21/4/22

Đảng viên phải tự nguyện “khép mình” trong kỷ luật

 


Chia sẻ về Quy định số 37 của Ban Chấp hành trung ương khóa XIII quy định 19 điều đảng viên không được làm, GS.TS Phùng Hữu Phú cho rằng, đảng viên phải “khép mình” trong kỷ luật, không thể khác được, ở đây là khép tự nguyện.

Chia sẻ về Quy định số 37 của Ban Chấp hành trung ương khóa XIII quy định 19 điều đảng viên không được làm, GS.TS Phùng Hữu Phú, Chủ tịch Hội đồng khoa học cơ quan Đảng cho rằng, Trung ương đã có bước đổi mới, trước đây thường sau khi ban hành Nghị quyết, tổ chức thực hiện mới tiến hành xây dựng các quy định. Lần này, ngay trong quá trình chuẩn bị Kết luận, đã đồng thời chuẩn bị luôn quy định, điều đó thể hiện tinh thần nói là làm ngay. Đây là điểm mới.

Vì sao cần có quy định những điều đảng viên không được làm?

Theo GS.TS Phùng Hữu Phú, qua theo dõi tình hình tư tưởng trong Đảng, cũng có người băn khoăn, có người phỏng vấn hỏi “quy định như thế có vi phạm nhân quyền không, mất dân chủ không, có “bó chân, bó tay” cán bộ, đảng viên không?”.

Nhấn mạnh là “không”, ông Phùng Hữu Phú nêu rõ, phải có quy định đó trước hết, về nguyên lý, Đảng viên là những người ưu tú nhất của giai cấp, của dân tộc. Đảng là tổ chức tập hợp những phần tử ưu tú nhất, đã là người ưu tú thì yêu cầu phấn đấu, rèn luyện phải cao hơn so với công dân bình thường. Là thành viên của một tổ chức chính trị thống nhất, có kỷ luật cao nhất; sức mạnh của Đảng bắt nguồn chính từ sự thống nhất và kỷ luật nghiêm minh, nên đảng viên phải khép mình trong kỷ luật, không thể khác được, ở đây là khép tự nguyện.

“Ai vào Đảng cũng đều giơ tay xin thề phục tùng, chấp hành kỷ luật của Đảng. Là đảng viên thì trách nhiệm nặng nề hơn, anh là công dân, anh phải thực hiện theo pháp luật; nhưng anh là công dân đảng viên thì vừa phải thực hiện theo pháp luật vừa phải thực hiện quy định của Đảng. Đấy là nguyên tắc. Anh đã tự nguyện chấp hành thì không thể nói là vi phạm nhân quyền, mà đấy là trách nhiệm”, GS.TS Phùng Hữu Phú phân tích.

Ông Phú cũng cho rằng, quy định của Đảng về những điều đảng viên không được làm cũng chính là “hành lang”, là “hàng rào” để bảo vệ đảng viên. Dẫn lời Bác Hồ từng nói, đảng viên không phải thần thánh, cũng là người trần mắt thịt, cũng là con người, cũng dễ bị cám dỗ, tha hóa cho nên cần có hàng rào để bảo vệ, ông Phú nhấn mạnh Quy định 37 bảo vệ đảng viên không rơi vào sa ngã, biến chất. Quy định này cũng là căn cứ để đảng viên phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của mình.

Lần thứ 5 Đảng quy định những điều đảng viên không được làm

GS.TS Phùng Hữu Phú cho rằng, nội dung của Quy định 37 không mới. Đảng đã có quy định những điều đảng viên không được làm từ Đại hội VIII. Quy định 37 là quy định thứ 5.

Quy định 37 đã bổ sung những quy định mới để giải quyết những “nhức nhối” thực tiễn như “đưa, nhận, môi giới, hối lộ”, “phản bác, phủ nhận, xuyên tạc Chủ nghĩa Marx-Lenin, Tư tưởng Hồ Chí Minh”; “không thực hiện trách nhiệm nêu gương, chủ nghĩa cá nhân, vụ lợi, tư duy nhiệm kỳ, đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa dân”…

Ở điều 13 quy định “không được can thiệp, tác động vào hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xét đặc xá, giải quyết khiếu nại tố cáo, để bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm quy định của Đảng, của Nhà nước, tác động ép buộc, mua chuộc tổ chức cá nhân để giảm trách nhiệm, hình phạt cho người khác”.

“Quy định này để ngăn chặn các hành vi chạy tội. Sở dĩ nhiều vụ việc, vụ án xử lý rất khó là vì có những lực lượng can thiệp vào hoặc dùng uy tín hoặc tiền tài để mua chuộc, làm méo mó sự việc. Cuộc đấu tranh để giữ công lý là rất khó khăn, phức tạp. Hiện tượng này vẫn đang diễn ra. Điều 13 này để ngăn chặn các hành vi rất nguy hiểm khiến cán cân công lý không nghiêm, kỷ luật kỷ cương cũng không nghiêm. Kỷ cương trong Đảng mà không nghiêm tránh sao xã hội không rối ren”, ông Phú phân tích./.

Thanh Hà/VOV.VN

 

0 nhận xét: