Một trong những
tiền đề quan trọng nhất cho việc thực thi dân chủ và quyền con người đó là phát
triển kinh tế. Trong những năm qua, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch
Covid-19 hoành hành gây không ít khó khăn nhưng Đảng và Nhà nước Việt Nam đã thực
hiện thắng lợi nhiều chương trình phát triển KT-XH, bảo đảm ngày càng tốt hơn
các quyền con người về kinh tế, văn hoá, xã hội.
Mặc dù vậy,
các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí thông qua một số
tờ báo ở hải ngoại và mạng xã hội vẫn núp dưới danh nghĩa “bảo vệ nhân quyền” lợi
dụng vấn đề này để bóp méo, xuyên tạc chống phá Việt Nam. Nhất là trong hơn 2
năm phòng, chống đại dịch Covid-19, núp bóng “bảo vệ nhân quyền” chúng ra sức
rêu rao cho rằng các biện pháp chống dịch của ta là “vi phạm quyền con người”;
chính quyền không quan tâm đến dân “bỏ mặc” dân muốn “sống chết ra sao thì ra”.
Các chính sách phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội cũng bị
chúng bóp méo xuyên tạc cho rằng, Chính phủ Việt Nam “không hỗ trợ cứu đói” cho
dân mà còn tìm cách “tận thu vơ vét tiền của dân”….
Còn nhiều nữa
những luận điệu, chiêu trò được các thế lực thù địch tung ra nhưng tất cả chỉ
là vô nghĩa. Những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong phát triển kinh tế,
bảo đảm an sinh xã hội nói chung và trong phòng, chống đại dịch Covid-19 nói
riêng đã bác bỏ hoàn toàn những luận điệu sai trái đó.
Một thực tế cần
phải thấy rõ là sau khi nước nhà thống nhất, đặc biệt là từ khi Việt Nam tiến
hành công cuộc đổi mới (năm 1986) cho đến nay, mức sống trung bình của người
dân Việt Nam không ngừng tăng lên. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu
người liên tục tăng: thời kỳ 1986-2000 tăng 6,80%, cao gần gấp đôi thời kỳ
1977-1985. Từ năm 2001 đến nay, tốc độ tăng GDP liên tục vượt ngưỡng 7%/năm. Đặc
biệt mặc dù đại dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, làm gián đoạn hoạt động
KT-XH nhưng với những giải pháp quyết liệt và hiệu quả trong thực hiện mục tiêu
kép “vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển KT-XH”, kinh tế Việt Nam vẫn đạt
kết quả tích cực với việc duy trì tăng trưởng. Năm 2020, GDP tăng 2,91%. Tuy là
mức tăng thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011-2020 nhưng trong bối cảnh dịch
bệnh ảnh hưởng nặng nề, Việt Nam vẫn thuộc nhóm nước có mức tăng trưởng cao
trên thế giới. Năm 2021, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp hơn, tác động
tiêu cực lớn hơn nhưng GDP của Việt Nam vẫn tăng 2,58%…
Việt Nam đã
chuyển từ khu vực các nước kém phát triển sang khu vực các nước đang phát triển.
Việt Nam đã đạt được sự phát triển thần kỳ về sản xuất nông nghiệp, từ chỗ sản
xuất không đủ tiêu dùng, phải nhập khẩu với khối lượng lớn, nay sản xuất đã vượt
nhu cầu trong nước và xuất khẩu nhiều sản phẩm với khối lượng đứng thứ bậc khá
cao trên thế giới. Một trong những nhân tố tạo nên sự phát triển nhanh chóng là
người dân có điều kiện tự do làm ăn, kinh doanh.
Tính chất, mô
hình kinh tế, vai trò quản lý của nhà nước trong nền kinh tế đã được quy định
rõ trong Hiến pháp năm 2013: “Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam xây dựng nền kinh tế
độc lập, tự chủ, phát huy nội lực, hội nhập, hợp tác quốc tế, gắn kết chặt chẽ
với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường,
thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” (Điều 50); “Nền kinh tế Việt
Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều
thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” (Khoản 1 Điều 51).
Nhà nước Việt Nam tôn trọng các thành phần kinh tế; những người có năng lực và
điều kiện ở mọi thành phần kinh tế đều được Nhà nước tạo điều kiện để tham gia
vào quá trình phát triển. Đặc biệt, Luật Doanh nghiệp năm 2000 đã tạo ra một sức
sống mới cho các doanh nghiệp Việt Nam. Giai đoạn 2016-2020, trung bình mỗi năm
Việt Nam có 128,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký bình quân
một doanh nghiệp tăng hơn 2,6 lần so với năm 2015. Đến năm 2020, Việt Nam có
758.610 doanh nghiệp đang hoạt động. Năm 2021, mặc dù ảnh hưởng nặng nề của đại
dịch Covid-19, nhưng cả nước vẫn có 85.483 doanh nghiệp thành lập mới. Quy mô vốn
sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân tăng mạnh, từ 6.875 nghìn tỷ đồng
năm 2011, lên 24.024,5 nghìn tỷ đồng vào 2019, tăng gấp gần 3,5 lần.
Chính phủ Việt
Nam đã thực hiện nhiều biện pháp quan trọng nhằm phát triển kinh tế, giải quyết
việc làm. Trong khoảng 15 năm gần đây, bình quân mỗi năm tạo ra từ 1,5-1,8 triệu
việc làm mới. Năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng cả nước giải quyết việc
làm khoảng 1,34 triệu người. Năm 2021, diễn biến phức tạp và kéo dài của dịch
Covid-19 đã khiến tình hình lao động việc làm gặp nhiều khó khăn. Bằng nhiều biện
pháp, đặc biệt là sau khi phủ rộng vắc-xin và các biện pháp giãn cách xã hội đã
được nới lỏng, nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường lao động đã có sự
phục hồi mạnh mẽ.
Đặc biệt nhận
thấy rõ những ảnh hưởng ghê gớm của đại dịch Covid-19, với mục tiêu xuyên suốt
“không ai bị bỏ lại phía sau”, Chính phủ Việt Nam đã kịp thời có các nghị quyết
như: Nghị quyết số 42/NQ-CP, ngày 09/4/2020 và Nghị quyết số 154/NQ-CP, ngày
19/10/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19;
Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 01/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động
và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Nghị quyết số
116/NQ-CP, ngày 24/9/2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng
lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp…Những
nghị quyết, quyết sách, biện pháp của Chính phủ đã nhanh chóng đi vào cuộc sống
góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội, kịp thời hỗ trợ người dân, doanh
nghiệp, đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương vượt qua đại dịch, đồng thời khẳng định
tính ưu việt của chế độ XHCN ở Việt Nam.
Cùng với đó,
một trong những thành tựu nổi bật nhất của Việt Nam về bảo đảm quyền con người
là đạt được những tiến bộ vượt bậc về xoá đói giảm nghèo, phát triển con người
và chất lượng cuộc sống. Xoá đói giảm nghèo được coi là mục tiêu chiến lược
quan trọng trước mắt và lâu dài với nhiều chương trình đặc biệt như: Chương
trình 143 và dự án hạ tầng cơ sở thuộc Chương trình 135; hỗ trợ người nghèo bằng
chính sách cho vay tín dụng ưu đãi…. Cùng với áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ
người nghèo về y tế, giáo dục, Chính phủ Việt Nam còn có nhiều chính sách hỗ trợ
người nghèo về đất đai, nhà cửa để bảo đảm an toàn cuộc sống cho người nghèo. Với
những chính sách và chương trình mục tiêu thiết thực, cụ thể từ 1986 đến nay, tỷ
lệ đói nghèo ở Việt Nam liên tục giảm. Đặc biệt những năm gần đây tính theo chuẩn
nghèo của quốc tế tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam giảm mạnh. Năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo
cả nước giảm còn khoảng 2,75%, tỷ lệ hộ cận nghèo cả nước còn khoảng 4%. Năm
2021, tỷ lệ hộ nghèo là 2,23%; tỷ lệ hộ cận nghèo là 3,11%. Trong tất cả các mục
tiêu thiên niên kỷ, Việt Nam đạt được tiến bộ ấn tượng nhất ở mục tiêu giảm
nghèo.
Chúng ta
không phủ nhận trong thực hiện quyền phát triển kinh tế, nâng cao đời sống ở Việt
Nam còn có mặt hạn chế, nhưng xét một cách tổng thể thì những thành tựu mà
chúng ta đạt được vẫn là chủ yếu và rất quan trọng. Chỉ điểm qua những nét cơ bản
ấy đã đủ khẳng định quyền phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất của
người dân ở Việt Nam luôn được bảo đảm. Đó cũng là minh chứng thuyết phục khẳng
định quan điểm nhất quán tăng trưởng kinh tế đi liền với phát triển văn hoá, từng
bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, thực hiện tiến bộ và
công bằng xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường vừa là yêu cầu vừa là điều kiện
cần thiết để giữ ổn định và phát triển đất nước của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Trong bối cảnh
đất nước còn nhiều khó khăn, những năm tới dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều
hành của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương và toàn dân ta sẽ tiếp tục
đoàn kết, nỗ lực vượt bậc để bảo đảm quyền con người nói chung và quyền phát
triển kinh tế, nâng cao đời sống nói riêng ngày càng tốt hơn. Thực tế cho thấy,
Việt Nam càng đạt nhiều thành tựu thì các thế lực thù địch càng gia tăng xuyên
tạc chống phá. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần thường xuyên nâng cao cảnh giác nhận
diện rõ ràng để chủ động có các biện pháp đấu tranh phù hợp, hiệu quả làm thất
bại mọi âm mưu, thủ đoạn, phương thức xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù
địch./.
0 nhận xét: