21/4/22

Tránh khuynh hướng “tô hồng”, nịnh bợ hay vùi dập trong tự phê bình và phê bình


“Biết đồng chí của mình sai nhưng vẫn ca ngợi làm tốt lắm; ngược lại biết đồng chí của mình có khuyết điểm nhỏ thôi nhưng cố tình vùi dập, làm mất hết tác dụng của tự phê bình. Đó là 2 khuynh hướng cần phải tránh”.

Tự phê bình và phê bình là nguyên tắc, là quy luật tổ chức hoạt động và phát triển của Đảng. Tuy nhiên, Đảng ta cũng nhiều lần chỉ rõ, ở không ít nơi, việc tự phê bình và phê bình còn nặng về hình thức, thậm chí là đoàn kết xuôi chiều. Đây cũng là những hạn chế cần khắc phục để việc tự phê bình và phê bình thực chất và hiệu quả hơn, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi suy thoái, tiêu cực.

Trong kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, công tác tự phê bình và phê bình đã đặt ra yêu cầu cao hơn. Quy định mới về những điều đảng viên không được làm vừa ban hành cũng cấm việc đoàn kết xuôi chiều, tự phê bình và phê bình hình thức.

Phóng viên VOV phỏng vấn PGS.TS Lê Văn Cường- Phó Viện trưởng Viện xây dựng Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) về nội dung này.

PV: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói do không thực hiện đầy đủ quy định về tự phê bình và phê bình; tự phê bình và phê bình hình thức, bị biến tướng nên hiệu quả chất lượng không cao, dẫn tới tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp… Ông có nhận định gì về tình trạng này?

Ông Lê Văn Cường: Nhận định của Tổng Bí thư rất khách quan, bởi vì căn bệnh này đã kéo dài nhiều nhiệm kỳ chứ không phải bây giờ mới có. Có thể nói, đã có sự buông lỏng trong việc thực hiện các nguyên tắc tổ chức, trong đó có nguyên tắc tự phê bình và phê bình.

Nguyên nhân của hiện tượng này là do nể nang, né tránh, e dè, ngại va chạm hoặc xuê xoa vo tròn theo kiểu “anh tố tôi thì tôi tố anh”, “anh không tố tôi thì tôi không tố anh”, rốt cuộc là không ai tố ai, nước chảy lá khoai, làm cho qua chuyện. Dẫn đến một thực trạng đáng buồn đó là nhiều khi trong nội bộ Đảng, trong sinh hoạt chi bộ, đảng viên không nói gì, coi như không biết gì, nhưng ở ngoài người ta biết hết. Rõ ràng là tính đảng, tính đấu tranh yếu.

Bác Hồ có tận 273 lần nói về tự phê bình, trong đó có 1 bài báo riêng Bác đặt tên là Tự phê bình. Nếu chúng ta làm đúng theo lời Bác thì sẽ gột rửa được nhiều. Ngay khi Bác nói về đạo đức cách mạng, Bác dặn: đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống, từ dưới đất chui lên, nó do rèn luyện hàng ngày mà có. Cho nên khi thực hiện tự phê bình và phê bình, yêu cầu của Bác là phải thật thà, như người rửa mặt hàng ngày.

Nhưng chúng ta chưa thực hiện đúng theo lời dạy của Bác, cho nên khuyết điểm nhỏ tích lại thành khuyết điểm lớn và có khi kéo dài và cũng không ngăn được sai lầm, khuyết điểm nhỏ nên sau này dẫn đến hậu quả lớn đến lúc phải xử lý thì khá đau lòng, mất cả cán bộ, mất cả tiền của và mất niềm tin của nhân dân đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên.

PV: Về lý thuyết, mỗi cán bộ, đảng viên đều nhận rõ vai trò, tác dụng của việc tự phê bình và phê bình, nhưng trên thực tế vẫn có những nơi này, nơi khác diễn ra tình trạng tự phê bình và phê bình mang tính hình thức, chiếu lệ, thưa ông?

Ông Lê Văn Cường: Đó là hiện tượng có thật. Khi phát biểu bế mạc Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư nhấn mạnh: đường lối, chủ trương rất hay rồi nhưng với điều kiện phải đưa nó vào thực tế, nghĩa là biến đường lối trở thành cơm áo gạo tiền, thành hạnh phúc ấm no cho người dân, chứ không phải là nói đường lối hay nhưng khi tổ chức thực hiện không có kết quả.

Việc tự phê bình và phê bình cũng đang có hiện tượng xuê xoa, lựa chiều. Ngoài ra còn có 2 biểu hiện biến tướng hết sức đáng ngại nữa đó là “tô hồng”, nịnh bợ, ca ngợi lãnh đạo và bôi đen, trù dập. Nghĩa là biết đồng chí của mình sai nhưng vẫn ca ngợi làm tốt lắm; ngược lại biết đồng chí của mình có khuyết điểm nhỏ thôi nhưng cố tình vùi dập, làm mất hết tác dụng của tự phê bình. Đó là 2 khuynh hướng cần phải tránh.

PV: Trong thực tế, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi tự phê bình và phê bình không chỉ là một nguyên tắc về sinh hoạt Đảng, mà còn thể hiện tính đạo đức và văn hóa trong Đảng, thế nhưng đáng tiếc là công tác tự phê bình và phê bình tại một số đơn vị, địa phương chưa được thực hiện nghiêm túc từ cơ sở nên khuyết điểm của mình hay đồng chí mình không được chỉ ra, không được nhận biết để sửa chữa, có nơi còn để khuyết điểm ngày càng to dần lên, cuối cùng họ phải chịu kỷ luật hay thậm chí là rơi vào vòng lao lý. Là người nghiên cứu về công tác xây dựng Đảng, ông nhìn nhận như thế nào về thực tế này?

Ông Lê Văn Cường: Muốn tự phê bình và phê bình hiệu quả thì đầu tiên bản thân mình phải vượt qua chính mình. Khi vượt qua được chính mình thì mới thật thà nhận những khuyết điểm của mình và có đủ dũng khí để chỉ ra những khuyết điểm của đồng chí, đồng đội mình, giúp họ sửa chữa.

Cuộc đấu tranh trong từng đảng viên cũng khá quyết liệt, bởi vì có đụng chạm, thậm chí có cả lợi ích gồm lợi ích vật chất và tinh thần. Nên đối với từng người, có ai vượt qua được chính mình vì khi nói ra liệu có bị mất lợi ích của mình không, có bị cơ quan coi đây là thành phần phá đám, chuyên chọc gậy bánh xe, vạch áo cho người xem lưng không?

Tôi nghĩ, hiện nay giải pháp gốc là từng đảng viên phải tự tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, dũng cảm nhìn nhận những sai lầm, khuyết điểm của mình nếu có và dũng cảm góp ý cho đồng chí, đồng đội của mình. Về mặt tổ chức, cần phải có quy định, quy chế chặt chẽ, rõ ràng chứ không thể làm hình thức chiếu lệ, có chế tài để xử lý không hay là cuối cùng lại “hòa cả làng”.

Kết luận 21 (khóa XIII) cũng chỉ rõ là “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, bên cạnh việc phê phán sai trái, xử lý những hành động sai trái thì kịp thời biểu dương, khuyến khích những người dũng cảm đấu tranh chống tiêu cực, những tấm gương đi đầu trong việc “ích nước lợi dân” thì lúc ấy mới góp phần lấy cái đẹp dẹp cái xấu.

PV: Thực tế có tình trạng đóng cửa bảo nhau theo kiểu “anh không đụng đến tôi, thì tôi không đụng đến anh”, hay là việc lạm dụng phê bình để thực hiện ý đồ cá nhân và điều này thì có thể làm giảm sức mạnh chiến đấu của Đảng. Vậy theo ông, nguyên nhân cốt lõi nằm ở đâu và đâu là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong vấn đề này?

Ông Lê Văn Cường: Tôi cho rằng nguyên nhân cốt lõi là do tính đảng của đảng viên thấp, không có đủ dũng khí để đấu tranh, cũng như thực hiện đúng nguyên tắc tự phê bình và phê bình; chưa thực hiện nêu gương. Theo dõi một số nơi cho thấy họ nhận thức chưa đúng về nêu gương. Nêu gương ở đây là tất cả đội ngũ đảng viên, đảng viên đi trước làng nước theo sau, trước hết là người đứng đầu. Nếu cấp trên làm đúng, nêu gương thì ở dưới sẽ làm tốt, không có chuyện xuê xoa, chiếu lệ.

Cùng với trách nhiệm nêu gương thì phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, các nguyên tắc hỗ trợ nhau. Ví dụ, nếu không thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ thì không khéo là người dũng cảm đấu tranh chống tiêu cực lại trở thành thiểu số, bị cô lập, bị trù dập, thậm chí đẩy ra khỏi cơ quan, đơn vị.

Bên cạnh đó, đoàn kết là phải đoàn kết thật lòng chứ không phải đoàn kết một chiều; phải gắn bó với nhân dân, đừng quan liêu, đừng xa dân. Các nguyên tắc tổ chức của Đảng cũng cần phải làm thật tốt và phải làm thực chất thì tự phê bình và phê bình mới đi vào cuộc sống.

PV: Theo ông, làm thế nào để đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tự phê bình và phê bình ngoài chính sự tự giác của họ và phải có những giải pháp gì để khuyến khích và bảo vệ người thẳng thắn trong công tác này?

Ông Lê Văn Cường: Đại hội XII của Đảng đã đưa ra ý kiến này và sau đó cập nhật vào Quy định 37 về những điều đảng viên không được làm, cập nhật vào Quy định 22 về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, tức là đều cụ thể hóa các quy định của Đại hội XIII là bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám nói, dám chịu trách, dám đột phá, sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn thử thách.

Câu chuyện đang bàn ở đây xoay quanh tự phê bình và phê bình thì đấy chính là dám đương đầu với khó khăn, thử thách, thấy đúng dám bảo vệ, thấy sai dám đấu tranh.

Để quy định đi làm cuộc sống thì người đứng đầu phải nêu gương, làm trước thì các đảng viên khác sẽ làm theo; mở rộng dân chủ để đảng viên phê bình, góp ý, đồng thời cần phải có quy định cụ thể hóa trách nhiệm. Ví dụ như hiện nay chúng ta quy định sinh hoạt chi bộ, trong 1 năm cần có bao nhiêu cuộc tự phê bình và phê bình, bao nhiêu sinh hoạt chuyên đề về nội dung này chứ không có chuyện hình thức trong sinh hoạt chi bộ, cứ lồng ghép vào việc quán triệt nhiệm vụ chuyên môn.

PV: Xin cảm ơn ông./.

 


0 nhận xét: