Cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tác phẩm mang tính chính luận, tính khoa học sâu sắc đã luận giải một cách thấu đáo về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Với niềm tin mãnh liệt về con đường cách mạng của Đảng, của Bác
Hồ và Nhân dân đã lựa chọn, Tổng Bí thư khẳng định, đây là sự lựa chọn đúng
đắn, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng lưu ý rằng, Việt Nam đang trong thời
kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đây là thời kỳ chuẩn bị mọi điều kiện vật chất,
tinh thần đi lên chủ nghĩa xã hội, còn vô vàn khó khăn, gian khổ, bởi do điểm
xuất phát và hoàn cảnh đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta có rất nhiều khó
khăn, do vậy chúng ta phải nắm vững và kiên định những nguyên tắc có ý
nghĩa sống còn “đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta”, không ai
được phép nghả nghiêng, dao động mới có thể đạt tới xã hội xã hội chủ
nghĩa như mong muốn.
|
Cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã
hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn
Phú Trọng. |
Với sự dẫn dắt thuyết phục, Tổng Bí thư nhấn mạnh các nguyên
tắc,đó là:
Một là, kiên định và vận dụng sáng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-
Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
Chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là học thuyết khoa
học và cách mạng của giai cấp công nhân và quần chúng lao động. Tổng Bí thư
khẳng định: “Tính khoa học và cách mạng triệt để của chủ nghĩa Mác- Lênin, tư
tưởng Hồ Chí Minh là những giá trị bền vững, đã và đang được người cách mạng
theo đuổi và thực hiện. Nó sẽ còn tiếp tục phát triển và có sức sống trong thực
tiễn cách mạng cũng như trong thực tiễn phát triển của khoa học”(1).
Vì vậy, để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cần phải kiên định,
vững vàng trên nền tảng chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời
không ngừng bổ sung, phát triển sáng tạo cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam và
xu hướng của thời đại. Tổng Bí thư nêu rõ: “Chúng ta cần tiếp thu, bổ sung một
cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất
về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn tươi mới,
luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào
xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống”(2). Những thành tựu
đạt được trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất
nước, nhất là trong hơn 35 năm đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng chính là nhờ
sự kiên định, nắm vững và vận dụng sáng tạo, đúng đắn chủ nghĩa Mác – Lênin, tư
tưởng Hồ Chí Minh trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển bức thiết của
cách mạng Việt Nam và phù hợp với quy luật phát triển của thời đại.
Hai là, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã
hội.
Tổng Bí thư luận giải, nhân dân Việt Nam đã trải qua một quá
trình đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, hy sinh chống lại sự cường quyền,
áp bức của các thế lực ngoại xâm để giành và giữ nền độc lập cho dân tộc, tự
do, hạnh phúc cho nhân dân.Vì vậy, mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ
nghĩa xã hội “là đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam và cũng là
điểm cốt yếu trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bằng kinh nghiệm,
thực tiễn phong phú của mình kết hợp với lý luận cách mạng, khoa học của chủ
nghĩa Mác- Lênin, Hồ Chí Minh đã đưa ra kết luận sâu sắc rằng, chỉ có chủ nghĩa
xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho
dân tộc, mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất
cả mọi người, cho các dân tộc”(3).
Ba là, kiên định đường lối đổi mới của Đảng.
Thực tiễn 35 năm đổi mới đất nước, Việt Nam đã đạt được những
thành tựu đáng ghi nhận trên các lĩnh vực. Nền kinh tế bắt đầu phát triển
và phát triển liên tục với tốc độ tương đối cao trong suốt những năm qua với
mức tăng trưởng trung bình khoảng 7%/năm. Quy mô GDP không ngừng được mở rộng,
năm 2020 đạt 342,7 tỷ USD, trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN. Thu
nhập bình quân đầu người tăng khoảng 17 lần, lên mức 3.512 USD; Việt Nam đã ra
khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008. Từ một nước bị thiếu lương
thực triền miên, đến nay Việt Nam không những đã bảo đảm được an ninh lương
thực mà còn trở thành một nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác đứng hàng
đầu thế giới. Đến nay, hơn 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; hầu hết các xã
nông thôn đều có đường ô tô đến trung tâm, có điện lưới quốc gia, trường tiểu
học và trung học cơ sở, trạm y tế và điện thoại.
Việt Nam đã tập trung hoàn thành xoá mù chữ, phổ cập giáo dục
tiểu học vào năm 2000 và phổ cập giáo dục trung học cơ sở năm 2010; số sinh
viên đại học, cao đẳng tăng gần 17 lần trong 35 năm qua. Hiện nay, Việt Nam có
95% người lớn biết đọc, biết viết. Mặc dù còn nhiều khó khăn về trang thiết bị,
cơ sở dịch vụ y tế… nên chưa thể cung cấp dịch vụ y tế miễn phí cho người dân
nhưng Việt Nam đã tập trung vào việc tăng cường y tế phòng ngừa, phòng, chống
dịch bệnh, hỗ trợ các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều dịch bệnh vốn phổ
biến trước đây đã được khống chế thành công.
Đặc biệt, trong gần ba năm qua, đại dịch Covid-19 đã khiến
cả thế giới lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều
hành quyết liệt của Chính phủ Việt Nam, với tinh thần “chống dịch như chống
giặc”, nhân dân Việt Nam đã đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành
đã thực hiện những biện pháp mạnh mẽ, toàn diện chiến đấu chống dịch để đảm
bảo quyền được sống, quyền được chăm sóc sức khỏe, quyền được bảo vệ của
nhân dân với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”; các gói an sinh
xã hội, phúc lợi xã hội được nhanh chóng quyết định và triển khai một cách
thiết thực, hiệu quả để kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ những người khó khăn nhất
trong lúc dịch bệnh – điều đó thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ
nghĩa mà chúng ta đã lựa chọn và xây dựng.
Những thành tựu kể trên đã chứng minh rằng, “việc thực hiện
đường lối đổi mới đã đem lại những chuyển biến rõ rệt, hết sức sâu sắc và tích
cực ở Việt Nam”(4)không những có hiệu quả tích cực về kinh tế mà còn giải quyết
tốt các vấn đề xã hội. Có thể nói, “xét trên nhiều phương diện, người dân
Việt Nam ngày nay có các điều kiện sống tốt hơn so với bất cứ thời kỳ nào trước
đây. Đó là một trong những lý do giải thích vì sao sự nghiệp đổi mới do Đảng
Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo được toàn dân Việt Nam đồng tình,
hưởng ứng và tích cực phấn đấu thực hiện”(5). Rõ
ràng, “Những thành tựu đổi mới tại Việt Nam đã chứng minh rằng, phát
triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa không những có hiệu quả tích cực về kinh
tế mà còn giải quyết được các vấn đề xã hội tốt hơn nhiều so với các nước tư
bản chủ nghĩa có cùng mức phát triển kinh tế(6)”.Đây
là lý do phải kiên định đường lối đổi mới của Đảng.
Bốn là, kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo
vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tổng Bí thư khẳng định “Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu
quyết định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta; và công tác xây dựng Đảng luôn
luôn là nhiệm vụ then chốt của Đảng, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với sự
nghiệp cách mạng nước ta”(7). Nhờ kiên định các
nguyên tắc xây dựng Đảng mà Đảng ta đã vượt qua mọi thách thức, củng cố, phát
triển đội ngũ đảng viên; giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng để đưa công cuộc
đổi mới đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử như hiện nay. Tuy
nhiên, nhìn thẳng vào sự thật, Tổng Bí thư cũng nghiêm khắc phê bình, trong
những năm qua, có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán
bộ lãnh đạo, quản lý cao cấp đã suy thoái, vi phạm các nguyên tắc xây dựng
Đảng, “đặc biệt là sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói không đi đôi với làm, vi phạm
kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước”(8), gây
ra những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, xã hội, chính trị.Vì vậy, hơn bao giờ
hết chúng ta phải kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng: tập trung dân
chủ; tự phê bình và phê bình; đoàn kết thống nhất trong Đảng; Đảng gắn bó mật
thiết với Nhân dân; Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật để tiếp
tục phát huy truyền thống tốt đẹp, bản chất cách mạng, tính tiên phong, gương
mẫu, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
Với cách diễn đạt dung dị, dễ hiểu nhưng thể hiện sự quan tâm
“đau đáu” việc kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng, Tổng Bí thư đặt ra câu
hỏi: “Chúng ta phải làm gì và làm như thế nào để thực hiện có kết quả quả Nghị
quyết của Hội nghị Trung ương 4 lần này về xây dựng, chỉnh đốn Đảng”(9)và chỉ
rõ: “phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, đấu tranh chống chủ nghĩa cơ
hội, chủ nghĩa cá nhân, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, thoái hóa …
trong nội bộ Đảng và trong toàn bộ hệ thống chính trị”(10). Có
như vậy, mới giữ vững và phát huy được bản chất tốt đẹp, truyền thống anh hùng
của Đảng ta.
Tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã
hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn
Phú Trọng đầy tâm huyết, mang tầm cao trí tuệ, kết tinh những giá trị lý luận
và thực tiễn, cũng đã luận giải những nguyên tắc sống còn gửi đến toàn Đảng,
toàn quân, toàn dân ta đoàn kết, thống nhất tư tưởng, ý chí và hành động trên
con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam./.
0 nhận xét: