Thời gian qua, hoạt động của các tà đạo đã tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế, văn hóa và tình hình an ninh, trật tự ở một số địa phương. Một số tà đạo bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng kích động hoạt động chống chính quyền nhân dân; thuyết giảng “kinh sách” có nội dung phê phán, đi ngược lại với văn hóa truyền thống, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Tính đến
tháng 11/2021, Việt Nam có hơn 26,5 triệu tín đồ tôn giáo, chiếm khoảng 27% dân
số cả nước; có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo khác nhau được Nhà nước công nhận
và cấp đăng ký hoạt động. Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tự do
tôn giáo của người dân là quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước
ta. Nhà nước ta còn quan tâm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động
bình thường trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Nghị quyết Đại
hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện
tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo;… thực hiện tốt đoàn kết tôn giáo, đại
đoàn kết dân tộc…”. Hiến pháp 2013 khẳng định: “Mọi người có quyền tự do tín
ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng
trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn
giáo để vi phạm pháp luật” (Điều 24). Đồng thời, “nghiêm cấm xâm phạm tự do tín
ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.
Tuy nhiên, thời
gian qua, lợi dụng chính sách tự do tôn giáo ở Việt Nam, một số người đã đứng
ra thành lập và tuyên truyền một số hình thức của tà đạo như “Long Hoa Di Lặc”,
“Chân không”, “Thanh Hải Vô thượng sư”, “Hà Mòn”, “Dương Văn Mình”, “Giê Sùa”,
“Bà Cô Dợ”…
Thời gian
qua, hoạt động của các tà đạo đã tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế, văn
hóa, chính trị và trật tự an toàn xã hội. Trong đó, đáng chú ý hoạt động của tà
đạo “Thanh Hải Vô thượng sư”, “Pháp môn diệu âm”, “Dương Văn Mình”, “tà đạo Hà
Mòn”, tà đạo “Hoàng Thiên Long”… trái với phong tục tập quán, truyền thống của
dân tộc; tuyên truyền mê tín dị đoan; xâm hại đến tính mạng, sức khỏe; khống chế,
lừa gạt người dân để trục lợi; gây mất đoàn kết trong cộng đồng dân tộc, giữa
các tôn giáo, gia đình ly tán (khi bị gia đình, người thân can ngăn, đối tượng
đã bỏ người thân theo tà đạo).
Các tà đạo
này ảnh hưởng đến sự ổn định xã hội (kích động trốn vào rừng, trốn đi nước
ngoài); một số tà đạo bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng kích động hoạt
động chống chính quyền nhân dân (“tà đạo Hà Mòn”)…
Phần lớn các
tà đạo ở nước ta có những cách hành đạo trái với văn hóa truyền thống, trái với
thuần phong mỹ tục của dân tộc, nhằm mục đích gây thanh thế cá nhân, thu lợi bất
chính về kinh tế. Mặt khác, gây bất ổn về an ninh chính trị và trật tự an toàn
xã hội ở một số địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc
thiểu số của đất nước.
Chẳng hạn, để
lôi kéo người dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, nhằm trục lợi và thanh thế
cá nhân, Dương Văn Mình, quê quán huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang (đã mất
12/2021), tự xưng là “chúa giáng thế”, tuyên bố rằng: “theo y cầu nguyện, không
làm cũng có ăn, không học cũng biết chữ, người già sẽ lột xác, ốm đau sẽ tự khỏi”,
nơi hành lễ là “nhà đòn”, dựng ở đâu tùy thích, thờ phụng con ve sầu, chim én,
cóc gỗ thay vì thờ cúng tổ tiên như trước đây”.
Còn Y Gyin
(sinh năm 1942, ở Sa Thầy – tỉnh Kon Tum), hành nghề cúng bái thì dựng chuyện
“Đức mẹ hiển linh” trao cho sứ mệnh truyền giáo, lập ra cái gọi là “đạo Hà Mòn”
lôi kéo, lừa bịp nhiều người dân thiếu hiểu biết:“Ai theo Đức mẹ thì mọi nợ nần
về vật chất và tinh thần đều được xóa, kể cả nợ ngân hàng; ốm đau không cần chữa
cũng khỏi bệnh; người đã theo thì không được bỏ, nếu bỏ đạo gia đình sẽ ly
tán”, “Hà Mòn” mới là “tôn giáo riêng” của người DTTS ở Tây Nguyên”.
Hay như các đối
tượng cầm đầu tà đạo “Giê Sùa” (Hờ Chá Sùng), tà đạo “Bà Cô Dợ” (Vừ Thị Dợ) đã
tuyên truyền cho một bộ phận đồng bào dân tộc Mông ở các tỉnh Tây Bắc rằng:
“theo đạo “Giê sùa”, đạo “Bà Cô Dợ” khi có chiến tranh, thiên tai thì sẽ được
đưa đến đất nước của Chúa sinh sống; kêu gọi người Mông phải đoàn kết để chung
tay xây dựng đất nước riêng của người Mông…”. Thực chất, “Hà Mòn”, “Dương Văn
Mình”, “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ” đều mang màu sắc của tà đạo, trái hoàn toàn với đạo
lý truyền thống văn hóa dân tộc, đã bị các thế lực thù địch lợi dụng gây xáo trộn
cuộc sống của người dân, gây mất an ninh, trật tự ở một số địa phương.
Từ thực tiễn
hoạt động của các tà đạo trong thời gian vừa qua, có thể nhận diện các tà đạo dựa
vào một số đặc điểm chủ yếu sau:
– Về người đứng
đầu: Luôn tự đề cao, đánh bóng bản thân mình cho rằng bản thân họ là “phật”,
“thánh”, “thần”…, nhiều người trước khi tạo dựng tà đạo hay “đạo lạ” còn mắc bệnh
tâm thần hoặc từ nước ngoài tuyên truyền phát triển vào trong nước trước để tạo
thanh thế. Các tà đạo thường sùng bái và thần thánh hóa người cầm đầu, khác với
tôn giáo truyền thống: đối tượng sùng bái là những bậc thánh hiền, thần thánh
hóa lãnh tụ, siêu trần, thoát thế…, tôn giáo truyền thống phát huy được tác dụng
hướng thiện, nâng đỡ cuộc sống con người; “tà đạo” thường có tư tưởng cực đoan,
chống lại hiện thực xã hội, thực hành lối sống phi pháp, quyên góp, bóp nặn tiền
của người dân.
– Về lý thuyết,
“giáo lý”, “giáo luật”: Chủ yếu được chắp vá, pha tạp, cải biên, xuyên tạc từ một
số điều trong lý thuyết, giáo lý, giáo luật của các tôn giáo truyền thống, đã
hình thành từ lâu, nên có những lời khuyên, điều răn dạy hướng thiện, giúp xoa
dịu, an ủi con người về mặt tinh thần trước những bất hạnh, khó khăn gặp phải
trong cuộc sống (đây là yếu tố làm cho tà đạo có thể tồn tại). Tuy nhiên, có một
số tà đạo có nội dung giáo lý trái thuần phong, mỹ tục của dân tộc, phản văn
hóa, phản khoa học như khuyên người ốm không dùng thuốc, chỉ cần cúng, dâng
hoa, cầu nguyện, dùng “nước thánh”, “thuốc phật”…, trái với quy luật tự nhiên;
lợi dụng các tà thuyết về “ngày tận thế” hoặc gắn với các nhu cầu về sức khỏe để
lôi kéo, mê hoặc, khống chế quần chúng.
Điển hình như
đối với tà đạo “Giê Sùa” đã và đang tác động vào vùng dân tộc Mông nước ta từ
năm 2015 và tuyên truyền, lôi kéo đồng bào dân tộc Mông tham gia với những nội
dung khác với giáo lý, giáo luật của đạo Tin Lành. Tà đạo “Giê Sùa” gọi tên
Chúa là “Giê Sùa” chứ không phải là Giêsu; coi “đạo Giê Sùa” là tôn giáo chính
thống, không thừa nhận các tôn giáo khác; thay nhân vật Adam và Eva trong Kinh
thánh bằng “chàng Ong” và “cô Ía”; không tổ chức lễ Giáng sinh, Phục sinh;
kiêng ăn thịt lợn và loài cá không vảy. Trong các tài liệu tuyên truyền về tà đạo
“Giê Sùa” ngoài nội dung bóp méo Kinh Thánh của đạo Tin Lành, những đối tượng cầm
đầu, cốt cán còn tuyên truyền thành lập “Nhà nước Mông”.
– Về mục đích
hoạt động: Hầu hết các tà đạo đều có chung mục đích là phục vụ lợi ích của người
cầm đầu “giáo chủ” (người sáng lập) và một số đối tượng cốt cán, tay chân của họ
nhằm thu về kinh tế thông qua thu lệ phí “quy y”, bán “sắc phong”, “bùa”, bán
sách, bài giảng, “thuốc chữa bệnh”… Đáng chú ý, các thế lực thù địch, phản động
tạo dựng hoặc lợi dụng “tà đạo” như là công cụ để tuyên truyền, tập hợp, thu hút
người vào các hoạt động chống chính quyền.
– Về nghi lễ
hành đạo: Mang nặng yếu tố mê muội, mê tín dị đoan, lừa bịp, phản khoa học trái
với những nghi lễ truyền thống, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc hay thần
thánh hóa lãnh tụ, các bậc thánh hiền, danh nhân, anh hùng dân tộc như: ép quan
hệ tình dục tập thể hoặc với giáo chủ để “đắc đạo” (“tà đạo Chân không” của Lưu
Văn Ty ở Hà Tĩnh khuyên tín đồ quan hệ tình dục với “người trời” là Lưu Văn
Ty); hủy hoại tài sản, của cải, hủy hoại một phần cơ thể hoặc cả thân xác con
người để sớm “siêu thoát” (“tà đạo Chân không” khuyên đốt bỏ một phần tài sản,
đầy đọa thân xác mới “đắc đạo”; tà đạo “chặt ngón tay” do Phạm Thị Hải ở TP Hồ
Chí Minh khởi xướng năm 1993 quy định người tu theo muốn thành “chính quả” phải
chặt một ngón tay để bỏ đi một phần thể xác giúp siêu thoát phần hồn…); kích động
tự sát để sớm về “nước trời” (như vụ hơn 50 người ở bản Pahé, huyện Thuận Châu,
tỉnh Sơn La theo tà đạo “Phạ tốc” đã tuân lệnh “giáo chủ” Cà Văn Liêng tiến
hành tự sát tập thể).
– Về cách hoạt
động: Thường thiên về hoạt động thực tiễn, nhưng lén lút, thường xuyên thay đổi
địa điểm nhằm tránh sự phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng; lợi dụng sơ hở của
pháp luật, trong công tác quản lý của chính quyền cơ sở để tuyên truyền phát
triển “đạo”; tán phát tài liệu tuyên truyền ở trên mạng Internet hay ở những
nơi công cộng, nơi tập trung đông dân cư; tập luyện “dưỡng sinh” ở công viên,
quảng trường, vườn hoa; lợi dụng những vùng đồng bào trình độ nhận thức còn thấp,
điều kiện sống, chăm sóc sức khỏe còn khó khăn để dụ dỗ, lừa bịp, khống chế,
lôi kéo theo “đạo”. Điển hình như đối với tà đạo “Bà Cô Dợ” thường sử dụng các
đoạn video clip quay các buổi sinh hoạt của điểm nhóm ở Mỹ và phát trực tiếp
trên mạng xã hội Facebook, kênh Youtube để giới thiệu, hướng dẫn mọi người sử dụng
điện thoại, máy tính bảng… kết nối Internet vào xem trực tuyến và làm theo hướng
dẫn.
– Về đối tượng
tin theo: Phần lớn người tin theo các tà đạo là những người gặp rủi ro, bế tắc
trong cuộc sống, do ốm đau, bệnh tật, nghèo khó; những người có trình độ văn
hóa thấp, ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, cũng
có những tà đạo do biết khai thác, lợi dụng, tạo vỏ bọc xuyên tạc các sự kiện
thực tế (dịch bệnh, thiên tai, hiểm họa môi trường…) để “khoác áo” cho các “tín
điều” nên đã thu hút được những người trẻ tuổi ưa cái mới, kể cả những người có
trình độ nhận thức và chuyên môn kỹ thuật cao, hoặc cán bộ các cơ quan chính
quyền và nhất là số cán bộ nguyên là lãnh đạo các ngành, giáo sư, tiến sỹ nghỉ
hưu tiếp tay cho tà đạo hoạt động.
Cũng như hoạt
động bình thường khác của xã hội, mọi sinh hoạt tôn giáo ở Việt Nam đều phải
trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam; nghiêm cấm bất kỳ ai lợi dụng
tôn giáo vi phạm pháp luật. Dù ở quốc gia nào, hoạt động tôn giáo đều cần phải
có sự quản lý để bảo đảm hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích và tuân thủ luật
pháp. Không tôn giáo nào được phép đứng ngoài hoặc đứng trên lợi ích quốc gia,
dân tộc.
Phan Dương
0 nhận xét: