Trong cuộc
trò chuyện trực tuyến với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Tòng, nguyên Phó Chủ tịch
Hội người Việt Nam tại Pháp không giấu nổi xúc động khi nhắc đến những kỷ niệm
trong chuyến thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 năm 2016. Những kỷ niệm đẹp
không bao giờ phai ấy đã thôi thúc ông Nguyễn Thanh Tòng hoàn thành cuốn sách ảnh
“Biển đảo quê hương” dày gần 200 trang nhằm giúp cho những người chưa có cơ hội
được đến Trường Sa hiểu rõ hơn về đời sống của các chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ
biển đảo quê hương. “Cuốn sách đã nói lên sự thật, là những gì tôi hân hạnh được
chứng kiến, được mắt thấy tai nghe. Tôi muốn kể lại những kỷ niệm của mình cho
những người chưa được đến Trường Sa, nhất là những người con xa xứ, thế hệ thứ
hai của người Việt Nam ở nước ngoài – những người mà có thể tiếng Việt còn chưa
sõi. Họ phải được hiểu, được biết rằng nước Việt Nam ta không chỉ có sông núi,
bờ biển đẹp xanh tươi mà giữa trùng dương có những đảo thuộc về lãnh thổ Việt
Nam như quần đảo Trường Sa”, ông Nguyễn Thanh Tòng nhấn mạnh. Cũng theo lời của
nguyên Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp, ngoài phần 1 nói về những kỷ
niệm của bản thân, trong phần 2 của cuốn sách mới xuất bản hồi tháng 9, ông
Nguyễn Thanh Tòng đã thu thập tư liệu lịch sử về chủ quyền của Việt Nam với hai
quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tất cả tạo nên những chứng cứ sống động và đầy
thuyết phục về hình ảnh biển đảo quê hương Việt Nam.
Cũng giống
như ông Nguyễn Thanh Tòng, ông David Nguyễn, kiều bào tại Mỹ tâm sự rằng, lan
toả thông tin cũng là cách lan toả tình yêu biển đảo đến với cộng đồng. Khoe với
chúng tôi những trải nghiệm và các tài liệu, ảnh chụp quý giá từ chuyến đi Trường
Sa và nhà giàn DK1 năm 2014, ông David Nguyễn thừa nhận, bản thân ông đã thay đổi
hoàn toàn, từ một người từng chống đối chính phủ thành một “thuyết phục gia”
trong việc tuyên truyền chính sách của Đảng và Nhà nước đối với chủ quyền biển
đảo. David Nguyễn kể, khi tham dự các cuộc tranh luận, phản bác lập luận xuyên
tạc liên quan đến chủ quyền biển đảo, ông đã thuyết phục người nghe bằng chính
những sự thật mà ông tận mắt chứng kiến . “Chuyến đi đánh dấu khúc chuyển trong
cuộc đời hoạt động của tôi, để tôi hiểu hơn về sự thật”, ông David Nguyễn khẳng
định.
Còn dưới góc
nhìn của một nhà báo, ông Etcetera Nguyễn, kiều bào tại Mỹ – Chủ nhiệm kiêm
phóng viên kênh Việt Nam Today TV, những chuyến thăm Trường Sa và nhà giàn DK1
của kiều bào có ý nghĩa vô cùng lớn đối với công tác đại đoàn kết, hòa hợp dân
tộc. “Trong đời người ai cũng ao ước được ra Trường Sa một lần. Tôi may mắn có
4 chuyến đi trong năm 2012, 2014, 2015 và 2019. Mỗi một chuyến đi đều mang lại
những cảm xúc khác nhau. Tôi nhớ chuyến đi đầu tiên vào năm 2012, khi đó, cộng
đồng người Việt tại Mỹ có nhiều ý kiến trái chiều, tương đối khắc nghiệt và
tiêu cực về Việt Nam, đặc biệt là trong vấn đề biển đảo và bảo vệ chủ quyền.
Trước khi lên đường, tôi vô cùng hào hứng, hồi hộp nhưng cũng có chút băn
khoăn, hoài nghi, do dự. Thậm chí, tôi còn hình dung rằng quần đảo mình tới chỉ
là một nơi hoang vu, không có người ở. Nhưng trái ngược tất cả, đón chúng tôi
là các chiến sĩ, dân đảo chan hoà tình thân”, nhà báo Etcetera Nguyễn kể.
Và với trách
nhiệm của người đưa tin, đi tìm sự thật, nhà báo Etcetera Nguyễn khi đó đang là
Tổng thư ký tờ Việt Weekly, một tờ báo nói về cộng đồng người Việt ở Mỹ đã cùng
các đồng nghiệp liên tục đăng tải các bài viết về cảnh quan, đời sống và tâm
tình của các chiến sĩ cũng như người dân trên đảo. “Những câu chuyện được đăng
trên 3 số báo liên tiếp phát hành ở Mỹ trong thời gian tôi thăm Trường Sa đã
gây chấn động trong cộng đồng người Việt. Khi trở về Mỹ, tôi còn cùng các đồng
nghiệp tổ chức triển lãm với 200 bức ảnh về Trường Sa và nhà giàn DK1 ngay tại
trụ sở toà soạn. Rất đông người Việt đã tới thăm quan. Ban đầu họ đến với thái
độ e dè, tò mò. Sau đó, họ hiểu ra sự thật. Họ phát hiện rằng trước đây họ bị
nhồi nhét những thông tin không đúng. Một số người bảo thủ thì lại tự huyễn hoặc
với cách lý giải vô lý rằng đây là cuộc triển lãm sắp đặt và tự tổ chức các cuộc
biểu tình phản đối chúng tôi. Nhưng sự thật là sự thật. Cuối cùng thì triển lãm
ảnh không giới hạn ấy của chúng tôi đã làm cho cộng đồng người Việt ở Mỹ thay đổi
cái nhìn, tin tưởng hơn rằng biển đảo Việt Nam vẫn đang được bồi đắp, gìn giữ
và bảo vệ. Trường Sa và nhà giàn DK1 chính là mẫu số chung giúp bà con kiều bào
và người dân trong nước hiểu nhau hơn”, nhà báo Etcetera Nguyễn tiết lộ.
Rưng rưng hát
lại vài câu trong lời ca “Tình em quê nhà, tình anh đảo xa” được phỏng theo làn
điệu dân ca Quan họ, chị Lê Thị Bích Hường, Chủ tịch Hiệp hội Italy-Việt Nam đã
không cầm được nước mắt khi kể lại kỷ niệm chuyến đi năm 2018 của mình. “Lần
nào nhắc đến Trường Sa tôi cũng không kìm được lòng. Hành trình của chuyến đi
thật quá ấn tượng. Lễ chào cờ ở cột mốc chủ quyền rồi cả những cảm xúc khó tả
khi được lên thăm đảo lớn, đảo chìm đảo nổi. Nhìn những chiến sĩ tay bồng súng
đứng canh cột mốc. Đại đa số các chiến sĩ đều còn rất trẻ như con trai tôi (chỉ
khoảng 19-20 tuổi). Họ hát ca vui vẻ, dùng tiếng hát, tiếng đàn ghi-ta để chào
đón chúng tôi. Chúng tôi càng cảm phục ý chí kiên cường của các chiến sĩ. Cả
người dân trên đảo nữa. Họ sẵn sàng chống chọi với muôn vàn khó khăn, một tấc
cũng không lui, không dời để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Sự có mặt của người dân
đã khẳng định sự trường tồn của đảo. Tôi không bao giờ quên khoảnh khắc một chiến
sĩ trẻ lại gần nói với tôi: “U ơi, con có thể ôm u một lúc được không?”. Có lẽ
chiếc khăn mỏ quạ cùng áo tứ thân của tôi đã gợi nhớ về hình ảnh người mẹ ở quê
nhà của chiến sĩ đó… Và còn nhiều, còn nhiều câu chuyện khác nữa đã in đậm dấu ấn
trong trái tim tôi”, chị Lê Thị Bích Hường tâm sự.
Cùng chuyến đi với chị Lê Thị Bích Hường năm đó còn có nữ nhà văn Hiệu
Constant (kiều bào Pháp). “Hành trình hơn 1.000 hải lý cùng 200 thành viên của
đoàn công tác số 10 trên con tàu KN491 là những kỷ niệm về một gia đình đặc biệt,
đầy ắp tình yêu quê hương, biển đảo, tràn ngập tiếng cười và nhất là sự xúc động
đôi khi không thể nói được bằng lời… Chỉ trong có 10 ngày thôi mà tôi như sống
rất nhiều cuộc đời, có vui, có hân hoan và còn có cả những giọt nước mắt, lúc
ngậm ngùi khi hoan hỉ. Tôi đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Và trên hết, tôi
đã cảm nhận sâu sắc rằng mỗi nhành san hô, mỗi hạt cát và cỏ cây nơi đây đều
mang hồn thiêng dân tộc, thấm đẫm mồ hôi và xương máu của nhiều thế hệ con dân
đất Việt”, nhà văn Hiệu Constant viết trong cuốn truyện ký mang tên “Kiều bào với
Trường Sa” xuất bản hồi tháng 5. Cũng theo lời kể của chị Hiệu Constant, dù từng
chứng kiến và tham dự vô vàn buổi lễ chào cờ của nhiều thế hệ, nghe Quốc ca của
nhiều nước trên thế giới, xem các đoàn duyệt binh còn hoành tráng hơn nhiều,
song buổi chào cờ tại đảo Song Tử Tây vẫn gây nhiều xúc động. “Nhất là khi được
nghe giọng nói rắn rỏi, trang nghiêm của một chiến sĩ trẻ đọc 10 lời thề. Tôi
nhận thấy ánh mắt rưng rưng của các cán bộ lãnh đạo đoàn công tác và những dòng
lệ đọng trên mi rồi lăn dài trên má của một số đại biểu kiều bào, cảm nhận những
bước đi vững mạnh kiêu hùng của các đoàn duyệt binh… Trường Sa, hai tiếng thân
thương, luôn vang mãi trong tâm khảm của mỗi người dân đất Việt, nhất là với những
người con xa xứ. Tất cả những kiều bào mà tôi đã may mắn phỏng vấn, ai cũng tự
nguyện biến mình thành cánh én để loan tin, để làm lan toả những gì mình mắt thấy
tai nghe về chủ quyền thiêng liêng của biển đảo Trường Sa… Giờ đây, Trường Sa
không còn xa nữa”, nhà vănHiệu Constant chia sẻ.
Trong khi đó,
chị Cao Hồng Vinh, Chủ tịch CLB Hoàng Sa Trường Sa tại Ba Lan vẫn lưu giữ con gốc
biển nhỏ do một chiến sĩ ở Trường Sa tặng trong lần tới thăm đảo. “Mỗi lần đến
đảo, chúng tôi lại cảm nhận được tình cảm ấm áp như trở về ngôi nhà thân thương
của mình. Tôi còn nhớ như in cảnh một chiến sĩ đi tìm đồng hương trong đoàn để
nhờ gửi lời hỏi thăm gia đình. Hay tâm tình của một chiến sĩ trẻ nhớ người yêu.
Ngày nào, chiến sĩ đó cũng thu nhặt ốc biển, rửa sạch và gói gém kỹ để chờ dịp
gửi về cho người yêu. Còn có câu chuyện về bé con đến trường và sự vất vả của
các thầy cô giáo dạy con chữ cho lũ trẻ trên đảo… Nhiều lắm những câu chuyện
trên đảo chìm đảo nổi. Chính Trường Sa đã trở thành sợi dây kết nối chúng tôi.
Chỉ cần gặp bất cứ ai ở trời Tây mà nói đến đã thăm Trường Sa thì như thân thiết
một nhà. Chúng tôi thành lập CLB Trường Sa-Hoàng Sa ở châu Âu để vừa là nơi ôn
kỷ niệm, vừa là nơi để chia sẻ kế hoạch hỗ trợ Trường Sa. Và trong tim chúng
tôi vẫn luôn ghi nhớ câu thơ đầy cảm xúc về Trường Sa của anh Giáp Quang Chung,
kiều bào Hungary: “Trường Sa xin đến một lần/Để mang Tổ quốc lại gần
trong tim”.
0 nhận xét: