17/6/22

Lỗ hổng trong kiểm tra, giám sát của các tổ chức Đảng ở cơ sở

 

 Các trường hợp cán bộ, đảng viên bị kỷ luật gần đây như ông Chu Ngọc Anh ở Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Long ở Bộ Y tế, ông Lê Minh Trung ở Đà Nẵng… cho thấy, công tác kiểm tra, giám sát, phê bình và tự phê bình trong một số Đảng bộ cơ sở còn bộc lộ hạn chế, yếu kém.

Đánh giá về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đảng viên Đoàn Văn Anh (quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) cho rằng, trong thời gian qua, Đảng ta có quyết tâm chính trị rất lớn, nhất là công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng. Qua đó, phát hiện và xử lý kỷ luật khá nhiều cán bộ, đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống; tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ cao trong bộ máy Nhà nước.

“Theo số liệu của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong 5 năm (2016-2021), đã có trên 87.000 đảng viên bị xử lý kỷ luật, trong đó trên 46.000 người liên quan đến suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa, chiếm 52,9%. Riêng trong quý I/2022, có trên 26 tổ chức Đảng với 1.017 đảng viên bị xử lý kỷ luật. Và nguyên nhân cơ bản phần lớn do thiếu tu dưỡng, rèn luyện…”, ông Đoàn Văn Anh dẫn chứng.

Theo ông Đoàn Văn Anh, các trường hợp vi phạm kỷ luật của cán bộ, đảng viên gần đây như ông Chu Ngọc Anh ở Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Long ở Bộ Y tế, ông Lê Minh Trung ở Đà Nẵng… cho thấy thời gian vụ, việc vi phạm diễn ra khá dài, chỉ đến khi sự việc vỡ lở, có đơn, thư tố cáo hoặc vi phạm pháp luật, các cơ quan chức năng của Đảng mới tiến hành kiểm tra và thi hành kỷ luật.

Nếu các tổ chức Đảng ở cơ sở làm tốt công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho đội ngũ đảng viên, thì các vụ, việc không đến mức nghiêm trọng như hôm nay”, ông Đoàn Văn Anh cho hay. 

Còn Đại tá Nguyễn Trí Tổng (quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng), nguyên Chủ nhiệm Chính trị Bộ tham mưu Quân khu 5 chia sẻ, qua theo dõi cho thấy, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, số cán bộ, đảng viên bị xử lý, kỷ luật là rất lớn. Phần lớn trong số đó là suy thoái đạo đức, tư tưởng chính trị. Có nhiều cán bộ giữ chức vụ cao trong bộ máy, có nhiều tướng trong lực lượng vũ trang, song Đảng vẫn kiên quyết thi hành kỷ luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

“Tôi thấy rất đau lòng, nhưng phải làm như Tổng Bí thư nói là ‘không có cách gì khác’, chặt một cành sâu để bảo vệ cả cái cây. Đây là quyết tâm chính trị rất lớn của Đảng và đã đem lại niềm tin trong nhân dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ”, ông Nguyễn Trí Tổng bày tỏ.

Đặc biệt, tại Hội nghị Trung ương 5 vừa rồi, Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Quyết định này là chính đáng, hợp với lòng dân; bước đầu giải quyết được vấn đề “trên nóng, dưới lạnh” trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Theo ông Nguyễn Trí Tổng, mặc dù Đảng ta quyết tâm cao trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhưng quá trình xử lý các đảng viên vi phạm vẫn làm chưa triệt để, nhất là ở khâu thu hồi tài sản và xử phạt, còn du di, không đủ sức răn đe. Vì vậy, không ít trường hợp vơ vét rồi chấp nhận bị khai trừ, thậm chí đi tù, “hy sinh đời bố củng cố đời con”. 

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát, phê bình và tự phê bình trong Đảng bộ cơ sở còn bộc lộ hạn chế, yếu kém. 

“Qua trường hợp ông Lê Minh Trung, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP. Đà Nẵng vừa bị bãi nhiệm, tôi thấy công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng ở cơ sở còn yếu, tính chiến đấu trong Đảng không cao. Việc Lê Minh Trung vi phạm những điều đảng viên không được làm, vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình, đâu phải bữa nay mới biết, mà xảy ra đã mấy năm nay, nhưng đến khi dư luận xã hội lên tiếng, mới được đưa ra xử lý. Như vây, chi bộ đâu có phát hiện, chi bộ đâu có phê bình, chi bộ đâu có đưa ra để kiểm điểm?”, ông Nguyễn Trí Tổng nêu vấn đề.

“Từ đó, tôi thấy rằng đảng bộ cấp cơ sở còn có những cái gọi là ‘dĩ hòa vi quý’, nể nang, xuê xoa với nhau. Cán bộ, đảng viên, đồng nghiệp với nhau mà không phát hiện được dấu hiệu vi phạm thì người dân cũng khó phát hiện để tố giác. Vũ khí tự phê bình và phê bình không được mài sắc, vì thế dẫn đến những vụ việc đáng tiếc vừa qua”, ông Nguyễn Trí Tổng cho hay.

Những hạn chế, khuyết điểm đó làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, do vậy tôi cho rằng công tác xây dựng chỉnh đốn đảng cần quan tâm từ cơ sở, cơ sở đảng mạnh thì nền móng của Đảng mới vững chắc. Các tổ chức Đảng ở cơ sở cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, đồng thời thực hiện nghiêm túc nguyên tắc phê bình, tự phê bình trong Đảng.

Có như thế, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng mới thật sự đạt hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên.

 

0 nhận xét: