V.I.Lênin là vị
lãnh tụ thiên tài của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và các dân tộc
bị áp bức trên toàn thế giới.
Người đã cùng với Đảng Bolshevik Nga lãnh đạo thành công Cách mạng Tháng Mười năm 1917, mở đầu một thời đại mới trong lịch sử phát triển của nhân loại.
Kể từ sau sự
kiện Cách mạng Tháng Mười với sự ra đời của Nhà nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) Xô
viết đến nay, các thế lực phản động quốc tế vẫn không ngừng xuyên tạc, bôi nhọ,
phủ nhận tư tưởng, lý luận và vai trò của Lênin đối với
tiến trình phát triển của thế giới trong thế kỷ 20. Họ phê phán quan điểm của
Lênin về thực hiện cách mạng bạo lực trong đấu tranh giành và giữ chính quyền của
giai cấp vô sản, cho đó là “biện pháp cực đoan”, “xóa bỏ dân chủ”. Họ ra sức
tán dương, cổ xúy cho các cuộc cách mạng xã hội bằng phương pháp hòa bình như
đã diễn ra ở một số nước tư bản trong thế kỷ 19.
Trước sự sụp đổ
của chủ nghĩa xã hội (CNXH) hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu vào những
năm 80 và 90 của thế kỷ 20, các thế lực thâm thù với cách mạng viện cớ vào
“khúc quanh” này của lịch sử để tấn công nhằm hạ bệ vai trò lãnh tụ của Lênin đối
với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, xóa bỏ Chủ nghĩa Mác-Lênin và
CNXH trong thế giới đương đại.
Vậy vì sao các
loại kẻ thù lại điên cuồng chống đối quyết liệt nhằm xóa bỏ vai trò của Lênin đối
với tiến trình phát triển của lịch sử thế giới hiện nay? Điều này thật dễ lý giải,
đó là từ sau Cách mạng Tháng Mười Nga đến nay, không có một nhà hoạt động chính
trị nào trên thế giới mà tư tưởng, lý luận của họ lại được hàng triệu, hàng triệu
người thấm nhuần, ủng hộ và vận dụng; không một nhân vật lịch sử nào có tác phẩm
được dịch ra nhiều thứ tiếng, xuất bản lưu hành ở nhiều nước với số lượng rất lớn
như các tác phẩm kinh điển của Lênin.
Lênin không chỉ
là nhà lý luận thiên tài mà còn là một lãnh tụ cách mạng với hoạt động thực tiễn
phong phú và đầy bản lĩnh. Trong cao trào cách mạng của giai cấp công nhân ở
châu Âu, tháng 3-1919, Lênin đã cùng lãnh tụ cách mạng các nước lập nên Quốc tế
Cộng sản III để lãnh đạo phong trào cách mạng thế giới. Khẩu hiệu “Vô sản tất cả
các nước đoàn kết lại!” của Mác đã được Lênin bổ sung thành: “Vô sản tất cả các
nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại!”. Người chỉ rõ: “Không có sự cố gắng
tự nguyện tiến tới sự liên minh và sự thống nhất của giai cấp vô sản, rồi sau nữa
của toàn thể quần chúng cần lao thuộc tất cả các nước và các dân tộc trên toàn
thế giới, thì không thể chiến thắng hoàn toàn chủ nghĩa tư bản được”(1).
Đoàn kết giai cấp công nhân thế giới, quan tâm giải phóng dân tộc ở các nước
thuộc địa… là những cống hiến to lớn của Lênin trong việc bảo vệ, phát triển chủ
nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân.
Tư tưởng, lý
luận cách mạng và vai trò của Lênin đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc
tế là vô cùng to lớn. Chính từ nguồn cổ vũ lớn lao của Cách mạng Tháng Mười, từ
tính ưu việt của chế độ XHCN của Nhà nước Liên Xô, với sức mạnh về kinh tế và
quốc phòng, đã trở thành nhân tố quan trọng gìn giữ hòa bình thế giới và cứu
nhân loại khỏi thảm họa phát xít trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Tuy Nhà nước
Liên Xô luôn ở trong vòng kiềm tỏa toàn diện của chủ nghĩa đế quốc nhưng trong
nhiều thập kỷ của thế kỷ 20, Liên Xô vẫn là trụ cột của hệ thống XHCN, là điểm
tựa cho phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc của giai cấp công nhân và
nhân dân lao động bị áp bức trên toàn thế giới.
Đối với cách mạng
Việt Nam, tư tưởng và lý luận của Lênin về cách mạng vô sản đã mở ra chân trời
mới, soi đường cho nhân dân ta trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và tiến
lên con đường xây dựng CNXH. Trong hành trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc-Hồ
Chí Minh đã vô cùng cảm động và hạnh phúc khi đọc tác phẩm “Sơ thảo lần thứ nhất
những luận cương về các vấn đề thuộc địa” của Lênin. Người nói: “Chủ nghĩa
Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những
là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời
soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới CNXH và chủ
nghĩa cộng sản”(2). Từ đó, Người đi theo lãnh tụ Lênin, theo con đường
của Cách mạng Tháng Mười, trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên vận dụng
và phát triển sáng tạo lý luận của Chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của
cách mạng Việt Nam.
Trong quá
trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí
Minh và Đảng ta đã đề ra và kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền
với CNXH, kết hợp nhuần nhuyễn vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp, xây dựng lý
luận cách mạng giải phóng và phát triển dân tộc theo khuynh hướng vô sản, giải
quyết thành công mối quan hệ giữa đất nước và thời đại, giữa dân tộc và quốc tế.
Những luận điểm đó có giá trị lâu dài chỉ đạo đường lối cách mạng Việt Nam, khẳng
định vai trò lãnh đạo của Đảng ta được dẫn đường bởi Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng
Hồ Chí Minh. Đây vừa là bài học lớn, xuyên suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt
Nam trong hơn 92 năm qua, vừa là cội nguồn dẫn đến mọi thắng lợi của cách mạng
Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng
CNXH, đổi mới đất nước. Đó là những đóng góp quan trọng vào việc bảo vệ và phát
triển lý luận Chủ nghĩa Mác-Lênin của Đảng ta trong thời đại mới.
Kỷ niệm 152
năm Ngày sinh của lãnh tụ Lênin, chúng ta tiếp tục khẳng định, cho dù hiện nay
các thế lực thù địch đang ra sức chống phá điên cuồng Chủ nghĩa Mác-Lênin và
CNXH, song, với bản chất cách mạng, khoa học và thực tiễn lịch sử không thể phủ
nhận, những di sản tư tưởng, lý luận cách mạng của Lênin vẫn đang hiện hữu và
có sức sống mãnh liệt trong trái tim, khối óc của hàng triệu, hàng triệu người
trên thế giới. Hình ảnh và vai trò của Lênin vẫn luôn đồng hành trong tiến
trình phát triển của lịch sử thế giới đương đại, không một thế lực nào có thể
“đổi trắng thay đen” và bác bỏ được.
0 nhận xét: