Hôm nay, Bộ
Chính trị triệu tập một hội nghị quan trọng nhằm đánh giá một chặng đường mà ở
đó, Đảng trực tiếp chỉ đạo và đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng – một
công việc đầy cam go, thử thách khi phải đấu tranh với với chính những người đồng
chí của mình, trong nội bộ mình.
10 năm qua, kể
từ khi chuyển đổi mô hình Ban chỉ đạo TW về phòng chống tham nhũng từ Chính phủ
do Thủ tướng đứng đầu sang mô hình Ban chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng
Bí thư đứng đầu, nhân dân đã thấy một “diện mạo mới” trong công cuộc làm trong
sạch đảng, trong sạch đội ngũ.
Chưa bao giờ,
kể từ khi thực hiện công cuộc đổi mới, chúng ta lại chứng kiến một thời kỳ “nở
rộ” quan tham như lúc này. Phải chăng cơ chế thị trường đã cuốn “một bộ phận
không nhỏ” vào vòng xoáy tiền tài, danh vọng để rồi sẵn sàng vi phạm kỷ luật Đảng,
vi phạm pháp luật của Nhà nước?
Băn khoăn ấy
đã có câu trả lời bởi lẽ, ngọn cờ chống tham nhũng do Đảng phát động và “người
cầm lái” vững vàng đã đặt quyết tâm chính trị cao nhất cho cuộc chiến sinh tử để
bảo vệ chế độ, giữ vững niềm tin trong nhân dân.
Những kẻ
thoái hóa, biến chất, bất kể ai, kể cả Ủy viên Bộ Chính trị đương chức, kể cả
sai phạm đã xảy ra từ lâu, bất kể ngành nghề công tác hay trình độ học vấn… cứ
đi ngược lại lời thề trước Đảng, đi ngược lại lợi ích của nhân dân, lo vun vén
cho bản thân và nhóm lợi ích, làm thất thoát tiền của Nhà nước… đều bị xử lý
theo tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Với sự chỉ đạo
lớp lang, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan chức năng, từ kiểm tra, thanh
tra, điều tra, truy tố, xét xử…nhiều sai phạm “lẩn khuất” từ nhiều nhiệm kỳ trước
đã bị đưa ra ánh sáng. Đó cũng là lý do khiến số lượng cán bộ, đảng viên bị xử
lý ở thời kỳ này tăng “đột biến”.
“Lò đã nóng
lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi
cả lò nóng lên…” hình ảnh sinh động, dân dã mà người đứng đầu Đảng ví von với
công cuộc chống tham nhũng đã trở thành một câu nói phổ biến trong dân gian.
Người ta ngóng chờ những bản kết luận công khai của Ủy ban kiểm tra Trung ương,
rồi tự mình cũng có thể trả lời tới đây, “củi tươi”, “củi khô” nào sẽ bị đưa
“vào lò”. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực giờ đây không
chỉ lẻ mẻ từng vụ, từng việc mà đã thành phong trào, thành một xu thế. Cá nhân
nào muốn không làm cũng không thể được.
Đấu tranh chống
tham nhũng mạnh thế, kỷ luật và truy tố nhiều cán bộ như thế, cảm xúc của nhân
dân thế nào? Nhân dân có buồn không, có tâm tư, trăn trở không?
Buồn lắm chứ,
đau lắm chứ. Không ít vị cán bộ lão thành, cống hiến và hy sinh cả đời cho cách
mạng đã phải gạt nước mắt khi nhắc đến những vụ việc nổi cộm, nhắc đến những
cán bộ vi phạm cả pháp luật lẫn đạo lý, sẵn sàng kiếm chác trên nỗi đau khổ, bất
hạnh của nhân dân. Nhưng trên hết, họ vẫn tin rằng, cuộc chiến chống “nội xâm”
sẽ có kết quả tích cực, tin vào tài năng, bản lĩnh, phẩm cách, đạo đức của “người
đốt lò”. Không liêm, không sạch thì trên bảo dưới không nghe. Không lấy bản
thân mình, gia đình mình làm tấm gương thì sao “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”
được. Sự gương mẫu, quyết liệt, “nói đi đôi với làm”, “làm đi đôi với nói” của
Tổng Bí thư, Trưởng Ban chỉ đạo và các lãnh đạo chủ chốt là chỗ dựa vững chắc,
là sự đảm bảo về mặt chính trị và tạo động lực to lớn cho công cuộc phòng chống
tham nhũng.
Chủ tịch Hồ
Chí Minh từng nói “một tấm gương sống còn có giá trị hơn 100 bài diễn văn tuyên
truyền”.
10 năm qua, vừa
làm vừa rút kinh nghiệm, mô hình chống tham nhũng do Tổng Bí thư đứng đầu đã có
thêm chức năng chống tiêu cực để đấu tranh và xử lý những kẻ quay lưng với Đảng,
phai nhạt lý tưởng. Rồi cũng từ mô hình của Trung ương, tới đây, 63 tỉnh thành
sẽ có mô hình tương tự để chỉ đạo rốt ráo công tác phòng chống tham nhũng, tiêu
cực ở địa phương, tạo thành “cánh tay nối dài” để quét sạch những cán bộ hư hỏng,
thoái hóa, biến chất, từ cấp xã cho đến Trung ương.
Nhân dân
trông đợi và ủng hộ công cuộc “đốt lò” dù muôn vàn khó khăn, thử thách. Bây gờ
không làm thì bao giờ làm. Chỉ có như vậy, đất nước mới phát triển bền vững!
0 nhận xét: