Cấp quản lý
trung và thấp luôn là cấp quan trọng nhất trong mọi bộ máy. Đơn giản, đó là cấp
của vận hành, của hành động. Và phổ biến ở Việt Nam hiện nay đang là bệnh chờ
chỉ đạo. Do sợ trách nhiệm? Do sợ sai? Hay do lý do nào đi chăng nữa thì đó vẫn
là căn bệnh lệ thuộc đáng ngại đủ làm rào cản lớn cho phát triển.
KHÔNG LÀM
KHÔNG SAI
Một trong những
thứ khó dạy trẻ con nhất, chính là khả năng chịu trách nhiệm với hành vi của
mình.
Năm 2018, ở một
xã miền núi của Tây Nguyên, có hai đoàn từ thiện từ Hà Nội vào khảo sát. Hai
đoàn không biết đến sự tồn tại của nhau. Họ vào thăm xã cách nhau vài ngày vì một
cơn lũ quét tàn khốc vừa đi qua địa phương: nhiều gia đình mất người thân, nhiều
nóc nhà bị cuốn trôi, ngay cả những công trình công cộng như nhà văn hóa hay
trường học cũng biến mất cùng đất sạt xuống chân đồi.
Cả hai đoàn
cùng nhận ra một vấn đề: xây dựng một điểm trường cho trẻ em trong xã là nhiệm
vụ bức thiết nhất. Khi đó, những đứa trẻ trong vùng đang được gửi tại những
ngôi lán nhỏ, mái bằng tôn, vách bằng vài miếng gỗ và vá thêm mấy tấm nylon,
trên mảnh đất trống. Thứ gọi là “phòng học” thực chất là quây mảnh đất lại, trẻ
con vẫn chạy chân trần trên “sàn nhà” là mặt đất trơ trọi. Có vài thầy cô đang
bám trụ trong bản, chăm sóc cho các em. Trong số đó có nhiều em đã mồ côi sau
cơn lũ.
Việc xây dựng một
điểm trường mới, đầu tiên giúp lũ trẻ được học trong những căn phòng ấm về mùa
đông và mát về mùa hè, đảm bảo sức khỏe. Thứ hai, trẻ có trường mới là bố mẹ
chúng sẽ yên tâm dựng lại nhà, trồng lại rẫy, tái tạo cuộc sống sau cơn lũ kinh
hoàng. Và xa hơn, một công trình kiên cố trên mảnh đất khô ráo có thể trở thành
công trình đa chức năng, giúp người dân trú ngụ trong những mùa mưa sau này.
Cả hai đoàn từ
thiện cùng đề xuất với huyện: họ sẽ tài trợ hơn một tỷ đồng để xây dựng một điểm
trường mới cho cụm dân cư trong núi.
Chính quyền huyện
đối mặt với một tình huống khó khăn. Họ không biết ai thực sự sẽ đầu tư cho địa
phương xây trường mới – vì thỏa thuận nguyên tắc là vậy, nhưng còn bao nhiêu thủ
tục giải ngân. Nên họ đồng ý miệng với cả hai đoàn từ thiện. “Mong anh chị giúp
đỡ”.
“Bi kịch” xảy
ra khi cả hai đoàn từ thiện, đều là những tổ chức “có máu mặt” tại Trung ương,
đều lo xong thủ tục giải ngân. Lúc này, chính quyền huyện… không biết phản ứng
thế nào. Họ đồng ý cho cả 2 đoàn từ thiện xây hai-ngôi-trường-cạnh-nhau.
Họ nói, vì cả
hai đều là tổ chức lớn, mà việc trình thủ tục xin tiền đều rất khó khăn. Giờ đã
trình xong, xin được tiền xong, mà huyện lại từ chối thì không dám. Họ ngại. Họ
sợ. Họ lúng túng. Họ thà xây 2 cái trường còn hơn là làm mất lòng bên nào.
Hai ngôi trường
giống hệt nhau, với cùng mức đầu tư, được xây cạnh nhau trong lòng thung lũng.
Xung quanh còn bao nhiêu hạng mục khác của một khu dân cư bị lũ quét chưa có tiền
đầu tư, vẫn là những ngôi lều dựng tạm của người dân, những con đường đất đỏ lầy
lội, nhưng lại xây thừa một cái trường cả tỷ bạc. Với nhiều người, khung cảnh
đó thậm chí có thể dùng từ “phản cảm”.
Cuối cùng một
trong hai nhà tài trợ phát hiện ra sự việc (vì nhìn thấy bên cạnh ngôi trường của
mình tài trợ có cái gì… sao giống ngôi trường quá). Nhưng vì thể diện, cũng chẳng
làm ầm lên. Huyện hứa, thư thư cho ít bữa, rồi sẽ chuyển một trong hai cái trường
thành nhà đa chức năng. Nhưng huyện vẫn xin, vì thể diện, cho tổ chức lễ khai
giảng ở… cả hai cái trường, với hai nhà tài trợ cắt băng khánh thành riêng.
Hãy tưởng tượng
về một vị khách từ một quốc gia phát triển đến Việt Nam và trải nghiệm câu chuyện
này, hẳn mắt ông ta phải lồi ra bằng cái chén uống nước. Tặc lưỡi xây 2 cái trường
giống hệt nhau chỉ vì… ngại từ chối nhà tài trợ? Nhưng nếu bạn đã quen với văn
hóa làm việc ở nhiều nơi tại Việt Nam, bạn sẽ hiểu chuyện này có thể thông cảm
được. Ngại chứ, sợ chứ. Người ta mất bao nhiêu giấy tờ mới xin được tiền, giờ
biết từ chối sao, mà từ chối bên nào?
Đây chỉ là một
câu chuyện mà cái sự “ngại” được thể hiện một cách cực đoan. Trong một giây
phút phải đưa ra quyết định, người ta có thể quyết định rằng mình sẽ… ngồi im.
Thà gây hậu quả, thì cả tập thể/cộng đồng phải chịu trách nhiệm, chứ nếu quy về
trách nhiệm cá nhân thì thôi xin kiếu.
Trong nhiều môi
trường, “chờ chỉ đạo” là một nghĩa vụ mà các thành viên phải tuân thủ tuyệt đối.
Mọi quyết định tự đưa ra đều là một rủi ro cho sự nghiệp. Còn như trong câu
chuyện của huyện miền núi này, khi không có ai chỉ đạo, họ sẵn sàng… ngồi im.
Làm ít sai ít.
Làm nhiều sai nhiều. Không làm không sai. Người ta truyền khẩu với nhau câu này
đã lâu rồi. Nhưng thực ra, trong rất nhiều trường hợp cần đưa ra quyết định, việc
“không làm gì” có thể gây hại khủng khiếp.
Chỉ tiếc rằng
không thể thuyết phục một cá nhân rằng hãy dấn thân, nếu như anh ta hưởng lương
theo ngạch bậc, lên lương theo định kỳ, và rất có thể được cất nhắc không hoàn
toàn nhờ vào thành tích với người dân. Khi một ai đó ra quyết định, đối mặt với
rủi ro bị đánh giá, họ cần có động lực: phần thưởng khi thành công, dành cho cộng
đồng, người dân và cho chính bản thân họ phải đủ lớn – dù là danh dự hay vị
trí.
Phần lớn chủ đề
dạy con của chúng ta xoay quanh mấy chữ “chịu trách nhiệm”. Làm hỏng đồ chơi,
dây nước ra sàn nhà, làm em khóc, đều phải biết nhận lỗi và xin lỗi. Không được
nói dối. Đi học và làm việc nhà đều phải tự giác… Cứ thế, từ nhỏ tới lớn, kỹ
năng quan trọng nhất chúng ta trang bị cho trẻ là “tự chịu trách nhiệm về hành
vi của mình”, cho đến tận khi chúng đứng trước các quyết định nặng nề như chọn
trường đại học, chọn nghề nghiệp hay chọn bạn đời. Kết thúc giáo trình “chịu
trách nhiệm” kéo dài trên dưới hai chục năm đó, là lúc bạn buông tay để con tự
sống.
Bọn trẻ con
không biết chịu trách nhiệm. Nhưng chúng vẫn ngây thơ để tin rằng mình có thể
nói dối và xin lỗi qua loa là xong. “Em đánh con trước”, chúng nói. “Con mèo
làm đổ cái bình chớ hổng phải con”, chúng thanh minh.
Người lớn,
trong môi trường công việc hiểu rằng nếu “vỡ bình” thì họ không đổ cho con mèo
được. Và cách nhiều người lựa chọn? Không đến gần cái bình nữa. Họ không làm gì
nữa. Họ ngồi im đó vì sợ trách nhiệm và không đưa ra bất kỳ một quyết định nào
nữa.
Có chỉ đạo thì
làm.
TỌA SƠN CHỜ
CHỈ ĐẠO
Vào đầu tháng
Tư vừa rồi, một tay giang hồ cộm cán ở khu phố anh bạn tôi ở vừa xộ khám, sau
nhiều năm tác oai tác quái
Hắn cầm đầu một
băng nhóm tín dụng đen từ nhiều năm nay, chuyên cho vay với lãi suất cắt cổ từ
1.000-10.000 đồng/triệu đồng/ngày. Cùng với tay chân thân tín, hắn ép các con nợ
phải viết giấy bán nhà, gán các tài sản có giá trị khi mất khả năng trả nợ, đẩy
nhiều gia đình vào cảnh khốn cùng. Nhưng phải rất lâu sau, khi thành phố vào cuộc
với một chiến dịch truy quét quy mô lớn, thì băng nhóm của hắn mới sa lưới.
Sự bị động của
địa phương này không hề hiếm gặp, đặc biệt là ở các địa bàn vùng sâu vùng xa. Tại
một huyện giáp biên giới Campuchia tôi biết, tín dụng đen cũng hoành hành ngang
nhiên, trước phản ứng yếu ớt của địa phương. Có yếu tố khách quan: lực lượng của
huyện quá mỏng để đối phó với băng nhóm tội phạm đông đảo. Nhưng cũng có yếu tố
chủ quan: sự chậm chạp của những người đứng đầu. Có rất nhiều điều khiến họ phải
lăn tăn trước khi quyết định đương đầu, như là dân cư thưa thớt nên rất sợ bị
trả thù; quan trọng hơn, các cấp địa phương thường chờ sự chỉ đạo lẫn giúp đỡ của
cấp cao hơn để có động lực triển khai.
Tất nhiên, nếu
bạn sống đủ lâu ở địa phương, thì có lẽ bạn cũng đã hiểu chuyện đủ để thông cảm
với những ai đã chờ hiệu lệnh mới đi thi hành: những cán bộ địa phương, nếu
không tha hóa, luôn phải vật lộn với các con tính mưu sinh, trước khi nghĩ đến
các lý tưởng. Tôi đã từng thấy một trưởng ấp sáng ra tất bật lo sắp xếp địa điểm
tiêm vắc-xin, rồi đến trưa đã lại ra đồng xạ lúa; hay một công an xã gần về hưu
tranh thủ ngày nghỉ để chạy xe liên tỉnh kiếm thêm.
Và bản thân việc
sống trong các hệ thống được thiết lập để đảm bảo pháp quyền, luôn có tính quan
liêu nhất định, chưa bao giờ là điều dễ dàng. Ý tưởng của tổ chức nhà nước pháp
quyền là tinh thần tuân theo pháp luật và tuân thủ những người thực thi luật
pháp, nhưng đời sống thế tục phức tạp hơn thế. Các công chức luôn phải đấu
tranh với cám dỗ lẫn những mối nguy tiềm tàng, và buộc phải liên tục đưa ra các
quyết định hệ trọng: tôn trọng các nguyên tắc, hay nhìn thủ trưởng hoặc cấp cao
hơn mà liệu đường xử thế.
Rất nhiều trong
số đó, vì tôn trọng các nguyên tắc luật pháp chung, thậm chí phải đi ngược lại
các cơ quan hay những người có thẩm quyền cao hơn. Trên thế giới, hãy nhớ lại
chuyện Tổng chưởng lý Hoa Kỳ Elliot Richardson và Phó tổng chưởng lý William D
Ruckelshaus đều đệ đơn từ chức vào năm 1973, thay vì nghe theo Tổng thống
Richard Nixon sa thải công tố viên đặc biệt đang cố điều tra vụ Watergate. Hay
gần đây hơn, Quyền tổng chưởng lý Sally Yates đã bị sa thải sau khi bà tuyên bố
rằng Bộ Tư pháp Hoa Kỳ sẽ không hợp tác thi hành mệnh lệnh của cựu Tổng thống
Donald Trump chống lại những người Hồi giáo nhập cư.
Tại Việt Nam,
nhiều vụ cấp dưới nhìn thấy sai phạm của cấp trên và đồng nghiệp và không chấp
nhận vào “guồng máy chung” ấy nên chấp nhận sẵn sàng phải nghỉ việc để có thể tố
cáo các hành vi sai phạm kia là không ít. Quyết định tố cáo kiểu ấy thường dẫn
đến kết cục cực đoan cho thân phận riêng của người tố cáo. Đơn cử, một cán bộ
sau khi tố cáo liền rời khỏi đơn vị công tác đã từng trả lời báo chí rằng: “Tôi
biết, việc tôi xin ra khỏi ngành sẽ làm cho gia đình rất khó khăn. Hiện tại,
tôi chưa có việc làm, với 3 con nhỏ (8 tuổi, 5 tuổi và 1 tuổi), tất cả đều nhờ
vào đồng lương của vợ tôi. Nhà cửa của tôi cũng còn đơn sơ. Nhưng vì danh dự và
lòng tự trọng, tôi không chấp nhận được những hành vi quá coi thường pháp luật
như vậy được”.
Nếu bạn không
có một tinh thần cực đoan với các nguyên tắc, đến mức “không thể chịu nổi” những
điều sai trái như thế, nhiều khả năng là bạn sẽ luôn tự đặt mình trong trạng
thái “chờ chỉ đạo”. Bạn không có lý do gì phải hy sinh một mảnh thân phận êm ấm
của mình trong một cỗ máy quan liêu, chỉ để chấp nhận dấn thân vào những rủi
ro. Từ bên trong, có quá ít lý do để một công chức có thể nói “không” với mệnh
lệnh từ phía trên, chỉ để bảo vệ những nguyên tắc, vốn chỉ là thứ trên giấy tờ
nếu không có những người dũng cảm đứng ra che chở cho nó. Mưu sinh và cảm giác
an toàn là những điều cơ bản của một người bình thường, giờ đây sẽ thành những
thứ mà bạn phải cân nhắc rất nhiều, nếu là một cán bộ chủ động muốn một mình bảo
vệ các nguyên tắc.
Nhưng nhìn những
đại án bị phanh phui sau một thời gian quá dài, từ chuyện tham nhũng cấp quốc
gia cho đến chuyện các tài phiệt thả sức lũng đoạn thị trường tài chính lẫn bất
động sản, hay việc một tên giang hồ cộm cán hoành hành rất lâu mới phải vào tù,
có lẽ chúng ta đều muốn rằng công lý không mất nhiều thời gian đến thế để đi đến
hành động. Chúng ta cần thêm nhiều người “không thể chịu nổi” những điều sai
trái, những người đặc biệt đã dám nói “không”, trong những hoàn cảnh phi thường.
Những người sẽ không cần ngồi chờ chỉ đạo, một khi các nguyên tắc cơ bản bị vi
phạm. Việc của chúng ta là tôn vinh những người như thế, và làm công việc của họ
trở nên dễ dàng hơn. Hãy bắt đầu tôn trọng các nguyên tắc, thậm chí một cách cực
đoan, nếu bạn là một mắt xích trong bộ máy nhà nước, ngay từ lúc này.
QUYẾT ĐOÁN TỪ
CẤP THẤP
Chưa bao giờ
tôi quên cảm giác của lần đầu tiên tôi tham gia trong vai trò đạo diễn một sự
kiện kỷ niệm thành lập một tập đoàn hồi 2005. Đó là một tập đoàn lớn, vốn dĩ rất
mạnh về sáng tạo và sản xuất nội dung, chương trình. Tôi đã nghĩ mình may mắn
vì được làm việc với cả một ê kíp thiện chiến trong nghề, tinh thông và rành rẽ
mọi ngõ ngách. Nhưng cuối cùng tôi đã nhầm, và rút ra được bài học kinh nghiệm
rất lớn để mỗi lần nhận dự án tương tự của tập đoàn ấy, tôi luôn có đối sách
phù hợp.
Những người tôi
ngỡ là thiện chiến hoá ra lại thụ động vô cùng. Không phải họ không có năng lực.
Họ thậm chí là những người rất giỏi là khác. Nhưng họ sợ. Chủ tịch tập đoàn vốn
dĩ là một người cực tài năng nhưng lại quá quân phiệt. Và điều đó dẫn tới việc
nhân viên của ông không dám đề xuất ý kiến, không dám quyết định bất kỳ việc
gì. Họ chờ đợi chỉ đạo từ ông bởi họ hiểu, cách đó sẽ không khiến ông phật ý và
họ có sự an toàn trong công việc.
Sau chương
trình ấy, tôi ngồi đối ẩm với ông chủ tịch trong một bữa tối cảm ơn. Khi ông hỏi
tôi nhận định thế nào về đội ngũ nhân viên của mình, tôi đã nói thẳng: “Anh đừng
giận, họ giỏi nhưng anh làm họ không thể bộc lộ cái giỏi. Trong nỗi sợ, họ
không dám phát huy bất kỳ điều gì. Anh đừng nên can thiệp quá sâu vào chi tiết
thì sẽ tốt hơn nhiều”. Ông chủ tịch gật gù, tâm đắc. Ấy vậy mà 15 năm sau,
trong một sự kiện tương tự, với một thế hệ nhân viên khác, trẻ trung và năng động
hơn rất nhiều, tình trạng ấy vẫn không hề thay đổi.
Có thể lý giải
cho nỗi sợ không dám quyết đoán của nhân viên tập đoàn kia là do cái sai lầm
trong quản lý áp đặt của ông chủ tịch nhưng nếu nhìn rộng ra ở nhiều tổ chức
khác, cả nhà nước lẫn tư nhân, chúng ta sẽ thấy sự thiếu quyết đoán, thiếu
trách nhiệm của cấp dưới không phải chỉ đến từ áp đặt của lãnh đạo. Sợ trách
nhiệm, sợ đụng chạm, sợ nhiều thứ khác ảnh hưởng đến tính ổn định riêng của cá
nhân mình đã khiến cấp dưới không đưa ra các quyết định hành động ngay khi cần.
Họ chờ đợi một ý chỉ từ lãnh đạo cao nhất và từ đó nó dẫn ra hai hệ lụy. Thứ nhất,
việc cần làm ngay không được làm ngay, dẫn tới các hậu quả xấu. Thứ hai, việc cả
một hệ thống chờ đợi vào quyết định của một cá nhân duy nhất sẽ khó có thể
tránh khỏi sai lầm bởi không có cá nhân nào là hoàn hảo và vẹn toàn đến mức
“trăm trận trăm thắng”.
Trong quản lý
nhà nước, cũng có quá nhiều sự việc mà chỉ khi có chỉ đạo của cấp cao nhất
trong bộ máy thì cấp dưới mới thực hiện. Đặc biệt nhất là ở những quyết định
khá nhạy cảm, dễ đứng giữa lằn ranh luật pháp. Có không ít vụ việc mà thực tế,
gần như cái đúng, cái sai đã ngã ngũ rành rành nhưng việc xử lý lại cứ luôn bị
tắc lại ở đâu đó một cách khó hiểu.
Chỉ đến khi có
một cấp cao đủ sức chịu trách nhiệm ra mệnh lệnh, việc xử lý mới được tiến hành
và tiến hành rốt ráo chỉ trong vòng “một nốt nhạc”. Tính lệ thuộc ấy đã tạo ra
hệ lụy khác nữa là sự nghi ngờ trong dân chúng. Khi nhận thấy cái sai mà không
khắc phục cái sai, người dân rất dễ bị dẫn dắt theo thuyết âm mưu là “có khuất
tất gì đấy” hoặc “có chống lưng nào đấy”. Bộ máy vốn dĩ đã chậm chạp lại gặp phải
các ngờ vực này chắc chắn sẽ làm mất lòng tin trong quần chúng hơn và thể hiện rõ
hơn sự yếu kém của mình.
Một ví dụ điển
hình là câu chuyện thao túng thị trường chứng khoán gần đây. Có phải là sự thao
túng ấy là lần vi phạm đầu tiên hay không? Song song đó, còn có rất nhiều những
sai phạm về báo cáo tài chính mà khá nhiều doanh nghiệp niêm yết vẫn mắc phải một
cách lặp đi lặp lại. Vậy mà Ủy ban Chứng khoán quốc gia cũng như lãnh đạo các
sàn giao dịch vẫn không có những xử lý rốt ráo ngay khi phát hiện sai phạm. Chỉ
đến khi có chỉ đạo và có sự tham gia điều tra của cơ quan công an, họ mới bắt đầu
hành động. Ở đây, có lẽ không phải là nỗi sợ trách nhiệm nữa rồi bởi ở cấp quản
lý thị trường chứng khoán, các lãnh đạo của những cơ quan kể trên đáng được xem
là lãnh đạo cao nhất rồi. Nguyên nhân có thể là rất khác mà chỉ có kết luận điều
tra được công bố cuối cùng mới lý giải cặn kẽ được mà thôi.
“Cái này phải
chờ chỉ đạo trên quận/huyện” có lẽ là câu trả lời mà nhiều công dân nhận được
nhất khi làm việc ở cấp phường/xã. Thử hỏi, nếu cái gì cũng cần chờ đợi chỉ đạo
như thế thì tồn tại cấp quản lý ở xã/phường để làm gì. Rồi bản thân ngay trong
cấp xã, phường ấy cũng có những chờ đợi chỉ đạo ở những việc quá nhỏ mà cụ thể
là chỉ đạo từ chủ tịch xã/phường. Năng lực cán bộ chuyên trách dường như đã bị
gác lại trước cái sợ, ngại trách nhiệm và va chạm. Từ đó, người dân cảm thấy
mình không nhận được dịch vụ công đích đáng và bắt đầu có những oán thán không
đáng có trên các diễn đàn.
“Trong thẩm quyền”
là thứ mà mỗi cá nhân ở cấp thấp phải ghi nhớ nhất. Trong thẩm quyền của mình,
mình cần mạnh dạn hành động để công việc được tiến hành với tốc độ tốt nhất của
nó. Mỗi một mắt xích nhỏ đều có phần tác động không nhỏ trong cả chuỗi vận động
của xã hội, của nền kinh tế. Sự trì trệ ở nhiều mắt xích chỉ vì một ràng buộc
“chờ chỉ đạo” đủ kéo chậm lại tốc độ phát triển đến hàng năm trời. Vẫn biết, đã
từng có những người xông xáo, quyết liệt, làm hết trách nhiệm của mình và cuối
cùng bị nhận về những hậu quả cá nhân đáng buồn nhưng điều đó không nên và
không thể là rào cản tâm lý để mỗi người trong chúng ta chùn chân lại, đặc biệt
là trước cái sai, cái xấu, cái ác và cả cái ngu dốt, phá hoại…
0 nhận xét: