Sau chuỗi
ngày chạy đua sản xuất vaccine Covid-19 để đáp ứng nhu cầu khổng lồ của thế giới,
ngành công nghiệp vaccine toàn cầu đang cho thấy những dấu hiệu chững lại do
nhu cầu về vaccine sụt giảm.
Năm ngoái
(2021), thế giới đã phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt vaccine trầm trọng,
nhất là ở các nước có thu nhập thấp do các quốc gia giàu có đã ưu tiên sử dụng
hầu hết các liều sẵn có cho công dân của nước họ. Tuy nhiên, điều này đang có dấu
hiệu bị đảo ngược khi cung vượt cầu về vaccine và thế giới đứng trước khả năng
dư thừa vaccine. Thậm chí khi nhiều quốc gia triển khai tiêm mũi vaccine tăng cường
trên diện rộng thì tình trạng thừa vaccine vẫn diễn ra.
Tính đến cuối
tháng 1/2022, chương trình COVAX của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tiếp nhận tổng
cộng 436 triệu liều vaccine để phân bổ cho các nước. Tuy nhiên các quốc gia chỉ
đề nghị COVAX cung cấp 100 triệu liều đến hết tháng 5. Như vậy, lần đầu tiên
nguồn cung dự trữ vaccine đã vượt quá nhu cầu.
Bước sang năm
2022, khi nguồn cung và các khoản quyên góp tăng lên, các quốc gia nghèo hơn lại
phải đối mặt với những rào cản khác không phải sự cạnh tranh từ nước giàu. Đó
là sự thiếu hụt dây chuyền lạnh bảo quản vaccine, tâm lý do dự tiêm chủng và
tình trạng thiếu kinh phí để hỗ trợ các mạng lưới phân phối vaccine.
Các quan chức
tham gia phân phối vaccine giải thích lý do nhiều quốc gia từ chối nhận thêm vì
hệ thống phân phối và bảo quản lạc hậu. Tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng ở
châu Phi, nơi đang có tỉ lệ tiêm chủng thấp nhất trong các châu lục trên thế giới.
Dự kiến số lượng tiêm chủng trong năm 2023 sẽ giảm xuống so với những ngày đầu
của đại dịch trong khi ngày càng có nhiều nhà sản
xuất tham gia vào thị trường vaccine. Theo công ty phân tích dữ liệu Airfinity,
hơn 9 tỷ liều vaccine có thể được sản xuất trong năm 2022, song nhu cầu vaccine
có thể sẽ giảm xuống còn khoảng 2,2 – 4,4 tỷ liều/ năm từ các năm tiếp theo.
Ông Scott Rosenstein,
cố vấn chăm sóc sức khỏe đặc biệt của công ty tư vấn rủi ro Eurasia Group có trụ
sở tại New York, nhận định: “Một trong những câu hỏi lớn được đặt ra là các
hãng dược phẩm sẽ làm gì với năng lực sản xuất vaccine mạnh mẽ của họ giữa lúc
nhu cầu về tiêm chủng ngừa Covid-19 giảm sút. Có lẽ việc chuyển sang đáp ứng
các loại vaccine chưa bão hòa trong thị trường là một lựa chọn khả thi cho tất
cả các nhà máy lúc này”.
“Chúng tôi
tin rằng không chỉ vaccine Covid-19, mà vaccine phòng ngừa cúm, phế cầu, và các
bệnh khác đều có thể mở ra những cơ hội lớn”, chủ tịch Kiran Mazumdar Shaw của
Biocon, Công ty Dược phẩm lớn nhất Ấn Độ, cho biết.
Bên cạnh Ấn Độ,
các nhà phát triển vaccine khác trên thế giới cũng đang gặp khó khăn. Công ty
Kalbe Farma của Indonesia đã tạm dừng việc hợp tác về vaccine Covid-19 với Công
ty Genexine của Hàn Quốc trong tháng này, với lý do nguồn dự trữ dồi dào. Hiện
Kalbe Farma đang hướng tới việc áp dụng công nghệ ADN trong quá trình sản xuất
các loại vaccine khác.
Theo đánh giá
của các chuyên gia, mặc dù có những áp lực trong bối cảnh hiện nay, song các
công ty dược phẩm vẫn có thể theo đuổi việc điều chế vaccine với những cải tiến
vượt trội hơn so với phiên bản ban đầu./.
0 nhận xét: