28/3/22

Từ vụ bà Phương Hằng, nếu một người mang 2 quốc tịch phạm tội sẽ bị xử lý ra sao?

 


Vụ bà Nguyễn Phương Hằng bị cơ quan điều tra TP Hồ Chí Minh khởi tố và tạm giam về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” được dư luận đặc biệt quan tâm. Trong trường hợp bà Hằng mang 2 quốc tịch, pháp luật Việt Nam sẽ xử lý thế nào? Theo luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội), điều 3 Bộ Luật tố tụng hình sự (BLTTHS) quy định: BLTTHS có hiệu lực đối với mọi hoạt động TTHS trên lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa (CHXHCN) Việt Nam. Hoạt động TTHS đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam được tiến hành theo quy định của điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại.

Trường hợp, người nước ngoài thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt Nam là thành viên hoặc tập quán quốc tế thì được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc tập quán quốc tế đó. Trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì được giải quyết bằng con đường ngoại giao.

“Theo quy định trên, người có 2 quốc tịch mà vi phạm pháp luật trên lãnh thổ Việt Nam đến mức có thể xử lý hình sự thì sẽ căn cứ vào quy định của BLTTHS Việt Nam để xử lý. Người Việt Nam phạm tội mang 2 quốc tịch, trước hết vẫn được xác định là công dân Việt Nam nên sẽ áp dụng Bộ Luật hình sự Việt Nam để xử lý hành vi phạm tội”, luật sư Đặng Văn Cường cho biết. 

Theo Công ty Luật Lưu Vũ, nếu bà Nguyễn Phương Hằng đang có hai quốc tịch và cơ quan Công an TP Hồ Chí Minh có đủ căn cứ xác định bà Hằng có hành vi phạm tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” nhưng bà Hằng không thuộc trường hợp được hưởng quyền miễn trừ theo quy định tại khoản 2 Điều 5 của BLHS, cơ quan tố tụng sẽ áp dụng BLHS của Việt Nam để xử lý một cách nghiêm minh, khách quan, đúng người, đúng tội.

Vấn đề được nhiều người quan tâm là bà Phương Hằng có được bảo lãnh ra ngoài khi đang bị tạm giam, giới luật sự nhận định: Trong quá trình điều tra, nếu xét bà Hằng có nhân thân tốt và thấy phù hợp theo quy định của pháp luật khi có đơn yêu cầu từ người nhà của bà Phương Hằng (ít nhất 2 người). Theo đó, Công an TP Hồ Chí Minh vẫn có thể thay đổi biện pháp “tạm giam” thành biện pháp khác như “bảo lãnh” theo Điều 121 BLTTHS hoặc “đặt tiền để bảo đảm” theo Điều 122 hoặc “cấm đi khỏi nơi cư trú” theo Điều 123.

“Đối với những tội phạm ít nghiêm trọng và nghiêm trọng, cơ quan điều tra sẽ áp dụng biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú trừ một số trường hợp bị can cản trở hoạt động điều tra, có dấu hiệu bỏ trốn thì sẽ tạm giam. Còn biện pháp tạm giam sẽ được áp dụng trong trường hợp bị can phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Trong quá trình điều tra, nếu bà Hằng không bị khởi tố thêm tội danh khác, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả và không có dấu hiệu cản trở hoạt động điều tra, không bỏ trốn, bà Hằng có thể sẽ được thay đổi biện pháp ngăn chặn sang cấm đi khỏi nơi cư trú”, luật sư Đặng Văn Cường cho biết.

Ngày 24/3, Công an TP Hồ Chí Minh đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng (51 tuổi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam). Bà Hằng bị bắt về hành vi “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” quy định tại điều 331 BLHS. Các quyết định và lệnh trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh phê chuẩn.

 

0 nhận xét: