16/6/22

Cán bộ có chức, quyền và ý thức tự giáo dục liêm chính

 

Kết quả công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng thời gian qua đã chỉ ra tình trạng cán bộ, đảng viên suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống không còn mơ hồ, chung chung mà hiện hữu ở nhiều lĩnh vực, cấp, ngành, địa phương, đơn vị, với mức độ ngày càng nghiêm trọng, cần được loại bỏ triệt để.

Nhìn từ những sai phạm của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên liên quan các vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á; Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; các kết luận gần đây của Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ nhiệm kỳ 2016-2021; Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025; Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Trà Vinh các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025… cho thấy một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, sa vào chủ nghĩa cá nhân, không giữ được liêm chính trước cạm bẫy lợi quyền. Nghiêm trọng hơn khi những người được giao quyền hạn, trách nhiệm đã lợi dụng tình trạng khẩn cấp trong phòng, chống dịch bệnh, bất chấp kỷ cương, phép nước, đạo đức xã hội để thực hiện hành vi vơ vét, trục lợi cá nhân.

Qua các vụ án, vụ việc liên quan tham nhũng, tiêu cực vừa qua cho thấy, số lượng tổ chức đảng và đảng viên bị kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính và truy cứu trách nhiệm pháp lý ở mức đáng lo ngại, với tính chất, mức độ, phạm vi, hậu quả rất nghiêm trọng. Phần lớn cán bộ, đảng viên vi phạm bị kỷ luật đều là những người có chức, có quyền, nắm giữ những vị trí trọng trách, người đứng đầu cấp ủy, đơn vị ở nhiều cấp, ngành, địa phương. Trước mỗi quyết định kỷ luật, câu hỏi thường được đặt ra là vì đâu nên nỗi, khi rất nhiều trong số đó là những cán bộ, đảng viên được đào tạo bài bản, có trình độ học vấn, trình độ lý luận chính trị cao, có quá trình trưởng thành từ thực tiễn. Trên cương vị của mình, hơn ai hết họ phải là người hiểu rõ về các quy định, quy chế làm việc, thẩm quyền, mối quan hệ trách nhiệm cá nhân-tập thể, quy trình xử lý công việc… Nhưng tất cả đã bị bỏ qua chỉ vì danh lợi trước mắt, vì lợi ích cá nhân đã đặt lên trên hết, cao hơn cả tự trọng của chính mình.

Trong các quyết định gần đây của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương về thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, đã chỉ ra cái gốc của vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, làm thất thoát lớn ngân sách nhà nước, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, suy giảm niềm tin trong nhân dân, chính là bắt nguồn từ sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống. Điều này khẳng định, suy thoái là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, là căn nguyên vi phạm kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước.

Tình trạng suy thoái như Trung ương đã cảnh báo, chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, cơ hội, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Trong các nguyên nhân dẫn đến suy thoái, Trung ương đã nhận định, có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân, từ việc bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng; sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên mất trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân. Không thể ngụy biện, suy diễn bi quan mà đổ lỗi cho cơ chế, bởi không có cơ chế, chế tài nào có thể kiểm soát hết được diễn biến nội tại trong mỗi con người, cũng không thể cưỡng chế lòng tham khi họ cố tình vi phạm.

Các quyết định kỷ luật nghiêm khắc tổ chức đảng, đảng viên vi phạm thời gian qua thể hiện sự nghiêm minh, nhất quán trong chỉ đạo và hành động của Đảng, thống nhất giữa nói và làm, cấp trên làm gương cho cấp dưới. Đây là những bản án nghiêm khắc, đúng người, đúng tội được dư luận đánh giá cao về tính công khai, minh bạch, khẩn trương trong kiểm tra, điều tra, xử lý. Đó tiếp tục là bài học đắt giá trong công tác xây dựng Đảng nói chung, đối với mỗi tổ chức đảng nói riêng; là bài học cảnh tỉnh cho mỗi đảng viên, nhất là những cán bộ lãnh đạo, quản lý về tự soi, tự sửa, tự tu dưỡng, rèn luyện chính mình.

Đấu tranh với sai phạm làm trong sạch nội bộ, củng cố đoàn kết trong Đảng để hướng tới mục tiêu cuối cùng là xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh, đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ tâm, đủ tầm. Điều đó đòi hỏi hành động của mỗi cấp ủy, cán bộ người có vị trí càng cao càng phải làm gương về tự giáo dục liêm chính, rèn luyện bản lĩnh vững vàng, phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, nhân dân và của Đảng lên trên hết ■


 

0 nhận xét: