định, bản án của cơ quan có thẩm quyền về việc có khuyết điểm, vi phạm pháp luật trong thời gian tính thành tích hoặc liên quan đến công trình được tặng giải thưởng thì hình thức khen thưởng cũng bị hủy bỏ.

Riêng cá nhân được tặng thưởng danh hiệu vinh dự Nhà nước mà phạm tội do lỗi cố ý, bị áp dụng từ hình phạt tù có thời hạn trở lên, phạm một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc phạm tội khác bị hình phạt tù chung thân, tử hình thì bị tước danh hiệu vinh dự Nhà nước.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, nội dung xử lý vi phạm trong thi đua, khen thưởng đã được thiết kế rất nhiều lần. “Hôm nay các đại biểu vẫn chưa hài lòng lắm, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện để xử lý những vấn đề vi phạm trong thi đua, khen thưởng thuận tiện, kịp thời”, bà Trà nói.

Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ ba, khai mạc tháng 5.

0 nhận xét: