30/6/22

Tổng Bí thư: ‘Không được cậy có quyền, uốn thẳng thành cong’

 


Tổng Bí thư nhắc lại, “Ban Chỉ đạo phải trong sạch, xứng đáng, nếu nhúng chàm thì nói không ai nghe. Ai trong Ban Chỉ đạo vi phạm tội sẽ xử lý trước. Không được cậy mình có quyền muốn làm gì làm, muốn uốn thẳng thành cong”.

Phát biểu kết luận Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) giai đoạn 2012 – 2022 vào sáng 30/6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, hội nghị hôm nay có nhiều ý nghĩa rất quan trọng. 

Theo Tổng Bí thư, hội nghị không chỉ nhìn lại 10 năm; không phải báo cáo thành tích, khen nhau mà cần rút ra cái gì và cần cải tiến thêm điều gì sắp tới để tiếp tục cuộc đấu tranh PCTN, TC không ngừng, không nghỉ, làm trong sạch bộ máy của Đảng và cả hệ thống chính trị, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược

Nhìn lại công tác đấu tranh PCTN, TC 2012 – 2022, Tổng Bí thư nhắc đến việc xử lý kỷ luật 2 Ủy viên Trung ương vừa rồi (ông Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh) chỉ trong hai ngày, vừa xử lý kỷ luật đảng, vừa bãi nhiệm ĐBQH, cách chức Bộ trưởng, sau đó khởi tố ngay.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, với việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương (trực thuộc Bộ Chính trị) đến nay, công tác PCTN, TC “đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược”. 

Dẫn kết quả điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành mới đây, Tổng Bí thư cho biết, tuyệt đại đa số ý kiến của người dân bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh PCTN, TC. Điều này khiến cho mọi sự xuyên tạc, chống phá của các thế lực xấu, thù địch đều trở nên trơ trẽn, nực cười. 

“Không phải như một số ý kiến cho rằng, nếu quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm “nhụt chí”, “chùn bước” những người dám nghĩ, dám làm, làm “chậm” sự phát triển đất nước; mà hoàn toàn ngược lại”, Tổng Bí thư khẳng định.

Điều này bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực xấu, thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là “đấu đá nội bộ”, “phe cánh”.

Tổng Bí thư nêu rõ, đẩy mạnh đấu tranh PCTN, TC và xây dựng, làm trong sạch Đảng và bộ máy Nhà nước chỉ làm “chùn bước” những ai có động cơ không trong sáng, đã trót “nhúng chàm” và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và kinh nghiệm.

“Qua tổng kết, chúng ta có thể khẳng định rằng, chưa bao giờ công tác đấu tranh PCTN, TC lại được thực hiện một cách mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, bài bản và hiệu quả như thời gian gần đây; để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước”, Tổng Bí thư quả quyết.

Tham nhũng, tiêu cực vẫn là một trong những “kẻ thù hung ác”

Tuy nhiên, Tổng Bí thư lưu ý, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng phải thẳng thắn thừa nhận vẫn còn những hạn chế, tồn tại. Tham nhũng, tiêu cực vẫn là một trong những “kẻ thù hung ác”, nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta.

Từ đó, Tổng Bí thư nêu nhiều bài học quý có giá trị cả về mặt lý luận và thực tiễn. Trong đó, cần nhận thức cuộc đấu tranh PCTN, TC phải có quyết tâm chính trị rất cao, biện pháp rất trúng và phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung, thống nhất của Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Ban Chỉ đạo Trung ương…

Theo Tổng Bí thư, phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người, trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình; liên quan đến lợi ích, chức vụ, danh vọng, uy tín của tổ chức, cá nhân. Vì vậy, phải có thái độ thật kiên quyết, không khoan nhượng và hành động thật quyết liệt, cụ thể, hiệu quả. 

“Mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm; quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn; bất kể ai lạm dụng, lợi dụng quyền lực để trục lợi đều phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm”, Tổng Bí thư phân tích. 

Tổng Bí thư nhấn mạnh, phòng, chống tham nhũng là “chống giặc nội xâm”, tức là chống những thói hư, tật xấu, nhất là sự suy thoái về phẩm chất, đạo đức, tệ ăn bớt, ăn cắp, ăn chặn của công dưới nhiều hình thức; tiền tài, của cải, vật chất do người khác “biếu xén”, “cho, tặng”. Thực chất đó là hối lộ với động cơ không trong sáng. Việc này thường diễn ra đối với những người có chức, có quyền. 

Vì vậy, đây là nhiệm vụ rất quan trọng, nhưng cũng vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, “không nghỉ”, “không ngừng”.

Tổng Bí thư lưu ý, phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”; một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để “không dám tham nhũng”; và một cơ chế bảo đảm để “không cần tham nhũng”. 

Đồng thời xử lý cả hành vi tham nhũng và hành vi dung túng, bao che cho tham nhũng; can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng; phải tiến hành đồng bộ giữa kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính của Nhà nước, đoàn thể và xử lý hình sự.

Bên cạnh đó, Tổng Bí thư nêu rõ, kiểm soát cho được việc thực hiện quyền lực nhà nước. Kiểm soát quyền lực và thực hành liêm chính trước hết phải được tiến hành có hiệu quả trong các cơ quan PCTN.

Tổng Bí thư kể, khi tiếp xúc cử tri, cử tri hoan nghênh thành lập Ban Chỉ đạo PCTN, TC cấp tỉnh. “Tôi cũng răn đe trước là Ban Chỉ đạo phải trong sạch, xứng đáng, nếu nhúng chàm thì nói không ai nghe. Ai trong Ban Chỉ đạo vi phạm tội sẽ xử lý trước. Không được cậy mình có quyền muốn làm gì làm, muốn uốn thẳng thành cong. Phải hết sức trong sạch, bản thân mình có trong sạch thì mới đi chống người khác được”, Tổng Bí thư nói.

“Chân mình còn lấm bê bê, Lại cầm bó đuốc đi rê chân người”

Về phương hướng nhiệm vụ thời gian tới, Tổng Bí thư nhấn mạnh tinh thần kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. 

“Kiên quyết thu hồi tài sản tham nhũng; kịp thời xử lý, thay thế những cán bộ lãnh đạo, quản lý có biểu hiện nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp”, Tổng Bí thư nói.

Tổng Bí thư yêu xây dựng văn hoá tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu.

“Cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực”, Tổng Bí thư nhắn nhủ.

Tổng Bí thư lưu ý tránh tình trạng: “Chân mình còn lấm bê bê, Lại cầm bó đuốc đi rê chân người”; “Thượng bất chính thì hạ tắc loạn!”; “Cấp trên ở chẳng chính ngôi, cho nên ở dưới chúng tôi hỗn hào!”.

Bên cạnh đó, Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh đến việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế – xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những “khoảng trống”, “kẽ hở” để “không thể tham nhũng, tiêu cực”.

Trong đó, phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng chính sách, pháp luật để hạn chế sự tác động tiêu cực của “nhóm lợi ích”, “sân sau”, “tư duy nhiệm kỳ”.

Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện các quy định về kiểm soát quyền lực; quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu; khuyến khích và bảo vệ cán bộ, đảng viên, người đứng đầu đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Bên cạnh đó là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng; ngăn chặn có hiệu quả tệ “tham nhũng vặt”; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.

Trong đó, Tổng Bí thư lưu ý, phải kịp thời phát hiện, giải quyết từ sớm, ngăn chặn từ đầu các hành vi sai phạm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn. Mọi cán bộ, đảng viên vi phạm đều phải bị xử lý kịp thời, đồng bộ, nghiêm minh, công khai…

Tổng Bí thư mong tất cả các cán bộ “rường cột” của Đảng và Nhà nước, những “Bao Công” của thời đại ngày nay, hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm và dũng khí trước Đảng, trước nhân dân và đất nước, gương mẫu, đi đầu.

Tổng Bí thư dẫn lại ý trong “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Nikolai A.Ostrovsky để kết lại bài phát biểu: “Cái quý nhất của con người là Cuộc sống và Danh dự sống, bởi vì đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi hổ thẹn vì những việc làm ty tiện, đớn hèn, bị mọi người khinh bỉ…”.

 

0 nhận xét: