1. Đối với
mỗi cán bộ, đảng viên, niềm tin chính trị là xương sống giúp xây dựng động lực,
quyết tâm thực hiện thắng lợi lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với
chủ nghĩa xã hội.
Niềm tin
chính trị được hình thành, củng cố dựa trên cơ sở tri thức khoa học cùng với
tình cảm và lý tưởng chính trị. Có niềm tin chính trị vững chắc thì có động
lực, quyết tâm và tinh thần đoàn kết thực chất. Trên thực tế, niềm tin này đã
giúp quân và dân ta từng bước đi đến chiến thắng trong các cuộc kháng chiến
giành độc lập, tự do, bảo vệ toàn vẹn biên giới lãnh thổ, thực hiện thắng lợi
các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, kiên định hướng tới “dân giàu, nước mạnh,
xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.
Hiện nay có
thực tế là, những kết quả, thành tích phát triển kinh tế – xã hội đôi lúc bị
“lu mờ”. Những tiêu cực từ chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm” của một bộ phận
cán bộ, đảng viên có chức quyền vi phạm pháp luật, bị kỷ luật trong thời gian
qua đã bị một số đối tượng đem ra là “thước đo để hạ bệ niềm tin”.
Nhìn nhận một
cách toàn diện thấy rằng, mặt trái từ kinh tế thị trường, thói chạy theo lợi
ích vật chất, những kẽ hở do cơ chế, pháp luật chưa hoàn thiện… đã khiến một số
cán bộ, đảng viên có chức quyền không còn giữ được bản lĩnh, niềm tin chính trị
và lý tưởng mà sa vào chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”. Những vụ việc cán bộ
cao cấp, nguyên cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương vi
phạm pháp luật phải xử lý thời gian qua đã trở thành “căn cứ” để những kẻ “trở
cờ”, “cơ hội chính trị” trong nước vin vào mà quy chụp rằng, chủ trương, chỉ đạo
về xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị là cuộc đấu của “phe nhóm”, rằng
con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ là “màu xám”. Những luận điệu này đã
khiến niềm tin của một số cán bộ, đảng viên nói riêng và nhân dân nói chung dao
động, lung lay, tiềm ẩn các nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
2. Trong
hoàn cảnh đó, những bài viết, phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đặc
biệt là sự ra đời của cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ
nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” đã phản bác các
luận điệu chống phá, xuyên tạc một cách đanh thép, đầy sức thuyết phục, tiếp tục
củng cố thêm niềm tin chính trị vững chắc trong cán bộ, đảng viên và toàn xã hội.
Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Xã hội xã hội chủ nghĩa với giá trị cốt lõi, bền
vững và tốt đẹp mà nhân loại hướng tới, là một xã hội mà trong đó sự phát triển
là thực sự vì con người chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên
phẩm giá con người”. Tất cả quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và
phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có. Theo
Tổng Bí thư, cả lý luận và thực tiễn đều cho thấy, xây dựng chủ nghĩa xã hội là
kiến tạo một kiểu xã hội mới về chất, hoàn toàn không hề đơn giản, dễ dàng. Đây
là cả một sự nghiệp sáng tạo vĩ đại, đầy thử thách, khó khăn; một sự nghiệp tự
giác, liên tục, hướng đích lâu dài, không thể nóng vội. Qua đó khẳng định rằng,
chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh
mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới.
Không thể phủ
nhận, ở đâu đó niềm tin chính trị vẫn đang bị mai một bởi sự tác động có chủ
đích của những thế lực đen tối, nhưng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – bằng các
bài viết, phát biểu của mình – đã truyền cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ngọn
lửa niềm tin vào con đường đã chọn. Để luôn hiện hữu niềm tin chính trị, để rộng
mở con đường hướng tới một Việt Nam hùng cường, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải
bám sát mục tiêu lý tưởng, coi trọng kỷ luật, lấy cống hiến cho dân, cho nước
làm trọng. Cần phải bám sát các quy định của luật pháp để kiến tạo những chương
trình, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội, tạo việc làm, hướng tới cải thiện,
nâng cao đời sống nhân dân, hạn chế thấp nhất tiêu cực, thất thoát, lãng phí.
Tổ chức Đảng
các cấp và từng cơ quan, đơn vị, địa phương cần nắm chắc chất lượng cán bộ,
kiên quyết thanh tra, kiểm tra, xử lý “không có vùng cấm” đối với những cán bộ,
đảng viên vụ lợi, tham vọng “vinh thân phì gia”, vi phạm pháp luật. Từng bước
phải loại bỏ được hiện tượng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, “quyền anh, quyền
tôi”, “cua cậy càng, cá cậy vây” trong quản lý, lãnh đạo và điều hành.
Xây dựng niềm
tin chính trị, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định
đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng là nhiệm vụ
cao cả, linh thiêng và có ý nghĩa sống còn với mỗi cán bộ, đảng viên. Càng giữ
chức vụ cao, quyền lực lớn thì việc này càng phải làm thường xuyên, liên tục. Mỗi
ngày, mỗi cán bộ, đảng viên cần làm mới mình bằng tri thức, chất lượng, hiệu quả
công việc trên tinh thần thượng tôn pháp luật, thật sự phục vụ nhân dân và đất
nước. Phải cảnh giác, tránh sa vào hiện tượng “kém miếng khó chịu” để rồi nể
nang, né tránh, hữu khuynh, “ngậm miệng ăn tiền”, cục bộ, bè phái, “lợi ích
nhóm”, tiêu cực.
Rất đông cán
bộ, đảng viên đã bày tỏ tâm đắc với câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng:
“Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc
đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân
ái, lẽ phải và công bằng”. Thế nên, nuôi dưỡng niềm tin chính trị ở mỗi cán bộ,
đảng viên phải gắn với xây dựng danh dự và dám hy sinh, không chạy theo vật chất,
“lo trước thiên hạ”, “hưởng sau thiên hạ”. Tự sửa mình trước cám dỗ, để không
sa vào “vũng bùn nhơ nhớp”, hoàn thành vai trò “công bộc” chính là cách thể hiện
và bảo vệ niềm tin chính trị đúng đắn, sáng suốt nhất.
0 nhận xét: