24/3/22

Hiệu quả “Mạng lưới thầy thuốc đồng hành” cùng F0 điều trị tại nhà


Tại TP. Đà Nẵng, hơn 90% số người mắc Covid-19 tự theo dõi, điều trị tại nhà. Theo đó, “Mạng lưới thầy thuốc đồng hành” đã không chỉ giúp tâm lý người bệnh ổn định, thoả mái mà còn góp phần giảm tải gánh nặng, áp lực điều trị cho hệ thống y tế địa phương.

Thông thường, khi có thông tin F0 do y tế cơ sở cung cấp, thành viên của “Mạng lưới thầy thuốc đồng hành” TP. Đà Nẵng chủ động gọi điện, hỏi cụ thể tình trạng sức khỏe của F0 để có những tư vấn chuẩn xác nhất. Qua đó, phát hiện sớm, phân tuyến kịp thời, chuyển hướng điều trị đối với những bệnh nhân có dấu hiệu chuyển biến nặng.

Sinh viên Huỳnh Nhật Quang, thành viên mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” TP. Đà Nẵng cho biết, trung bình một ngày, mỗi thành viên trong mạng lưới sẽ tư vấn hỗ trợ cách chăm sóc bệnh 8-10 ca mắc Covid-19 đang điều trị tại nhà thông qua điện thoại và nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin.

“Chúng tôi liên lạc với bệnh nhân hỏi họ có sốt không? Có bị ho, hay mất mùi khó thở gì không… Dựa vào thông tin đó thì chúng tôi phân tầng nguy cơ của bệnh nhân. Sau đó, chúng tôi gửi dữ liệu đó về cho nhóm, sau đó nhóm thống kê gửi cho CDC của từng phường, từng quận”, bạn Quang nói. Hiện nay, “Mạng lưới thầy thuốc đồng hành” tại Đà Nẵng có hơn 1.000 thành viên tham gia, gồm các y bác sĩ và tình nguyện viên là sinh viên y khoa làm việc, học tập trên địa bàn thành phố. Mạng lưới có 10 nhóm phụ trách tại 7 quận, huyện. Mỗi nhóm đảm nhận 1 quận, huyện, riêng quận Thanh Khê, Sơn Trà, Cẩm Lệ đang là điểm nóng về Covid-19, số lượng F0 tăng cao nên mỗi quận có 2 nhóm tư vấn.

Bác sĩ Đặng Anh Đào, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Thầy thuốc trẻ Đà Nẵng cho biết, “Mạng lưới thầy thuốc đồng hành” TP. Đà Nẵng đang tư vấn, hỗ trợ điều trị cho hơn 7.000 bệnh nhân F0 tại nhà. Ngoài ra, mạng lưới này còn có thêm sự hỗ trợ của Tổng đài 1022, người dân hoàn toàn có thể chủ động gọi điện đến Tổng đài này để được tư vấn khi có triệu chứng nhiễm Covid-19.

“Chúng tôi làm việc nhóm qua những phần mềm, dựa theo dữ liệu của CDC, Sở Y tế thành phố cung cấp, chúng tôi sẽ phân tầng. Hằng ngày, chúng tôi sẽ phân tầng nguy cơ, đánh giá những nguy cơ của các F0 mới mắc để giúp cho y tế cơ sở có những đánh giá ban đầu. Những trường hợp nào cần chuyển tuyến hoặc theo dõi sát thì chúng tôi sẽ có những tình nguyện viên và các bác sĩ sẽ điện thoại, hỏi thăm và đánh giá tình trạng sức khỏe hàng ngày”, bác sĩ Đào cho biết cụ thể.

Hiện tại, Đà Nẵng đã kích hoạt 75 trạm y tế lưu động cùng với “Mạng lưới thầy thuốc đồng hành”, bệnh nhân Covid-19 được tiếp cận thông tin một cách đầy đủ và được các bác sĩ hỗ trợ kịp thời. Bác sĩ Phan Quốc Tín, cán bộ Trung tâm Y tế quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng cho biết, mặc dù số ca mắc Covid-19 tại quận đã giảm so với thời gian trước nhưng y tế tuyến cơ sở luôn quá tải vì nhân lực mỏng. Vì thế, sự đồng hành của mạng lưới thầy thuốc điều trị F0 tại nhà đã góp phần chia lửa, giảm áp lực rất nhiều cho hệ thống y tế địa phương. Đây cũng là giải pháp thích ứng linh hoạt, an toàn hiệu quả với dịch bệnh Covid-19.

“Các F0 điều trị tại nhà có tới 98% bệnh nhân có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Hiện tại, “mạng lưới thầy thuốc đồng hành” đã hỗ trợ rất tốt cho y tế tuyến cơ sở”, bác sĩ Tín nói./.

 


0 nhận xét: